Bộ GTVT trả lời tỉnh Bạc Liêu về đường cao tốc, đường bộ ven biển
Trong ba kiến nghị về lĩnh vực giao thông của Bạc Liêu, Bộ GTVT ủng hộ một nội dung, đồng thời hướng dẫn tỉnh thực hiện hai kiến nghị còn lại.
Bộ GTVT vừa có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu liên quan đến ngành GTVT.
Đề nghị Bạc Liêu sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình các mặt công tác chín tháng đầu năm 2022 và một số đề xuất, kiến nghị góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho rằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có vị trí rất xa tỉnh lị.
Do đó, nếu không có đường kết nối thì tỉnh Bạc Liêu gần như không được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc này.
Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho rằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có vị trí rất xa trung tâm của tỉnh, do đó, địa phương gần như không được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc này.
Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nghiên cứu rất kỹ các phương án tuyến. Đồng thời, đã lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với thông tin của Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho rằng không thể hưởng lợi từ dự án cao tốc do khoảng cách rất xa, Bộ GTVT cho biết theo kết quả nghiên cứu, có thể kết nối với TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) thông qua các ba nút giao IC7, IC8, IC9.
“Hiện nay UBND tỉnh Bạc Liêu chưa hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh, do vậy đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các tuyến kết nối phù hợp để đưa vào quy hoạch tỉnh. Bộ GTVT sẽ phối hợp xem xét trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch” - Công văn của Bộ GTVT nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng kiến nghị chấp thuận cho địa phương đầu tư và sử dụng vốn vay nước ngoài, dự kiến thời gian thực hiện đến năm 2030. Trong đó, vốn vay ODA khoảng 1.802 tỉ đồng (Chính phủ cấp phát 90%, tỉnh vay lại 10%) và vốn đối ứng của địa phương khoảng 1.554 tỉ đồng.
Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển sẽ giúp tỉnh ngăn triều, chống ngập, hỗ trợ cho việc kết nối với cụm các nhà máy điện gió ven biển. Ảnh minh họa: CHÂU ANH
Theo tỉnh ủy Bạc Liêu, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển sẽ giúp tỉnh ngăn triều, chống ngập, giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ cho việc kết nối với cụm các nhà máy điện gió ven biển, nhà máy điện khí và các khu vực nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao.
Đối với vấn đề này, Bộ GTVT cho biết tuyến đường này nằm trong hệ thống đường địa phương và thuộc thẩm quyền tỉnh triển khai. Bộ bày tỏ ủng hộ, đồng thời đề nghị tỉnh Bạc Liêu sớm tìm kiếm nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh theo quy định, đồng thời căn cứ kế hoạch vốn được phân bổ làm cơ sở triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bạc Liêu.
Đề nghị báo cáo khả năng huy động nguồn lực
Về dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu kiến nghị nên rút ngắn tiến độ đầu tư và cho phép chuẩn bị đầu tư trong năm 2023, thi công hoàn thành trong năm 2027 đối với phân đoạn từ nút giao IC6 đến đê biển Bạc Liêu, có chiều dài khoảng 58km. Theo Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu, việc triển khai sớm phân đoạn cao tốc này sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn phát triển cho địa phương trong giai đoạn trung và dài hạn.
Đối với kiến nghị này, Bộ GTVT yêu cầu: “Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nhu cầu của tỉnh Bạc Liêu đề xuất, Bộ GTVT kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh báo cáo cụ thể khả năng huy động nguồn lực để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho đầu tư sớm hơn theo quy định”.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đoạn từ cửa khẩu Hà Tiên đến TP Rạch Giá, có chiều dài khoảng 100km sẽ được nghiên cứu triển khai đầu tư trước năm 2030.
Riêng đoạn từ TP Rạch Giá đến TP Bạc Liêu (tỉnh bạc Liêu) có chiều dài 112km, bao gồm phân đoạn từ nút giao IC6 đến đê biển Bạc Liêu sẽ được nghiên cứu triển khai đầu tư sau năm 2030.