CARAVAN “Thắp sáng yêu thương”: khám phá vùng đất cực Nam của Tổ quốc
Bạc Liêu - Vùng đất từ xa xưa đã nổi tiếng là trù phú và phì nhiêu. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng. Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời hay quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu người sáng tác ra điệu “Dạ cổ hoài lang” lừng danh. Đến Bạc Liêu du khách không chỉ được thăm quan nhà công tử Bạc Liêu mà còn có cơ hội được nghe điệu đờn ca tài tử do các nghệ sĩ miệt vườn thể hiện và khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn. Tận mắt chứng kiến, hẳn bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.
“Thiên đường giao thoa của rừng và biển” . Du lịch Cà Mau là điểm dừng chân lý tưởng của mọi du khách ở mảnh đất tận cùng phía Nam Tổ quốc này.
Với hành trình 3 ngày 2 đêm chúng ta có thể điểm qua vài điểm nhấn của hành trình Caravan “ Thắp sáng yêu thương”:
Linh thiêng Mẹ Nam Hải Bạc Liêu
Cách thành phố Bạc Liêu khoảng 8km là một ngôi chùa nổi tiếng với tên gọi Quan Âm Phật đài Mẹ Nam Hải (thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu). Đây là một công trình có giá trị văn hóa tâm linh nổi bật của người dân nơi đây. Khách du lịch có thể đến cầu may mắn hay tận hưởng giá trị thiêng liêng mà nơi đây mang lại.
Bạc Liêu, vùng đất hoang vu xưa được khẩn hoang bởi những con người với trái tim cháy bỏng khát vọng tự do. Bằng đôi tay, khối óc, những con người của vùng đất này đã làm chủ thiên nhiên, bắt đất sinh hoa, kết trái, tạo sự trù phú cho vùng đất ở cuối trời này.
Bạc Liêu – dải đất gần cuối cùng của đất nước, nơi dòng hải lưu Bắc – Nam tích tụ phù sa bồi lắng, đã hình thành nên vùng đất màu mỡ, phì nhiêu giáp biển Đông. Không chỉ có thiên nhiên trù phú, tươi đẹp, Bạc Liêu còn là vùng đất của văn hóa tâm linh, là nét đẹp tâm linh tín ngưỡng văn hóa truyền thống dân gian.
Du khách xuôi về phường Nhà Mát để thực hiện một chuyến cầu an ngay tại khu Phật bà Nam Hải – công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng tại tỉnh này. Khu Quán Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải) nằm trên phường Nhà Mát được xây dựng từ năm 1973, khu Phật Bà Nam Hải là một công trình kiến trúc - văn hóa - tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu.
Quan âm Phật đài Mẹ Nam Hải còn có tên gọi khác là Bồ Tát Quán Thế Âm, hay giản dị hơn như người dân vẫn gọi là là Mẹ Nam Hải Bạc Liêu. Đến Mẹ Nam Hải, du khách choán ngợp trước bức tượng Mẹ Nam Hải cao 11 mét, đứng sững sững uy nghi trên đài sen trắng khổng lồ, giữa không gian thoáng đãng rộng hàng chục hecta, mặt Mẹ Nam Hải hướng ra biển Đông lộng gió.
Mẹ Nam Hải khuôn mặt hiền từ, trang nghiêm, tay cầm bình hồ lô đựng nước cam lồ. Tà áo vờn bay trong gió biển hiền hòa. Đài sen nơi Mẹ Nam Hải đứng cao quá đầu người với nhiều bậc cấp để các phật tử và du khách dâng hương hoa chiêm bái.
Vùng đất nơi khu di tích Mẹ Nam Hải là nơi cửa biển, được thiên nhiên hào phóng ban tặng bạt ngàn là gió, gió lớn hơn so với nhiều vùng cửa biển - chính vì vậy Nhà nước đã đầu tư xây dựng Điện gió Bạc Liêu trở thành “đặc sản” du lịch thu hút du khách gần xa.
Nhưng từ xa xưa kia, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển thì cuộc sống của người dân nơi đây chru yếu chỉ dựa vào chài lưới, đời sống của họ bấp bênh theo thời tiết, theo dòng nước thủy triều. Trời yên bể lặng thì ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống của họ sung túc, ấm no; ngược lại nếu thời tiết không ủng hộ, bão gió thì gia đình có nguy cơ đứt bữa, thậm chí có khi tính mạng của ngư dân có khi bị đe dọa…
Nghèo khổ, vất vả, họ chỉ còn biết dựa vào niềm tin ở tâm linh, cầu trời khấn phật cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Đó cũng là lý do vào năm năm 1973, một tín đồ phật tử đã phát tâm bồ đề xây dựng tượng Phật Bà tay cầm hồ lô rưới nước cam lồ ban phước cho các ngư dân ra khơi được trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang. Phật Bà đó chính là Quan Âm Phật đài Mẹ Nam Hải hiện nay.
Khi đó, tượng Phật Bà tọa lạc giữa hoang vu rừng mắm, bạt ngàn rừng đước, triều lên nước bao vây tứ phía. Rồi như ý trời, qua thời gian sóng biển bồi lấn tự nhiên, càng ngày mảnh đất nơi đặt tượng Phật bà càng được bồi đắp lớn, thành vùng đất bằng phẳng rộng rãi. Để tỏ lòng thành kính, biết ơn Phật Bà, hàng năm ngư dân tổ chức lễ hội vào 3 ngày 22, 23 và 24 tháng 3 âm lịch.
Đến năm 2004, với sự cúng dường của các Phật tử, khu Phật bà Nam Hải được xây dựng lại, mở rộng 25.000m2 trong diện tích 6 hecta với nhiều hạng mục để phát triển thành điểm đến du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Ngoài tượng Phật đài Mẹ Nam Hải nằm ở chính giữa khu di tích, phía bên trái còn có điện Quán Âm – dãy nhà rộng lớn được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.
Phía bên phải tượng Phật Bà, đối diện với điện Quán Âm là điện Địa Tạng. Điểm nhấn của khu di tích nằm ở phía bên tay trái Phật đài Mẹ Nam Hải, chếch phía sau điện Địa Tạng, đó là công trình núi Quán Âm với kiến trúc đậm nét Phật Giáo. Công trình núi Quán Âm cao 45m, rộng 90m sừng sững giữa đất trời hiện các hạng mục đang được gấp rút hoàn thiện để phục vụ du khách gần xa về chiêm bái.
Lễ hội Quán Âm Nam Hải vào ba ngày 22, 23 và 24 tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn của tỉnh Bạc Liêu và được nhiều người biết đến cũng như được công nhận là một lẽ hội chính thức của Phật giáo.
Đến thăm Quán âm Phật đài Mẹ Nam Hải tỉnh Bạc Liêu khách du lịch sẽ tìm được sự bình yên trong tâm hồn từ pho tượng phật Quan Thế Âm mang lại. Đối với người dân Bạc Liêu ngày nay, Phật Bà Mẹ Nam Hải không chỉ là đấng linh thiêng mang lại bình an, phù hộ cho cuộc sống của họ may mắn, thuận hòa mà còn là niềm tự hào, là biểu tượng của miền đất Bạc Liêu linh thiêng, giàu đẹp, thanh bình…
Check-in cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam ở Bạc Liêu
Dạo bước trong không gian thơ mộng, hoành tráng của cánh đồng điện gió Bạc Liêu, du khách cứ ngỡ như mình đang ‘lạc’ giữa Châu Âu.
Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với giai thoại về Công tử Bạc Liêu hay ngôi nhà cổ, xa hoa bậc nhất xứ Nam kỳ xưa. Những năm gần đây, nhà máy điện gió Bạc Liêu đã trở thành một trong những điểm đến thu hút được giới trẻ và du khách tham quan, chụp ảnh.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu hay còn gọi là cánh đồng điện gió Bạc Liêu tọa lạc tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu. Từ trung tâm thành phố Bạc Liêu di chuyển đến đây chỉ mất khoảng 10km.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu là một trong những dự án điện gió lớn nhất Việt Nam với chi phí đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Không chỉ là biểu tượng cho việc phát triển năng lượng sạch và bền vững, cánh đồng điện gió còn là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch khi ghé thăm Bạc Liêu.
Năm 2018, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã công nhận nhà máy điện gió Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đi giữa cánh đồng điện gió, du khách cứ ngỡ như đang đi giữa trời châu Âu. Tại đây, có 62 trụ turbine cao 80m với cánh quạt quay liên hồi trong gió. Nhìn từ xa, những trụ turbine này tựa như những chiếc chong chóng khổng lồ, sừng sững giữa nền trời xanh thẳm.
Dù đứng ở bất kỳ vị trí nào trong cánh đồng điện gió thì du khách vẫn có thể bắt trọn được những khung hình lung linh và ấn tượng.
Thánh đường Tắc Sậy - địa điểm hành hương Công giáo nổi tiếng của vùng miền Tây sông nước
Nếu như TP. Hồ Chí Minh có nhà thờ Đức Bà cổ kính hàng trăm năm tuổi hay Hà Nội có nhà thờ Lớn thì ở miền Tây nhất là đối với người dân Bạc Liêu, Thánh đường Tắc Sậy được xem là thánh đường linh thiêng, điểm hành hương Công giáo nổi tiếng nhất nơi này.
Từ lâu,Thánh đường Tắc Sậy – Bạc Liêu đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng miền Tây sông nước, nhiều du khách hành hương đến Bạc Liêu cũng vì sự linh thiêng và lối kiến trúc độc đáo. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, tên gọi Tắc Sậy là do xưa kia có một con đường tắt nhỏ đi ngang qua nhà thờ, nằm giữa đám lau sậy, phát âm của người miền Nam, dần biến âm “tắt” thành “tắc”.
Kiến trúc độc lạ nhưng không kém phần uy nghiêm
Thánh đường Tắc Sậy được xem là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu ngày xưa. Ban đầu nơi đây được Cha Jules DUCQUET một linh mục người Pháp đến truyền đạo. Sau đó Cha đã thành lập 4 họ đạo ở khu vực miền Tây trong đó có họ đạo Bạc Liêu.
Đồng thời, du khách đến đây cũng muốn tận “mục sở thị” mộ phần của linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp, người đã tử vì đạo, hy sinh mạng sống để cứu lấy các giáo dân.
Thánh đường Tắc Sậy tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Long, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Theo các giáo dân nơi đây, thuở ban đầu, Thánh đường Tắc Sậy chỉ là một ngôi nhà thờ bán kiên cố, nhỏ hẹp, ít người biết đến và là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu. Lúc này, thế sự nhiễu nhương, chịu nhiều biến cố nên nhà thờ bị xuống cấp và hư hại không ít.
Tuy nhiên, từ sự đóng góp của đồng bào Công giáo và du khách thập phương, qua nhiều lần trùng tu xây dựng mà nhà thánh đường được hoàn thiện như ngày hôm nay. Để đến Thánh đường Tắc Sậy, du khách có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô và thẩm chỉ bằng các phương tiện đường thủy để thưởng thức không gian sông nước hữu tình của xứ miền Tây Nam Bộ.
Khi nhìn bao quát từ xa, du khách sẽ thấy được thánh đường mang lối kiến trúc độc lạ nhưng không kém phần uy nghiêm và vững chãi. Bên trong khuôn viên rộng lớn của Thánh đường Tắc Sậy là 3 phân khu chính, tương ứng với 3 tòa nhà được xây dựng tách biệt.
Theo đó, nhìn từ hướng chính diện sẽ là khu vực thánh đường, nơi diễn ra các nghi lễ của đạo Công giáo; phía bên phải là nơi dành cho giáo dân và du khách nghỉ ngơi hoặc tạm trú lại nhà thờ.
Đặc biệt, phía bên trái thánh đường là nơi đặt mộ phần của của linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp. Ngoài ra, không gian bên trong gian cung thánh và nơi đặt mộ phần linh mục Trương Bửu Diệp phần lớn được trang trí bằng các loại gỗ quý, các bức tượng thánh và tượng linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp được bài trí theo tinh thần tín ngưỡng Công giáo, qua đó làm cho nơi đây thêm phần cổ kính, trang nghiêm và linh thiêng.
Ngoài vẻ đẹp được tạo ra từ lối kiến trúc độc lạ, Thánh đường Tắc Sậy còn được nhiều du khách phương xa biết đến vì sự linh thiêng “cầu được ước thấy”. Theo những người dân sinh sống nơi đây, có nhiều trường hợp du khách hành hương đến nhà thờ để xin ơn và được ban ơn, “tiếng lành đồn xa” nên được nhiều người biết tới. Cũng vì lẽ đó mà bất kể khoảng thời gian nào trong năm, nơi đây luôn đông đúc giáo dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành hương, chiêm bái; đặc biệt là những ngày lễ của đạo Công giáo hay ngày giỗ linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp (ngày 12/3 dương lịch hàng năm).
Tận tụy với đạo và yêu thương giáo dân
Được biết, Thánh đường Tắc Sậy còn có tên gọi khác là nhà thờ Cha Diệp vì đây là nơi đặt mộ phần của linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp, vị linh mục được nhiều người biết đến do đã hy sinh mạng sống của mình để cứu lấy các giáo dân. Đồng thời, vị linh mục này được xem là người có công lớn trong sự phát triển của nhà nhờ như hiện nay.
Theo tư liệu được lưu giữ tại nhà thờ, linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp (SN 1897 tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được cử về làm chánh xứ nhà thờ Tắc Sậy – Bạc Liêu vào năm 1930. Trong suốt khoảng thời gian nhận nhiệm sở tại nơi đây, ông được nhiều người yêu mến vì lòng tận tụy với đạo và yêu thương giáo dân hết mực.
Tuy nhiên, lúc bây giờ, do thế sự nhiễu nhương nên nhiều linh mục bề trên (thuộc họ đạo Bạc Liêu) và kể cả người Pháp đã khuyên ông nên lánh mặt, khi nào yên ổn thì trở về họ đạo. Nhưng linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp một mực khước từ và trả lời rằng: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên - Tôi không đi đâu hết”.
Thế nhưng đến năm 1946, ông và 70 giáo dân đã bị một nhóm người (không rõ lai lịch) bắt nhốt, lúc này ông đã nguyện chết thay để cứu lấy mạng sống cho các giáo dân. Cũng vì lẽ đó mà khi đến Bạc Liêu du lịch và ghé thăm Thánh đường Tắc Sậy, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện kể về vị linh mục này, cũng như được tận “mục sở thị” mộ phần của ông.
Đất Mũi, nơi đến để khám phá
Một trong những điểm đến du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5.2009.
Nơi đây, được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.
Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau).
Hình tượng con tàu tại công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau cũng là một trong những điểm nhấn thú vị với hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi. Trên cánh buồm với dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8°37'30' 'Vĩ độ bắc, 104°43' Kinh độ đông. Đây là địa điểm quen thuộc mà mỗi du khách đến với Đất Mũi đều không thể bỏ qua để chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đánh dấu chuyến hành trình đến với vùng cực Nam của Tổ quốc.
Cột mốc Đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau Km 2436 là điểm đến du lịch đánh dấu “điểm cuối cùng” trên chuyến hành trình trải dài từ Pác Bó - Cao Bằng (điểm đầu) đến Đất Mũi - Cà Mau (điểm cuối), đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183 km. Với quy mô thích hợp và hình thức giản dị, du khách có thể ghé thăm cột mốc đường Hồ Chí Minh để ghi lại dấu ấn trên chuyến hành trình về thăm Đất Mũi.
Về thăm Đất Mũi Cà Mau nơi được ví là “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” với dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền, du khách có thể đắm chìm trong không gian trong xanh của những cánh rừng đước bạt ngàn. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên cả nước có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở bờ biển Tây.
Những điểm du lịch công đồng với nhiều món ăn địa phương. Đặc biệt là món cá kỳ dị nhất hành tinh, cá biết leo cây mà người dân bản địa gọi là cá thòi lòi; bắt ba khía, câu cua, câu cá… khám phá bài bồi ven biển, rừng ngập mặn…
Đất Mũi đang dần trở thành điểm đến thú vị trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Tấn Tài