25 năm, Bạc Liêu thay da đổi thịt
Đó là một phần tư thế kỷ Bạc Liêu, người “em áp út” của cả nước vươn mình, thay da đổi thịt để khẳng định một Bạc Liêu “đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - khát vọng - phát triển”. Đây cũng là phương châm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI.
Khát vọng phát triển và quyết tâm phải phát triển là ý chí và hành động của toàn Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu trong chặng hành trình mà thời cơ và thách thức luôn song hành.
Áo mới Bạc Liêu
Một gương mặt sáng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một Bạc Liêu tràn trề tiềm lực và sinh lực, ánh sáng văn hóa từ những công trình văn hóa làm nên gương mặt Bạc Liêu… Đó là nhận định của những bè bạn ngoài tỉnh khi nhìn ngắm và cảm nhận về Bạc Liêu hôm nay.
Chiếc áo mới đề cập ở phạm vi bài viết này xin được nhìn ở khía cạnh những công trình văn hóa làm nên sự thay da đổi thịt cho Bạc Liêu sau một phần tư thế kỷ ra riêng, khó khăn không ít nhưng luôn ôm hoài bão phát triển.
Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014. Ảnh: H.T
Từ những cái nhất và đầu tiên
“Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, đúng vào năm thứ 17 kể từ khi tái lập tỉnh, năm 2014, Bạc Liêu vinh dự đón nhận trọng trách: là địa phương đầu tiên đăng cai một Festival tầm quốc gia tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ (gọi tắt là ĐCTT) - loại hình vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013. Trước ngày Festival khai mạc, một nhà hát mang tên người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với mô phỏng 3 chiếc nón lá, cùng với cây đờn kìm cách điệu sừng sững giữa Quảng trường Hùng Vương ngay sau khi thành hình đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là những mô hình cách điệu có kích thước lớn nhất Việt Nam. Cũng nhân Festival này, được khánh thành từ năm 2014, Quảng trường Hùng Vương kể từ đó cũng trở thành niềm tự hào của người Bạc Liêu. Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở Quảng trường đã giúp vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa này “ghi điểm” trên bản đồ du lịch Việt Nam! Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968 mang giá trị lịch sử to lớn, khắc họa thời khắc lịch sử hào hùng của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử - văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhìn ra góc rộng toàn cảnh, ở đâu cũng có những sắc màu dệt nên chiếc áo mới Bạc Liêu sau một phần tư thế kỷ vươn mình. Những năm mới tái lập tỉnh, Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), Di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), kể cả khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu)… đều còn rất đỗi đơn sơ. Đền thờ Bác, một gian thờ nhỏ chứa đựng tấm lòng Bạc Liêu dành cho Người; di tích sót lại trên đồng Nọc Nạng chỉ là những ngôi mộ của một gia đình nông dân kiên cường hy sinh để gìn giữ ruộng mình; khu mộ người nhạc sĩ tài hoa xung quanh chỉ toàn cây cối… Tất cả giờ đây đã thay áo mới tinh tươm! Đền thờ Bác Hồ sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo nay là một công trình bề thế, uy nghiêm trên diện tích hơn 45.000m2, và nghiễm nhiên với quy mô và ý nghĩa đặc biệt ấy, Đền thờ Bác là một trong những điểm du lịch đầu tiên được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực. Tương tự, nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng trở thành một thánh đường, bảo tàng nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ mà bất cứ ai từng đặt chân đến đều phải trầm trồ, khen ngợi. Di tích lịch sử Nọc Nạng chỉn chu hơn để đón khách thập phương, ngoài ra, TX. Giá Rai còn có Nhà thờ Tắc Sậy thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước (thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19). Vươn cao đón gió ngoài biển lớn, điện gió Bạc Liêu cũng làm nên sự lột xác cho nơi này. Đó vừa là công trình thổi ra… tiền để Bạc Liêu làm giàu, vừa đảm đương cả sứ mệnh đắp nền móng để phát triển du lịch!
Với chiếc áo mới của mình, đến nay toàn tỉnh đã có 9 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, là tỉnh dẫn đầu và chiếm 21,42% điểm du lịch tiêu biểu toàn khu vực.
Quảng trường Hùng Vương - điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu và ĐBSCL. Ảnh: H.T
Phát huy lợi thế độc quyền
Bạc Liêu không đơn thân phát triển mà luôn đồng hành phát triển với các tỉnh, thành. Trên bước đường đó, nếu muốn làm mới mình, muốn khẳng định nét riêng để thu hút bè bạn, du khách về với mình, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thì phải tính đến việc phát huy lợi thế độc quyền. Làm mới mình để tạo nét riêng trong tương quan so sánh với các tỉnh bạn bằng cách gìn giữ, phát huy những giá trị thuộc về bản sắc, hòa nhập để phát triển chính là kim chỉ nam trong một phần tư thế kỷ ấy.
Hai mươi mốt tỉnh, thành Nam bộ thì ở đâu cũng có nghệ thuật ĐCTT, nhưng phải đến Bạc Liêu mới tìm thấy nơi gìn giữ giá trị loại hình nghệ thuật này với vô số tư liệu kể về thân thế, sự nghiệp của những người đã vun đắp cho tiến trình phát triển của ĐCTT cũng như nghệ thuật cải lương Việt Nam… Các giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với giai thoại về Công tử Bạc Liêu, đặc biệt là khu nhà Công tử Bạc Liêu luôn có sức hút mạnh mẽ du khách. Năm 2019 khi tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL), 100 năm xây dựng nhà Công tử Bạc Liêu, tỉnh cũng đã mạnh dạn xây dựng kịch bản về giai thoại Công tử Bạc Liêu phục vụ du khách và được đón nhận khá hào hứng.
Năm 1997, đường ra biển Bạc Liêu hoang sơ cằn cỗi, chỉ duy nhất tượng Phật Bà trang nghiêm trên bờ biển, khu vườn chim Bạc Liêu và vườn nhãn chung tuyến cũng chưa thu hút nhiều du khách bởi tỉnh chưa biết làm du lịch một cách bài bản. Giờ đây, tất cả là “mỏ vàng” cho du lịch Bạc Liêu khi tỉnh đã có định hướng phát triển toàn khu trở thành khu du lịch quốc gia với tổ hợp sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng như: Điện gió Bạc Liêu, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, khu nuôi tôm công nghệ cao và sản xuất đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH SX và TM Trúc Anh, vườn nhãn cổ Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật đài, Khu du lịch Nhà Mát, Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu…
Hai mươi lăm năm ra riêng, đổi thay khắp các lĩnh vực, riêng ở khía cạnh làm mới mình để mời gọi bè bạn đến với xứ DCHL, đã là một dấu ấn! Lượng khách du lịch đến với Bạc Liêu năm 1997 chỉ 43.000 lượt người, năm 2005 là 150.000 lượt người, năm 2010 tăng lên 386.000 lượt, năm 2015 đạt gần 1,2 triệu lượt và năm 2020, con số này ở mức 3,2 triệu lượt! (trung bình hàng năm tăng khoảng 22% trong mốc thời gian từ năm 2015 - 2020). Điều đó cho thấy sự thay da đổi thịt chỉ xét riêng ở khía cạnh những công trình văn hóa, những tài sản làm du lịch thôi cũng thấy Bạc Liêu thời hiện tại đầy sức hút đối với bè bạn khắp nơi.
“ĐẮP” TRỤ CỘT ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong những chuyến dừng chân thưởng ngoạn hay trên bàn nghị sự để bàn về du lịch (DL) Bạc Liêu, bạn bè không chỉ trầm trồ với những sản phẩm chỉ có ở xứ này mà còn dành sự ngưỡng mộ cho Bạc Liêu khi DL như “đứa con cưng” được chăm lo chu đáo!
Lãnh đạo tỉnh trải lòng mình mời gọi nhà đầu tư; nhiều nghị quyết mang tầm nhìn, khát vọng lần lượt ra đời để đưa DL từ một lĩnh vực chưa là thế mạnh chủ lực trở thành ngành kinh tế quan trọng, là 1 trong 5 trụ cột để Bạc Liêu cất cánh vươn cao, phát triển bền vững.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) được tỉnh đầu tư nâng cấp xứng tầm là di tích quốc gia, điểm DL tiêu biểu ĐBSCL.
Chuyển mình từ một nghị quyết
Ngày 24/6/2011, Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Bạc Liêu (khóa XIV) về “Đẩy mạnh phát triển DL” ra đời, đánh một dấu mốc đặc biệt trong quá trình phát triển của DL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)! Bởi đây là tỉnh đầu tiên trên vùng đất Chín Rồng ban hành Nghị quyết chuyên đề dành riêng cho DL. Tích cóp lại của cải mình đang có, tính toán kế hoạch cụ thể sẽ sử dụng của cải đó như thế nào để bắt đầu hành trình làm giàu cho quê hương, nghị quyết đầu tiên về DL ở Bạc Liêu thể hiện khát khao đổi đời của một tỉnh còn nhiều gian khó.
Mặc dù tài nguyên DL ở Bạc Liêu sẵn có nhưng tất cả chỉ mới là dạng tiềm năng, như “ngọc trong đá”, chưa qua mài giũa. Bắt tay xây dựng cơ đồ với cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ gần như chẳng có gì, nhưng bằng kỳ quyết của những người đứng đầu tỉnh cùng sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, rất nhanh chóng, Bạc Liêu đã lột xác để trình diện một sắc vóc hoàn toàn mới.
Chỉ 2 năm Nghị quyết 02 đi vào cuộc sống, Bạc Liêu lần đầu tiên có sản phẩm DL được thăng hạng lên điểm DL tiêu biểu ĐBSCL. Rồi lần lượt những: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, khu nhà Công tử Bạc Liêu… và sau đó là điện gió được điền tên vào danh sách điểm DL cấp vùng. Và chỉ sau 7 năm, quê hương bản “Dạ cổ hoài lang” đã khiến những anh em láng giềng thán phục khi có đến 9 điểm DL tiêu biểu, đến nay vẫn là tỉnh dẫn đầu về hạng mục này.
Ông Trần Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DL ĐBSCL, là người có nhiều năm gắn bó với đất và người Bạc Liêu. Chứng kiến những đổi thay đó, ông Phong cho rằng: “Khi mới vào Hiệp hội, Bạc Liêu vẫn là một tỉnh yếu trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng. Từ khi Nghị quyết 02 ra đời, Bạc Liêu cho thấy quyết tâm phát triển rất lớn và tỉnh đã nhanh chóng chuyển mình từ những sản phẩm không lẫn với ai, tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Thành quả của sự phát triển này trước hết là việc lãnh đạo tỉnh, nhất là những người đứng đầu đã dồn rất nhiều tâm huyết, công sức cho DL”.
Đến nay đã tròn 10 năm ra đời, mặc dù đã được thay thế bằng nghị quyết mới nhưng Nghị quyết 02 vẫn là quyết sách DL tạo nên tiếng vang cho Bạc Liêu. Nếu không có một nghị quyết dẫn đường hướng phát triển cụ thể như thế thì đã không có DL Bạc Liêu với nhiều điểm sáng như hôm nay.
Điện gió và rừng ngập mặn ven biển sẽ là không gian DL độc đáo được Bạc Liêu ưu tiên phát triển. Ảnh: H.T
Tầm nhìn mới, khát vọng mới
Đánh giá đúng tầm vai trò của ngành DL, hơn nữa, sớm xác định đây là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ra đời tiếp nối thành tựu của Nghị quyết 02. Một sự thay thế thể hiện tầm nhìn mới trong hoàn cảnh DL Bạc Liêu buộc phải bắt nhịp với thị hiếu của du khách, sự thay đổi về xu hướng phát triển DL cùng với sự cạnh tranh không ngừng của các địa phương trong khu vực.
Nghị quyết 11 tiếp tục đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm của các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và Nhân dân về phát triển DL, DL được nhìn nhận với vị thế là động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Với thế mạnh và tiềm lực đang có, Nghị quyết 11 như một con tàu chở khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm DL của khu vực ĐBSCL cả về quy mô lẫn chất lượng.
Không đặt mục tiêu phát triển một cách chung chung, Nghị quyết 11 khắc phục nhược điểm trước đó là chưa hình thành rõ nét các không gian DL. Dựa trên lợi thế và bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên của từng địa bàn trong tỉnh, 5 không gian DL sẽ được ưu tiên phát triển. Đó là Không gian trung tâm TP. Bạc Liêu, Không gian ven biển TP. Bạc Liêu, Không gian vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh thành phố đến biển Gành Hào, Không gian Giá Rai - Đông Hải và Không gian Vĩnh Lợi - Hồng Dân - Phước Long. Nếu 5 không gian DL này được hình thành, DL Bạc Liêu trong tương lai không còn tập trung ở thành thị mà còn hướng sự phát triển về những vùng quê. Bạc Liêu khi đó sẽ thật sự là “giấc mơ tình yêu” mà mọi du khách muốn tìm về. Một Bạc Liêu chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa sau 25 năm nỗ lực hoàn thiện mình!
Nghị quyết 11 đã mở ra môi trường thông thoáng, hấp dẫn để các tập đoàn, doanh nghiệp kề vai, sát cánh với tỉnh đầu tư cho DL. Phương châm “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó dành cho cơ quan quản lý nhà nước” luôn được lãnh đạo tỉnh đặt lên hàng đầu để thu hút đầu tư. Bị chinh phục bởi thiện ý và tin vào đường hướng phát triển của tỉnh, nhiều nhà đầu tư đã bắt tay cùng với Bạc Liêu kiến tạo thêm nhiều công trình mới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, DL không chỉ góp thêm những sắc màu rực rỡ vào bức tranh Bạc Liêu tuổi 25 mà còn giúp hình ảnh, bản sắc văn hóa Bạc Liêu ngày càng lan tỏa đến mọi vùng miền. DL Bạc Liêu độc đáo và tính cách người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp” đã trở thành một thứ “đặc sản” để mời gọi bước chân du khách tìm đến, trở lại miền đất mến yêu này.
Về thăm Bạc Liêu sau 11 năm, diện mạo quê hương bản “Dạ cổ hoài lang” trong cảm nhận của ông Cao Tấn Dũng - Phó Giám đốc Công ty Fiditour Cần Thơ, như thế này: “Bạc Liêu đổi thay đến không ngờ! Bạc Liêu tuổi 25 mang sự năng động, vẻ duyên dáng của một thiếu nữ khiến bao du khách càng ngắm càng say”.
QUYẾT TÂM CHINH PHỤC MỤC TIÊU
Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là tiếp tục thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển trụ cột du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu là một trong những trung tâm DL của vùng cũng là mục tiêu kỳ quyết để Bạc Liêu “bằng anh bằng chị” trên bản đồ DL cả nước.
Con thuyền DL Bạc Liêu đang thong dong thẳng tiến thì đại dịch COVID-19 như đợt sóng thần hung tợn làm khuynh đảo nền “công nghiệp không khói” trên cả toàn cầu, không loại trừ nơi nào. Nhưng với quyết tâm chinh phục mục tiêu, tiếp tục hành trình thay da đổi thịt 25 năm qua, Bạc Liêu quyết tâm vượt chướng ngại vật bằng vốn liếng và bản lĩnh của mình.
Các công ty, doanh nghiệp lữ hành ĐBSCL tham quan, góp ý cho đường hướng phát triển DL Bạc Liêu và tìm giải pháp liên kết vùng (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát).
BIẾN NGUY NAN THÀNH CƠ HỘI
“Bơi” trong đại dịch, DL Bạc Liêu không chấp nhận lặn ngụp trong thiệt hại mà gượng dậy để vun đắp trụ cột ngày càng vững chãi trước sóng lớn. Nguy nan được hóa giải thành cơ hội để xứ sở bản “Dạ cổ hoài lang” làm mới chính mình, “điểm hẹn văn hóa” Bạc Liêu sẽ đậm đà bản sắc và hấp dẫn hơn với những sản phẩm mà phải đến Bạc Liêu mới thấy.
DL sinh thái, DL trải nghiệm - loại hình mà số đông du khách hiện nay rất ưa chuộng cũng là tài nguyên sẵn có và rất phong phú ở Bạc Liêu. Nếu Đồng Tháp cuốn hút với các sản phẩm từ sen, Cà Mau nổi tiếng nhờ cua Năm Căn thì Bạc Liêu sẽ phát triển dựa vào con tôm. Thật ra, quan điểm làm DL với con tôm ở vùng đất sẽ trở thành thủ phủ tôm của quốc gia đã được lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp dự tính triển khai với nhiều sản phẩm, dịch vụ độc đáo và hứa hẹn tính độc quyền.
Tập đoàn Việt - Úc được “chọn mặt gửi vàng” để phát triển sản phẩm tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại trang trại nuôi tôm siêu thâm canh. Còn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh cũng chỉ chờ tình hình dịch bệnh ổn định để biến ý tưởng xây dựng khu DL nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển DL thành hiện thực. Ông Lê Anh Xuân - Tổng Giám đốc của công ty này đã ấp ủ dự án làm DL với con tôm cách nay hơn 3 năm. Dự án có nhiều hạng mục, nhưng con tôm là trọng tâm. Tìm hiểu quy trình nuôi tôm công nghệ cao, tham quan thu hoạch tôm, trải nghiệm câu tôm, sau cùng thưởng thức các món ăn được chế biến từ tôm… là những gì du khách sẽ có được khi đến đây.
Tâm đắc với việc chọn con tôm để vượt bão COVID-19, nhiều doanh nghiệp hiến kế: ngoài cây đờn kìm, con tôm xứng đáng là hình ảnh biểu tượng của DL Bạc Liêu. Con tôm không là lý do chính để du khách đến Bạc Liêu nhưng mỗi khi đến đây, du khách nhất định phải thưởng thức và mua tôm Bạc Liêu về làm quà.
Không phải là tỉnh duy nhất làm ra hạt muối nhưng nghề muối Bạc Liêu đã vinh dự trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Lễ hội muối cấp tỉnh đã được các ngành, địa phương bàn bạc kế hoạch tổ chức gắn với các hoạt động văn hóa, DL và sẽ diễn ra sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Chắc chắn, cảm giác một lần cào muối, thu hoạch muối, thưởng thức các món ăn được chế biến từ hạt muối… sẽ khiến du khách khó quên vị mặn nhưng hậu ngọt của muối Bạc Liêu.
Vượt qua chướng ngại vật, tỉnh dành nhiều tâm huyết để làm mới hình ảnh mình bằng cách nâng tầm thương hiệu những sản phẩm rất Bạc Liêu và bắt nhịp với xu hướng trong tình hình mới. Chiến lược phát triển của Bạc Liêu thời hậu COVID-19 sẽ bán những cái du khách cần chứ không chỉ chào mời những thứ mình có.
Nghề làm muối Bạc Liêu được đưa vào kế hoạch ưu tiên phát triển DL của tỉnh sau khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh chụp tháng 3/2021). Ảnh: H.T
TRUNG TÂM DU LỊCH VÙNG - QUYẾT TÂM CAO TRÊN NỀN TẢNG VỮNG
Tạm ngưng bàn đến những tác động tiêu cực mà dịch COVID-19 “dập vùi” ngành DL toàn cầu, trong đó có tỉnh đang lấy DL làm trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giải pháp đã thực hiện và chắc chắn sẽ tiếp tục: mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ DL, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm cao cấp, chất lượng cao, các công trình văn hóa, thể dục - thể thao gắn với phát triển DL; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu hoạt động và phát triển thị trường DL, tăng cường kết nối tua tuyến đến Bạc Liêu và hỗ trợ tư vấn phát triển các sản phẩm DL, dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh…
Và kể cả khi đối mặt với thực tại là ảnh hưởng của dịch bệnh đang còn tiếp diễn, tương lai của DL Bạc Liêu cũng là bước đi lạc quan với những giải pháp thích ứng. Không hoàn cảnh nào có thể thay đổi hiện thực là: những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng vốn có của Bạc Liêu hiện đang phù hợp với xu hướng DL thế giới. Vì theo Tổ chức DL thế giới (UNWTO), dự báo thời gian tới, khách DL đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe và tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách DL quốc tế; mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54% và với mục đích công việc và nghề nghiệp chỉ chiếm 15%. Đáng lưu ý, nhu cầu trải nghiệm của du khách sẽ hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).
Còn xét về vị trí địa lý và theo các quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải khu vực ĐBSCL thì thời gian tới có nhiều dự án về hạ tầng giao thông cấp quốc gia dự kiến được đầu tư vào Bạc Liêu, hứa hẹn Bạc Liêu sẽ trở thành trục kết nối trong nước và quốc tế cả đường bộ lẫn đường biển như: Tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu, cảng biển Quốc tế, hệ thống các quốc lộ đi qua địa phận Bạc Liêu… Đặc biệt, hiện nay tỉnh đã triển khai một số dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn, có vai trò là động lực để DL Bạc Liêu phát triển như: Các dự án điện gió trên bãi bồi ven biển, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng của liên doanh các nhà đầu tư Hoa Kỳ, các dự án về phát triển đô thị, dịch vụ của một số tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng…
Xét tổng thể các yếu tố, Bạc Liêu còn dư địa thị trường khai thác khách DL rất lớn, có khả năng bứt phá phát triển sau khi tình hình dịch ổn định. Mục tiêu là một trong những trung tâm DL vùng sẽ không xa vời khi nền tảng vững chắc đã có và đang tiếp tục được vun bồi.
“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, dẫu còn đó những khó khăn, thách thức thì không thể phủ nhận ngày hôm nay của Bạc Liêu chính là trái ngọt của 25 năm trưởng thành với nhiều khát vọng và hoài bão. Chinh phục khát vọng, đưa quê hương đổi thay, phát triển, nâng chất cuộc sống Nhân dân khi quê hương khoác áo mới tinh tươm là câu chuyện 25 năm, sẽ được nối dài trong tương lai bằng ý chí “đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - khát vọng - phát triển”.
Theo BLO