Cà Mau khẳng định tầm vóc sau 1/4 thế kỷ
Hôm nay (ngày 1/1/2022) tròn 25 năm tái lập tỉnh Cà Mau. Qua 1/4 thế kỷ, từ một tỉnh khó khăn về mọi mặt, Cà Mau đã chuyển mình bứt phá để trở thành địa phương phát triển nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Bằng những thông số thống kê sự thay đổi và phát triển của tỉnh Cà Mau, ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “25 năm qua, Cà Mau có sự phát triển vượt bậc. Khi tách tỉnh năm 1997, chúng ta là tỉnh thuần nông, dân rất nghèo, thu nhập bình quân chỉ hơn 3 triệu đồng (269 UDS), hộ nghèo 30%. Đến nay, thu nhập tăng lên trên 54 triệu đồng (2.277 USD), tăng gấp 7 lần; hộ nghèo từ 30% giảm còn 1,5%. Tỉnh được đánh giá từ tỉnh nghèo chuyển thành tỉnh phát triển trung bình khá”.
Từng bước chuyển mình
Cách nay 25 năm, ngày 01/01/1997 Cà Mau chính thức tái lập tỉnh từ tỉnh Minh Hải. Cũng trong năm 1997, Đại hội BCH Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ nhất (khóa XI) nhiệm kỳ 1997-2000 đã chính thức diễn ra vào ngày 11/12/1997. Kỳ Đại hội đánh dấu bước ngoặc Đảng bộ, quân và dân Cà Mau cùng với cả nước bước vào thời kỳ mới – Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau ngày 21/2/2017
Năm đầu tái lập tỉnh, thành tựu ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,1%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 3,3 triệu đồng (300 USD); xuất khẩu 90 triệu USD.
Mở đầu cho thời kỳ mới của vùng đất mới tái lập, lần đại hội Đảng bộ dầu tiên của tỉnh đã thống nhất chỉ tiêu giai đoạn 1997-2000 Cà Mau phải đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 9 – 9,5%; phấn đấu đến năm 2000 thu nhập bình quân đầu người đạt 400 USD; xuất khẩu đạt từ trên 150 triệu USD.
Cũng giai đoạn này là điểm khởi đầu thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn. Tỉnh xác định đây là mục tiêu chiến lược; phấn đấu đến năm 2000 hoàn thành đưa điện về 100% trung tâm các xã; 80% hộ dân thị xã, thị trấn và các cụm dân cư được sử dụng điện. Phấn đấu đến năm 2000 có đường ô tô từ tỉnh đến các huyện; giảm hộ nghèo còn 15%.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về thăm và làm việc tại Cà Mau nhân Hội nghị xúc tiến thương mại ngành tôm ngày 6/2/2017
Ông Mai Hữu Chinh, nhớ lại: “Điện khí hóa nông thôn là giấc mơ của rất nhiều thế hệ cán bộ tỉnh. Năm mới tái lập tỉnh Cà Mau, chúng ta phấn đấu tỷ lệ sử dụng điện quốc gia khoảng 50% ở các trung tâm xã; phấn đấu đến năm 2000 có đường ô tô về trung tâm huyện”.
Kết thúc năm 2000, Cà Mau gặt hái nhiều thành tựu quan trọng: Thu nhập bình quân đầu người tăng 44% so với năm 1996 (4,9 triệu đồng); xuất khẩu tăng 63% so với năm 1997 (245 triệu USD). Bước vào kỷ nguyên mới thế kỷ 21, tỉnh quán triệt và thực hiện chủ trương của Trung ương đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. “Đó là sự tranh thủ và nỗ lực của tỉnh sử dụng thật hiệu quả các nguồn hỗ trợ cả nội lực và ngoại lực. Kết quả, Cụm công nghiệp Khí- Điện - Đạm tầm cỡ quốc gia đã thúc đẩy tích cực nền kinh tế tỉnh nhà trong những năm sau này”, ông Mai Hữu Chinh chia sẻ.
Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế công nghiệp tỉnh nhà
Song song đó, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy cùng quyết tâm đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa, sau 2 năm tái lập tỉnh, tháng 4 năm 1999 Thị xã Cà Mau đạt đô thị loại 3 và được Chính phủ ra Nghị định thành lập TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau. Kể từ ngày đó, đô thị thành phố trở thành trung tâm kinh tế, chính trị không những của tỉnh mà còn là trung tâm trong mối liên kết phát triển của đô thị động lực vùng tứ giác Cà Mau – An Giang – Kiên Giang – Cần Thơ; trung tâm của vùng Bán đảo Cà Mau.
Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau cho biết: “Những năm đầu mới thành lập, thành phố gặp rất nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng 10,78%, thu nhập bình quân đạt 6,8 triệu đồng. Đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại - dịch vụ bình quân đạt 17,04%/năm. Năm 2020 tăng gấp 3,73 lần so năm 2010, chiếm 62,21% trong cơ cấu kinh tế thành phố. Hạ tầng đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy trong tương lai”.
Vươn lên tỉnh khá
Thực tế cho thấy, qua mỗi giai đoạn, Cà Mau không ngừng gặt hái nhiều thành tựu vượt trội, từng bước đưa đời sống Nhân dân phát triển; hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế,.... Năm 2007, cũng như các địa phương khác, Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, lạm phát và suy giảm kinh tế trong nước. Song, bằng mọi nỗ lực, tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2005-2010 đạt 13,5%.
Sân bay Cà Mau không ngừng được nâng cấp, tăng chuyến đón khách, mở ra kỷ nguyên mới vận tại hàng không của tỉnh (Ảnh chụp ngày 6/12/2013)
Năm 2010, nhìn lại khoảng thời gian 14 năm tái lập tỉnh Cà Mau thực sự đã lập nên kỳ tích trên vùng đất cực Nam Tổ quốc: Đó là kết quả của quá trình phấn đấu nâng cao tri thức với số thống kê trình độ cán bộ, đảng viên tăng gấp 2,37 lần năm 1997 và trình độ cán bộ có bằng cao đẳng, đại học tăng gấp 6 lần; trình độ lý luận chính trị tăng gấp đôi;... Điều này khẳng định các Nghị quyết của các kỳ Đại hội trước đảm bảo mang tính đột phá về nguồn nhân lực, tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ. Từ một tỉnh thuần nông, trình độ sản xuất thấp, năng suất, hiệu quả chưa cao Cà Mau đã “lột xác” trở thành tỉnh trọng điểm về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu vực và cả nước. Vị thế ấy đã duy trì đến tận hôm nay.
Ông Phạm Bạch Đằng, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận định: “Cà Mau đã trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh sau ngày tái lập, với gốc độ người trong cuộc tôi rất tự hào vì đã góp một phần vào thành tựu chung của Đảng bộ, quân, dân tỉnh nhà. Qua 25 năm, với trách nhiệm, tâm huyết, tình cảm của mình tôi rất tâm đắc, luôn luôn quan tâm trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, tỉnh luôn chịu khó tìm tòi, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là kỳ đại hội mang dấu ấn đậm nét nhất trong công tác cán bộ, nhân sự. Một điểm nhấn quan trọng để đưa Cà Mau tiếp tục gặt hái nhiều thành công”.
Trường Tiểu học Thới Thuận, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình trong ngày đạt chuẩn quốc gia tháng 12/2017
Từ xuất phát điểm chưa có đường ô tô về trung tâm huyện thì đến nay Cà Mau đã có 100% tuyến đường ô tô về trung tâm các huyện và hầu hết các xã đều thông xe ô tô đến trung tâm, địa bàn dân cư. Lưới điện về trung tâm xã đạt 100% kéo theo tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt trên 99%. Dấu ấn trong tiến trình 25 năm xây dựng và phát triển vùng đất Cà Mau ngoài những sự bứt phá còn là điểm nhấn của các công trình trọng điểm mang tính chiến lược tầm cỡ quốc gia, như Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm; đưa vào sử dụng cầu Đầm Cùng; cầu Năm Căn; đường Quản lộ Phụng Hiệp, đường hành lang ven biển phía Nam; đường Hồ Chí Minh; các công trình điện gió…
Ông Mai Hữu Chinh, phân tích: “Để tranh thủ được vốn đầu tư, Cà Mau rất chắt chiu nguồn vốn. Mở ra năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện rất thuận lợi cho danh nghiệp vào đầu tư. Đồng thời, Tỉnh ủy chủ trương phát triển nội lực cho người dân và doanh nghiệp phát triển hài hòa”.
Cầu Năm Căn nối liền đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, năm 2021 và những năm tiếp theo Đảng bộ tỉnh quyết tâm đề ra mục tiêu xây dựng Cà Mau phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 bình quân tăng 6,5 - 7%/năm; bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới) hằng năm giảm 0,5%.
Năm 2021, năm đầu tiên Cà Mau bắt tay thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025 nhưng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Song, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, năm qua Cà Mau một lần nữa duy trì mức tăng trưởng dương, trong khi nhiều địa phương trong khu vực và cả nước tăng trưởng âm. Từ những thành tựu sau 25 năm xây dựng và phát triển, cùng với truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đây là mắc xích không thể tách rời trong chuỗi liên kết chiến lược, là động lực thúc đẩy kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Với đội tàu khai thác hơn 4.000 chiếc, ngành khai thác thủy sản Cà Mau không ngừng vươn khơi và giữ vai trò quan trọng so với các địa phương trong nước và khu vực
Mùa xuân mới 2022 lại về trên quê hương Cà Mau. Mùa xuân đánh dấu mốc son của hành trình 1/4 thế kỷ kiến thiết, xây dựng quê hương. Như khát vọng rực cháy, nhiệt huyết của một đời người ở độ tuổi 25, vượt qua bao khó khăn, Cà Mau đang ưỡn mình tươi trẻ đầy nhựa sống, ước mơ, hoài bão vươn lên đón những mùa xuân rực rỡ ở tương lai./.
Theo CMO