Cà Mau có điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp xanh
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong khi một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải tìm cách khắc phục hệ trầm tích hàng chục năm bởi phân, thuốc… để đồng, đất canh tác trở nên xanh, sạch thì Cà Mau đang có sẳn điều kiện lý tưởng để thực hiện.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) tham quan tại Hội quán tôm rừng Rạch Gốc
Ngày 24-9, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNTLê Minh Hoan cho biết, qua việc đi thực tế các mô hình sản xuất tôm tôm - lúa, tôm - rừng ở Cà Mau cho thấy, lợi thế lớn nhất của tỉnh là có vùng đất sạch để tạo ra những sản phẩm an toàn, làm nên sự khác biệt lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng, sản xuất nghiệp nghiệp không thể tách rời xu thế thị trường, trong khi xu hướng thế giới đang hướng đến các sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong khi một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải tìm cách khắc phục hệ trầm tích hàng chục năm bởi phân, thuốc… để đồng, đất canh tác trở nên xanh, sạch thì Cà Mau đang có sẳn điều kiện lý tưởng để thực hiện.
Để tạo được tăng trưởng xanh trong nông nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, Bộ trưởng đề nghi Cà Mau cần xây dựng một quy hoạch không dựa trên năng suất, sản lượng mà là dựa trên giá trị xanh, sạch.
Trong đó, lưu ý đến kinh tế nông thôn là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa, nhỏ thậm chí siêu nhỏ… để hình thành “hệ sinh thái kinh tế nông thôn”. Song hành đó, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất tăng giá cao, giá phân bón tăng từ 2 đến 2,5 lần, trong khi giá nông sản giảm từ 20 đến 30%, đặc biệt có những mặt hàng có thời điểm giảm mạnh từ 40 đến 50% như thủy, hải sản.
Tình trạng thiếu lao động trong sản xuất, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Việc tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa, liên kết sản xuất giữa các chủ thể tham gia thiếu bền vững.