Giỏ hàng

Cà Mau: Thới Bình cần phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp sạch

Ngày 22/10/2022, Đoàn công tác của UBND tỉnh, do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thới Bình.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt (bìa trái) kiểm tra tình hình thu hoạch tôm càng của bà con xã Trí Lực.

Theo đó, đoàn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa – tôm của bà con nông dân và hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Dân Phát (xã Biển Bạch Đông) và HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực).

Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích xuống giống vụ lúa - tôm của bà con nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình đạt hơn 18.900ha; lúa đông xuân xuống giống đạt 530ha. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt hơn 1.700 tấn. Trong đó, sản lượng tôm thu hoạch đạt hơn 780 tấn. Vụ tôm càng xanh xuống giống khoảng 16.700ha. Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Trí Lực và xã Thới Bình. Diện tích nuôi tôm càng xanh đạt hơn 10.900ha, năng suất tôm càng xanh bình quân đạt từ 150 đến 220 kg/ha, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân, bình quân từ 15-25 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trong đó có mô hình lúa-tôm. Kết quả, năm 2021, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất mô hình lúa hữu cơ. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ trên địa bàn huyện. Trong đó, có tổ chức triển khai sản xuất lúa hữu cơ tại HTX lúa - tôm Trí Lực. Các giống lúa canh tác hữu cơ chủ yếu: ST24, ST25, OM2517… năng suất bình quân đạt  từ 3,8-4,1 tấn/ha và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt (người đứng) làm việc với huyện Thới Bình về công tác xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, đoàn đã kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Thới Bình. Là huyện chỉ đạo điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, huyện Thới Bình hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, huyện đã chỉ đạo các ngành phụ trách tiêu chí và các xã chủ động rà soát, đối chiếu quy định của Bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch củng cố, nâng chất tiêu chí. Đồng thời, tiến tới xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2022 huyện sẽ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên do Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 nâng mức độ đạt chuẩn cao rất nhiều so với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, qua rà soát, huyện chỉ mới đạt 4/9 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, y tế - văn hóa – giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống. Để đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện cần nguồn lực đầu tư trên 260 tỷ đồng và huyện đang lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác và tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh để thực hiện.

Qua kiểm tra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị lãnh đạo huyện Thới Bình tập trung chỉ đạo các xã phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, có quản lý chất lượng và ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất. Các HTX thành lập cần đảm bảo hiệu quả trong quá trình hoạt động; huyện cần quan tâm, hỗ trợ các HTX. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, tính toán tạo ra sản phẩm đạt chuẩn OCOP để tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân; đề xuất nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả,…. Đối với công tác xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, lãnh đạo huyện cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá các tiêu chí để thực hiện; quan tâm, tập trung quy hoạch hạ tầng giao thông nhằm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện đảm bảo các tiêu chí môi trường, trường học, nhà ở, an ninh trật tự,…; tranh thủ huy động nguồn xã hội hóa, vận động sức dân để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với những khó khăn thuộc dự án, công trình lớn như: Giao thông, giáo dục, y tế,…tỉnh sẽ xem xét và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ giúp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Theo cổng TTĐT CM

Facebook Youtube Top