Giỏ hàng

Cà Mau: Khắc phục thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy gây ra

Hai ngày gần đây, mưa lớn, lốc loáy làm sập, tốc mái nhiều căn nhà và gây thiệt hại nhiều diện tích lúa của người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương vào cuộc, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, thời tiết bất thường có thể xảy ra.
 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt (áo xanh, bìa trái) cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (đứng hàng trên, thứ hai từ trái qua) trong chuyến kiểm tra thực tế tại địa bàn huyện Trần Văn Thời sáng 10/7/2022.
 

Theo tổng hợp nhanh từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau trong đêm ngày 08/7 và rạng sáng ngày 09/7/2022, mưa lớn kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại lớn đến nhà cửa và diện tích sản xuất của người dân tại nhiều địa phương như: Huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân và Đầm Dơi.

Theo ghi nhận, mưa dông, lốc xoáy đã làm 01 người bị thương; sập, tốc mái, hư hỏng trên 752 căn nhà (trong đó có 64 nhà sập hoàn toàn), sập gần 345 ha lúa hè thu, đổ ngã nhiều cây trồng, trụ điện, pano tuyên truyền,... Ước tổng thiệt hại trên 5,2 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, mưa dông kèm theo gió lớn đã đánh chìm 06 tàu cá trên vùng biển Cà Mau, lực lượng chức năng đã cứu hộ kịp thời đưa vào bờ các ngư dân bị trôi dạt trên biển.

Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ trận dông lốc trong đêm ngày 08 và rạng sáng ngày 9/7 vừa qua. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 209 căn nhà sập, tốc mái (sập 18 căn, tốc mái 191 căn); sập 344,9 ha lúa hè thu, nhiều cây xanh, hạ tầng bị đổ ngã… ước tổng thiệt hại trên 850 triệu đồng. Ngay sau khi dông, lốc xảy ra, sáng ngày 10/7/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã có mặt kịp thời kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời và xã, phường, thị trấn xảy ra dông lốc khắc phục hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (bìa trái) thăm hỏi, động viên hộ dân bị thiệt hại lúa do mưa dông, lốc xoáy.
 

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công, thông tin: “Ngay sau khi dông lốc xảy ra, UBND huyện bố trí cán bộ đến tận nơi thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị sập, tốc mái nhà. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn thống kê đầy đủ thiệt hại, xem xét đề xuất hỗ trợ đối với những trường hợp hộ nghèo bị sập nhà do dông lốc; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch hết diện tích lúa chín bị sập để hạn chế thiệt hại. Riêng đối với lúa ngã đổ, chưa đến thời điểm thu hoạch thì chỉ đạo bơm nước, chống ngập, theo dõi diễn biến tình hình thu hoạch thời điểm thích hợp. Trong trưa ngày 11/7, nước dâng bất thường gây ngập nhà một số hộ dân tại địa bàn ven biển Khánh Bình Tây, Sông Đốc, Khánh Hải, Khánh Bình Tây Bắc, huyện đang tổng hợp, thống kê cụ thể thiệt hại. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, UBND huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời hỗ trợ người dân khi có tình huống thiên tai bất ngờ xảy ra”.

Trước diễn biến bất thường tình hình thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục theo dõi sát bản tin dự báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chức năng; thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần và hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
 

Mưa lớn kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại lớn đến nhà cửa và diện tích sản xuất của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
 

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp với lịch mùa vụ và diễn biến thời tiết, thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tránh phát sinh dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, tu sửa, gia cố những vị trí, hạng mục công trình phòng, chống thiên (đê, cống, đập, trạm bơm, khu neo đậu tránh, trú bão,...); vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, trạm bơm đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hóa; phối hợp với UBND các huyện ven biển rà soát, tuyên truyền, vận động, di dời các hộ dân tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư theo kế hoạch, dự án được duyệt để di dời, bố trí dân cư các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và khu vực rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau được giao chủ trì, phối hợp UBND các huyện ven biển và các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra, vào cửa biển, tuyệt đối không cho phép ra biển hoạt động đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, kể cả các phương tiện thủy nội địa tham gia khai thác thủy sản ven bờ; phối hợp chặt với các đơn vị chức năng liên quan kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Theo cổng TTĐT CM
Facebook Youtube Top