Cà Mau dồn sức thi công các công trình trọng điểm
Năm nay, mùa mưa đến sớm, nhiều hơn mọi năm gây bất lợi không nhỏ đến việc thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vượt lên trở ngại đó, các công trình này vẫn 'sáng đèn' cả về đêm…
Thi công tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Ngay khi vừa dứt mưa, các công nhân, kỹ sư trên công trường dự án tuyến tránh quốc lộ 1A, đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau lại miệt mài thi công phần trụ T7, T8, T9 cầu Gành Hào. Đến mờ tối, một tốp công nhân khác đến thay ca, làm tới tận khuya.
Công trình “canh” thời tiết
Nhiều tháng qua, công nhân, kỹ sư thi công tuyến tránh quốc lộ 1A ở Cà Mau luân phiên ba ca/ngày nhằm “chạy” kịp tiến độ công trình. Khởi công vào giữa tháng 1/2022, kế hoạch dự án tuyến tránh này hoàn thành vào cuối năm nay. Đây cũng là một trong những dự án, công trình giao thông trọng điểm có vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong chưa đầy 365 ngày, các đơn vị thi công phải hoàn thành hơn 14km đường đạt chuẩn cấp ba đồng bằng và 10 cây cầu xây dựng mới cùng hạ tầng kỹ thuật trên tuyến tránh quốc lộ nêu trên.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng điều hành Dự án 1, Giám đốc điều hành Dự án tuyến tránh quốc lộ 1A qua nội ô thành phố Cà Mau (đại diện chủ đầu tư Ban Quản lý dự án 7, thuộc Bộ Giao thông vận tải), để bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư đã huy động hơn 90 thiết bị chuyên dụng cùng hơn 160 công nhân, kỹ sư chia thành 49 tổ, mũi thi công suốt ngày, đêm. Nhờ tăng cường tiến độ, thời gian làm việc và các giải pháp hợp lý mà đến đầu tháng 6 vừa qua, tiến độ công trình đạt khoảng 30% giá trị hợp đồng.
Đến nay, nhà thầu đã thi công xong phần đắp cát K95 hơn 305.000/560.000 mét khối, tương đương tổng chiều dài khoảng 10km trong tổng số hơn 14,3km chiều dài mặt đường; cơ bản hoàn thành xong phần móng, cọc đối với 10 cây cầu xây dựng mới trên tuyến tránh. Trong đó, hoàn thành 401/803 cọc khoan nhồi các cầu trên toàn tuyến. Đặc biệt, có ba cây cầu lớn trên tuyến tránh là cầu Kênh Xáng Cà Mau-Bạc Liêu, cầu Hòa Thành, cầu Gành Hào đang thi công xong phần mố, trụ. Trong điều kiện trở ngại do mưa đến sớm, mưa nhiều và nguồn cung cát khan hiếm, việc đạt tiến độ như hiện nay là một nỗ lực.
Trong những ngày mưa dầm tháng 6, hàng loạt công trình xây dựng ngoài trời ở Cà Mau gặp nhiều bất lợi, nhất là các phần việc như đổ bê-tông, đào đắp khuôn đường... Đây cũng là lý do nhiều đơn vị thi công phải tranh thủ tăng ca đêm khi mưa dừng, mưa tạnh. Nhờ uyển chuyển theo điều kiện thực tế mà đến đầu tháng 6 vừa qua, toàn bộ 15 gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 2 xây dựng tuyến trục đông-tây ở Cà Mau (niên độ hoàn thành từ 2021-2024) bảo đảm các phần việc, khối lượng theo kế hoạch. Với các gói thầu của dự án trên, nhà thầu đang thi công đóng cọc, đổ bê-tông mố, trụ cầu và lao lắp dầm với tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 31%.
Thi công cầu Ông Đốc trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Gần đó là dự án giao thông kết nối vào đầm Thị Tường, qua địa phận ba huyện là Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời. Các nhà thầu đang khẩn trương triển khai ba gói thầu xây lắp (phần cầu đang đóng cọc và thi công mố trụ, phần đường đang đào khuôn đường và bơm cát) với khối lượng thực hiện đạt hơn 48%. Cách đó không xa, công trình xây dựng cầu Ông Đốc (nằm trong dự án thành phần trục đông-tây của Cà Mau) cũng đang được triển khai quyết liệt.
Là một trong những đơn vị tham gia công trình xây dựng cầu Ông Đốc, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền, Nguyễn Anh Minh cho biết: Đến giữa tháng 6 vừa qua, năm nhịp dẫn phía bờ bắc cầu Ông Đốc mà công ty tham gia thi công đã hoàn thành được khoảng 50% khối lượng. “Khi thời tiết thuận lợi hơn và mưa ít hơn, chúng tôi sẽ tăng cường độ và thời gian thi công để bù khối lượng, quyết tâm hoàn thành các đầu việc trong năm nay”-ông Minh chia sẻ.
Không để thi công chờ mặt bằng
Trong năm 2022, Cà Mau có 11 danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý, được xác định là dự án trọng điểm, quan trọng. Trong số đó có hai dự án của Trung ương triển khai tại địa phương; tám dự án đang triển khai đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng (kế hoạch vốn bố trí năm 2022, bao gồm cả năm 2021 chuyển sang là hơn 1.300 tỷ đồng).
Bên cạnh các dự án kể trên còn có một số công trình, dự án trọng điểm như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau-Đầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh-Khánh Hội; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước-Vàm Đình-Cái Đôi Vàm... Phần lớn các công trình, dự án trọng điểm trong năm 2022 ở Cà Mau tập trung đầu tư ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng, nhằm tạo kết nối liên hoàn về giao thông, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội “dài hơi” ở vùng đất cuối cùng cực nam Tổ quốc.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Huỳnh Quốc Việt, từ nhiều năm qua, giao thông yếu kém trở thành “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng tại địa phương. Trở ngại trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính, dù rất tâm huyết nhưng sau khi tìm đến Cà Mau thì rất ít đơn vị mở rộng hợp tác, đầu tư tại tỉnh.
Để tháo gỡ bế tắc nêu trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2021-2025 xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng về giao thông nhằm đẩy mạnh phát triển các đô thị động lực như thành phố Cà Mau, các huyện Sông Đốc, Năm Căn. Cũng vì lẽ đó, ngay đầu nhiệm kỳ mới, Cà Mau vạch ra chương trình hành động theo lộ trình, trong đó dồn lực và tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo, điều hành để triển khai các dự án, công trình về đầu tư hạ tầng giao thông.
Người đứng đầu cấp ủy cùng chính quyền tỉnh Cà Mau thường xuyên xuống cơ sở thị sát các công trình giao thông trọng điểm, qua đó chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho đơn vị thi công, nhất là trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Với sự vào cuộc quyết liệt mà chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền và đơn vị chức năng địa phương có dự án đi qua đã giải quyết xong khâu di dời, hỗ trợ hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi nhiều dự án trọng điểm (tuyến tránh quốc lộ 1A; tuyến đấu nối vào đầm Thị Tường; dự án cầu Ông Đốc...).
Nhờ đó, các đơn vị thi công có mặt bằng phục vụ việc triển khai dự án thuận lợi, giúp Cà Mau giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 đạt đến 34% kế hoạch, cao gần gấp đôi cùng kỳ 2021. Trong số đó, nguồn vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý giải ngân đạt đến 45,1%; đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, nơi tập trung phần lớn các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh (giao cho Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư), tỷ lệ giải ngân vốn đạt đến 43,4%.
Để đẩy nhanh hơn nữa các công trình trọng điểm tại địa phương, đồng chí Huỳnh Quốc Việt cho biết, ngoài yêu cầu giám sát, cập nhật số liệu để báo cáo hằng tuần, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư trong tỉnh tập trung quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, tạo nhiều đột phá hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.
“Bằng các biện pháp hiệu quả, các chủ đầu tư, nhà thầu phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là chủ động nguồn vật tư phục vụ cho công trình trọng điểm. Tỉnh sẽ có cơ chế khen thưởng kịp thời với những nhà thầu, đơn vị thi công hoàn thành đúng, hoàn thành sớm mà bảo đảm chất lượng và ngược lại”-Chủ tịch tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Phương châm chỉ đạo của Cà Mau là “không để đơn vị thi công chờ mặt bằng”. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ chuyên trách đặc biệt giám sát khâu giải phóng mặt bằng tuyến huyện. Tương tự ở cấp huyện cũng có ít nhất một tổ, cơ cấu cứng cả lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc... trực tiếp tham gia chỉ đạo, giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án cấp trên triển khai tại địa phương mình, bảo đảm minh bạch, hài hòa, hợp lý, đồng thuận, đúng luật nhưng không để người dân thiệt thòi, bảo đảm cuộc sống của người dân nơi dự án đi qua bằng hoặc tốt hơn trước.
Đồng chí NGUYỄN TIẾN HẢI, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau.