Giỏ hàng

Cà Mau: Đưa rượu trái giác lên sàn OCOP

U Minh nổi tiếng với nhiều loại đặc sản từ rừng như mật ong, cá đồng, rau rừng,…Cũng từ đây, nhờ vào bàn tay khéo léo của con người, trái giác - loại trái dại mọc nhiều ven rừng, bờ ruộng - lại trở thành đặc sản đủ tiêu chuẩn và đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Đó là rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn (ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh).  
 



Rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn đạt chuẩn 3 sao OCOP.


Với đam mê về cá đồng, yêu thích những cánh rừng, vợ chồng cô Nguyễn Hồng Nhẫn - người từ xứ Đầm Dơi về miệt U Minh sinh sống từ năm 1996 - quyết định mua mảnh rừng với diện tích khoảng 30ha để lập nghiệp. Đất không phụ lòng người, sau thời gian canh tác, cải tạo, mảnh rừng của gia đình cô ngày càng trù phú, dẫn gọi được nhiều loại chim, cò về đây sinh sống, làm tổ. Kể từ đó, vợ chồng cô quyết định mở khu du lịch sinh thái ngay trên mảnh rừng của gia đình để giới thiệu với du khách về rừng và những món ngon dân dã nhưng không kém phần đặc sắc của U Minh.  
 



Chọn những trái giác chín mọng để được mẻ rượu thơm ngon.


Trong quá trình canh tác trên đất rừng, cô Nguyễn Hồng Nhẫn nhận thấy nơi đây  trái giác mọc nhiều nên nhớ đến công thức gia truyền của ông nội khi xưa dạy là loại trái này có thể ủ thành rượu uống như một loại thuốc bổ tốt cho xương khớp. Vậy là cô quyết định làm thử. “Mẻ đầu tiên ủ thành phẩm, ba chồng tôi có rót ra mời một đoàn khách ghé nhà dùng cơm, những người trong đoàn đều khen rượu thơm, ngon và có vị lạ đặc trưng. Sau lần mời đó, họ có ý hỏi mua về làm quà. Từ đó, tôi mới có ý định ủ rượu trái giác để bán”, cô Nhẫn tâm sự.

Qua nhiều lần làm thử nghiệm và cải tiến quy trình, cô Nguyễn Hồng Nhẫn cùng gia đình đã cho ra rượu trái giác thành phẩm an toàn sức khỏe như ngày nay. “Gia đình tôi đặt tiêu chí an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết, nên sản phẩm làm ra phải thật kỹ lưỡng. Tôi làm theo công thức xưa do ông bà dạy, rồi gia giảm cho vừa vị. Sau đó, đứa con gái lớn của tôi học về ngành hóa – sinh học sẽ đem phân tích nồng độ, thành phần trong rượu rồi mới bán”, cô Nhẫn kể tiếp. 
 



Sau thời gian hạ thổ, rượu được chắt ra các kiệu lớn khác để lắng và lấy phần rượu trong.


Thành phần đơn giản chỉ có trái giác chín được hái trong vườn nhà và thu mua của những hộ dân trong vùng rồi ủ kết hợp cùng đường phèn. Nhưng quá trình để tạo nên ly rượu có mùi thơm nhẹ, vị hơi chan chát, cái hậu ngòn ngọt độc đáo mang tinh túy của rừng tràm phía sau là một quá trình sơ chế, ủ công phu, tỉ mỉ hoàn toàn được làm thủ công. Cô Nhẫn chia sẻ: “Để có được mẻ rượu thơm, ngon, vừa uống, các công đoạn phải thật cẩn thận và vệ sinh. Trái giác phải chọn những trái chín mọng thì mới cho ra màu rượu đẹp và mùi thơm, sau đó rửa thật sach, để ráo. Trái giác và đường phèn được xếp thành từng lớp xen kẽ nhau trong chum, kiệu hoặc khạp bằng sành, sứ. Tiếp theo sẽ hạ thổ để trái giác và đường lên men tự nhiên thành rượu. Đây là công đoạn quan trọng quyết định độ thơm ngon của rượu. Sau 6 tháng hạ thổ, đem lên chắt lọc rượu trái giác ra một kiệu lớn khác và để lắng chỉ lấy phần rượu trong”.

Từ những mẻ rượu làm thử, khoảng vài lít mỗi đợt, được đựng trong chai nhựa thô sơ, thị trường là các vị khách quen đến nhà, sau 10 năm rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn nay đã hoàn thiện rất nhiều về chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh cùng các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,... Với mức giá 180.000 đồng/chai, dung tích 750ml, khoảng 360.000 đồng cho một cặp rượu trái giác được đóng gói cẩn thận, sang trọng có thể làm quà tặng cho những ai một lần ghé thăm Cà Mau. Mỗi năm gia đình cô Nguyễn Hồng Nhẫn ủ 2 đợt rượu trái giác, tổng cộng khoảng 700 lít, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Việc này đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình cô. Ngoài ra, cô Nhẫn còn giúp tạo việc làm theo thời vụ cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương. 
 



Rượu trái giác ngày nay được nhiều người biết đến và tin dùng.


Đến với OCOP như một cơ hội mới, mở ra nhiều tiềm năng hơn cho sản phẩm rượu trái giác. “Một lần tình cờ được người quen tư vấn là đăng ký, làm hồ sơ tham gia OCOP. Lúc đầu, gia đình cũng gặp khó khăn về các thủ tục, nhưng nhờ có các cán bộ xã, huyện quan tâm, nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ nên cũng rất thuận lợi. Sau khi tham gia OCOP và được cấp chứng nhận đạt chuẩn 3 sao, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, lượng bán ra nhiều hơn, thị trường cũng rộng hơn. Gia đình rất phấn khởi và sẽ tiếp tục hoàn thiện, mở rộng quy mô”, cô Nhẫn cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh Hồ Tương Lai cho biết: “Rượu trái giác của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn, được cấp chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao OCOP, đã làm phong phú thêm cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn xã cùng với sản phẩm cam Ba Tình, chuối sấy dẻo Minh Quân. Đây là sản phẩm chất lượng được nhiều người biết đến và tin dùng. Các sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại xã, là động lực để xã tiếp tục mở rộng, phát triển nhiều hơn các sản phẩm đặc trưng và chất lượng. Thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo huyện, UBND xã cũng đã lên kế hoạch và triển khai hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục cho những chủ thể có sản phẩm tiềm năng, chất lượng đủ chuẩn để được công nhận sản phẩm OCOP. Mong rằng, các ngành, các cấp quan tâm xúc tiến, mở rộng thị trường, ổn định tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP tạo động lực cho các chủ thể mới”.   

Theo cổng TTĐT CM

Facebook Youtube Top