Cầu Gành Hào động lực phát triển cho hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau
Cầu Gành Hào được xây dựng với tổng kinh phí 666 tỷ đồng, nối hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, mở ra hướng phát triển mới cho hai địa phương này.
Theo Quyết định 1028 của UBND tỉnh Cà Mau ngày 31/5/2021, Dự án Xây dựng cầu Gành Hào là dự án thành phần 3, thuộc dự án cầu qua sông Ông Đốc, tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào.
Vị trí của Dự án Xây dựng cầu Gành Hào có điểm đầu giao với đường trục Đông Tây (tại lý trình Km 39+550 và đường bộ ven biển của tỉnh Cà Mau, cách cầu Rạch Cốc khoảng 300m về phía thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu). Điểm cuối của dự án cầu kết nối vào đường hiện hữu là đường 1/3 theo quy hoạch chung thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Khu vực cửa biển Gành Hào.
Cầu Gành Hào thuộc nhóm B, có thiết kế tải trọng là HL93, rộng 12m (phần xe chạy là 11m), do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí hơn 650 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp chưa tính dự phòng là 480 tỷ đồng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng là 60 tỷ đồng (địa bàn tỉnh Bạc Liêu khoảng 20 tỷ đồng), do UBND tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng cầu qua sông Gành Hào nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được phê duyệt của hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Đồng thời, phục vụ nhu cầu lưu thông đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương phát triển sản xuất, trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân hai huyện Đầm Dơi (Cà Mau) và huyện Đông Hải (Bạc Liêu) nói riêng và khu vực nói chung.
Đặc biệt là tạo trục đường kết nối cửa biển Sông Đốc, tỉnh Cà Mau với cửa biển Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hành khách, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng; góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Về phía tỉnh Bạc Liêu đã bàn giao ranh, mốc giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Đông Hải và các đơn vị có liên quan đã triển khai việc đo đạc, lập phương án bồi thường.
Còn phía tỉnh Cà Mau cũng đã duyệt kế hoạch do đạc, kiểm điếm, lập phương án bồi thường và tổ chức họp dân để triển khai thông báo thu hồi đất, xây dựng khung chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Theo ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong quyết định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao địa phương tự chủ ngân sách trong khâu bồi thường và giải phóng mặt bằng, nhưng, do dự án có một phần nằm trên địa phận tỉnh Bạc Liêu, nên không thể dùng ngân sách của Cà Mau.
“Do đó, hai tỉnh phải có phương án thống nhất trong việc triển khai dự án cũng như xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện. Điều này để tránh tình trạng không đồng nhất trong về chủ trương, chính sách làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án”, ông Bi thông tin thêm.
Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để dự án sớm được triển khai, hai tỉnh cần thống nhất chọn một đơn vị tư vấn để giải quyết nhất quán các thủ tục, tránh sự chồng chéo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.