Bạc Liêu: Quyết tâm giảm nghèo bền vững
Chương trình Triệu túi an sinh tặng hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở huyện Phước Long.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ VÀ ĐẦU TƯ
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2021. Đồng thời, UBND tỉnh đã phân công nhận giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cho các ngành và địa phương. Trong năm 2021, các đơn vị, địa phương đã nhận giúp đỡ 2.650 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền trên 7,3 tỷ đồng, đạt 176% kế hoạch năm. Trong đó, các ngành tỉnh giúp đỡ 375 hộ với số tiền 1,5 tỷ đồng và các huyện, thị xã, thành phố giúp 2.275 hộ với số tiền 5,8 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, trao phương tiện sản xuất và tặng cây, con giống đã giúp hộ nghèo triển khai nhiều mô hình sản xuất, tạo được thu nhập và việc làm ổn định.
Cùng với tăng cường đầu tư phát triển sản xuất và tạo việc làm, Bạc Liêu còn quan tâm đến việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo. Năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 2.330 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo với số tiền 1,2 tỷ đồng; 17.220 thẻ BHYT cho người cận nghèo với số tiền 9,3 tỷ đồng; cấp 166.384 thẻ BHYT cho người sinh sống trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn và bãi ngang ven biển với số tiền 64 tỷ đồng; 18.526 thẻ BHYT cho người vùng có đông đồng bào dân tộc với số tiền 7 tỷ đồng và 2.016 thẻ BHYT cho người mới thoát nghèo theo Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh với số tiền trên 1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngành, địa phương còn tập trung hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến nay, Bạc Liêu đã chi hỗ trợ cho 18.417 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (mỗi hộ, đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ 400.000 đồng) với số tiền trên 7,36 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo tỉnh và Quỹ Vì người nghèo - An sinh xã hội tỉnh. Phối hợp với các địa phương tiếp nhận, bảo quản và cấp phát 636.975kg gạo đến 42.465 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ thế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo; tiếp nhận hỗ trợ của mạnh thường quân và phối hợp với địa phương trao 150 suất quà hỗ trợ cho hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với số tiền 35 triệu đồng…
Lao động nghèo được giải quyết việc làm tại Nhà máy may VINATEX Bạc Liêu. Ảnh: T.A
TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Năm 2022, dự báo công tác giảm nghèo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng Bạc Liêu quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5% và gắn với thoát nghèo bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho các hộ nghèo, cận nghèo và lao động nông thôn gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; đa dạng hình thức đào tạo, trọng tâm là khuyến khích liên kết, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề và doanh nghiệp. Đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), nhất là ưu tiên giải quyết việc làm cho hộ nghèo.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tạo việc làm cho NLĐ, đặc biệt là tạo cơ chế thuận lợi, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhiều việc làm cho NLĐ. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ có nhiều cơ hội tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống của NLĐ và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả cho vay giải quyết việc làm, trong năm 2022 sẽ hỗ trợ 1.500 hộ vay vốn để tạo việc làm mới.
Song song đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với điều kiện của tỉnh; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; thực hiện lồng ghép yếu tố giới và trẻ em trong chính sách giảm nghèo. Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã có đông đồng bào dân tộc; xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo với sự tham gia của người dân. Huy động, sử dụng và giám sát hiệu quả mọi nguồn lực cho các chương trình và chính sách giảm nghèo của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác…
Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ/CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu dự báo số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh là trên 60.000 hộ, chiếm tỷ lệ từ 25 - 30%; trên 27.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15 - 20% theo tiêu chí mới. Trên cơ sở đó, tỉnh đặt ra các mục tiêu cụ thể như:
- Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm <4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng phía Bắc Quốc lộ 1A giảm 2%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
- Năm 2022, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm <3%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
- Thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh còn dưới 10%.
Theo BLO