Giỏ hàng

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Ghi dấu ấn Bạc Liêu là cái nôi của đờn ca tài tử

Ngày 18.11, Đoàn công tác của UBND tỉnh Bạc Liêu do Chủ tịch tỉnh Phạm Văn Thiều làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về việc tổ chức Ngày hội văn hóa- du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022 và một số nội dung liên quan đến định hướng, quy hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Gắn văn hóa với phát triển du lịch

Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Lê Tuấn Anh, Bí thư thành ủy Bạc Liêu Huỳnh Hữu Trí, Giám đốc Sở VHTTTTDL Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương và đại diện các cơ quan liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: “Tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm phát triển du lịch và xác định du lịch là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa- du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022 là cơ hội để tỉnh tăng cường quảng bá hình ảnh đất và người Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường công tác thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và văn hóa, du lịch tỉnh Bạc Liêu nói riêng”.

Thông qua việc tổ chức sự kiện này, Bạc Liêu cũng muốn thúc đẩy phát triển du lịch; xúc tiến đầu tư, thương mại, nhất là về du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bạc Liêu; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh hóa XV về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết Ngày hội Văn hóa- du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022 là sự kiện lớn của tỉnh trong năm

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTTTTDL Trần Thị Lan Phương cho biết: “Kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa- du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 được tỉnh ban hành từ sớm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự kiện này diễn ra ngày 27-29.11 với 10 hoạt động chính như: Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu 2022; tổ chức đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh Bạc Liêu; liên hoan Nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu năm 2022; tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”; lễ khai mạc Ngày hội văn hóa- du lịch; hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022; tổ chức Ngày hội Tôm và muối Bạc Liêu; tổ chức khởi công, khánh thành một số dự án, công trình; tổ chức hội thảo góp ý Đề án xây dựng sản phẩm OCOP “Khu du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu” và tổ chức công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL; bế mạc Ngày hội văn hóa- du lịch và chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh với chủ đề “Âm vang dạ cổ”.

Tuy nhiên, từ ngày 22.11 các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh với việc tổ chức: trại sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bạc Liêu năm 2022 với chủ đề “Du lịch Bạc Liêu hội nhập và phát triển”; triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về thành tựu 25 năm phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bạc Liêu và ảnh đạt giải cao của Trại sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bạc Liêu năm 2022; hội chợ công nghiệp- thương mại- du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu 2022; Vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Tiếng hát Người làm báo khu vực phía Nam chủ đề “Âm vang vọng cổ” hội nghị “Kết nối cung- cầu hàng hóa giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố năm 2022”.

Dự kiến 1.500 khách mời tham dự lễ khai mạc, chưa tính lực lượng huy động trong tỉnh khoảng 3.000 đại biểu.

Giám đốc Sở VHTTTTDL Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức Ngày hội và định hướng phát triển du lịch của tỉnh

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời điểm này khu vực ĐBSCL có rất nhiều sự kiện quan trọng. Tỉnh Bạc Liêu muốn tổ chức một sự kiện mang dấu ấn riêng, nổi bật trong khu vực thì phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đầu tư về kịch bản văn học, kịch bản nghệ thuật, tạo không gian kết nối các di sản 3 miền; thể hiện các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp của vùng đất Bạc Liêu, những tiềm năng, thế mạnh mà Bạc Liêu có, sự cởi mở trong chính sách đầu tư, phát triển, hội nhập… Đặc biệt là chương trình Ngày hội văn hóa- du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022 phải tôn vinh được các giá trị văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh Bạc Liêu là cái nôi của đờn ca tài tử.

Trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh Bạc Liêu dự kiến tổ chức đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch du lịch mới của tỉnh với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp du lịch đến từ TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Bộ trưởng khẳng định, trong phát triển du lịch, Bộ VHTTDL chỉ làm “bà đỡ”, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng vì họ chính là người xây dựng ra các sản phẩm cụ thể, đưa khách đến, tạo ra nguồn thu… Vì thế, việc mời 200 doanh nghiệp tới khảo sát là rất cần thiết nhưng sau khảo sát cần có sản phẩm đầu ra, công bố các sản phẩm đó, quảng bá sản phẩm thế nào, phục vụ đối tượng khách nào… “Trong bất kỳ hoạt động nào phải đặt vấn đề, kết quả cuối cùng là gì?”, Bộ trưởng nói.

Bí thư thành ủy Bạc Liêu Huỳnh Hữu Trí phát biểu

Hỗ trợ Bạc Liêu trong quy hoạch phát triển du lịch

Liên quan đến định hướng, quy hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu, quan điểm của tỉnh Bạc Liêu rất rõ ràng, du lịch Bạc Liêu dần định hình, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng ĐBSCL và từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước; xét về quy mô, Bạc Liêu sẽ là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL. Đến năm 2025 toàn tỉnh đón 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 10.000 tỉ đồng, đóng góp 7% GRDP của tỉnh; tạo ra 30 nghìn việc làm, 15 khu điểm du lịch, 1 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Bạc Liêu cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể về du lịch đến năm 2030.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu

Tại cuộc họp, tỉnh Bạc Liêu cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu thống nhất với dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ VHTTDL đang xây dựng. Tuy nhiên, tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đề xuất bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia đối với Khu du lịch Nhà Mát.

Kiến nghị Bộ xem xét trong quá trình lập quy hoạch quan tâm đến việc định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm hỗ trợ, tư vấn thành phố Bạc Liêu xây dựng Đề án tổng thể phát triển sản phẩm du lịch để có định hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư thời gian tới.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở tại cuộc họp đã trao đổi, thông tin một số nội dung liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu về quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng tuyến, điểm du lịch; việc bảo tồn, tôn tạo di tích, phát huy giá trị di sản; xây dựng bảo tàng tỉnh.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các sở, ngành liên quan của tỉnh kết nối, làm việc cụ thể với các đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL để tổ chức thành công Ngày hội văn hóa- du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022- sự kiện lớn của tỉnh trong năm nay và sau dịch Covid-19. Đồng thời, cầu thị, nhiệt huyết, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL để có định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong nhiệm kỳ lãnh đạo này, Bộ VHTTDL chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về VHTTDL. Bộ sẽ cùng tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu và thực hiện công tác quản lý này, định hướng phát triển vì mục tiêu phát triển chung. Thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Bạc Liêu đã cố gắng phát triển và thu được những kết quả nhất định. Tỉnh cũng đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nắm bắt các cơ hội phát triển mới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận buổi làm việc

Bộ trưởng cho rằng, việc liên kết để phát triển hiện nay là tất yếu. Đặc biệt trong khu vực ĐBSCL, việc liên kết đã thành truyền thống và Bộ rất ủng hộ việc các địa phương liên kết, cùng phát triển.

Với các kiến nghị đề xuất của Bạc Liêu, Bộ trưởng đề nghị làm rõ các nội dung cần hỗ trợ. Nếu tỉnh cần, Bộ VHTTDL sẽ giao Tổng cục Du lịch hỗ trợ tỉnh trong xây dựng Quy hoạch du lịch của tỉnh và Đề án phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu; hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng du lịch cộng đồng….

Nguồn Báo Văn hóa

Facebook Youtube Top