Giỏ hàng

Cháo trắng 1.000 đồng 'bao no' giữa lòng Sài Gòn

Quán cháo 1.000 đồng không chỉ là nơi giúp mọi người có bữa ăn no mà còn là nơi để ôn lại những ngày tháng cơ cực thời thơ ấu với nồi cháo trắng, một tí kho quẹt...

Gần 20 năm qua, quán cháo “Về đây em” tại quận 6, TP.HCM được mọi người biết đến là quán cháo rẻ nhất Sài Gòn khi bán mỗi tô cháo trắng với giá 1.000 đồng, giúp cho người lao động, sinh viên... có hoàn cảnh khó khăn được một bữa ăn no ấm áp.

“Về đây em” nuôi cả gia đình

Quán cháo ở địa chỉ 221/10 Phan Văn Khỏe (phường 5, quận 6, TP.HCM). Chủ quán là ông Thái Công Minh (66 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kim Phượng (vợ ông Minh). Gần 20 năm duy trì công việc bán cháo “siêu rẻ” cho khách hàng mà cô chú đã nuôi hai cô con gái ăn học và trưởng thành.

Gần 20 năm duy trì công việc bán cháo siêu rẻ cho khách hàng mà hai cô con gái được ăn học và trưởng thành. Ảnh: HUỲNH THƠ

Gần 20 năm duy trì công việc bán cháo siêu rẻ cho khách hàng mà hai cô con gái được ăn học và trưởng thành. Ảnh: HUỲNH THƠ

Trước đây công việc chính của ông Minh là thợ hồ, công việc vất vả, lại không kiếm ra được nhiều tiền. Cho đến khi vợ mang bầu và sinh cô con gái thứ hai thì gặp nhiều khó khăn, tài chính không đủ để chi trả cho cuộc sống nên cô chú bàn với nhau mở quán cháo để kiếm thêm thu nhập. Thời gian đầu quán rất vắng khách, có những ngày ế ẩm cả nhà phải ăn phần cháo ế đó. Nhưng cô chú không hề nghĩ sẽ bỏ cuộc mà ráng cầm cự. Bao nhiêu vất vả còn có thể chịu đựng được, chỉ cần cố một tí nữa thôi. Và rồi khách hàng bắt đầu biết đến quán cháo, mỗi ngày một đông hơn vì giá quá rẻ.

Từ khi mở quán, giá bán mỗi tô cháo trắng là 500 đồng nhưng đến năm 2012 tờ tiền mệnh giá 500 đồng không còn phổ biến, cộng thêm vật giá cũng tăng nên cô chú thống nhất tăng giá bán từ 500 đồng lên 1.000 đồng. Những món ăn kèm với cháo trắng như kho quẹt, dưa mắm, hột vịt muối… sẽ có giá dao động 2.000-10.000 đồng. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, cô chú lấy các loại thực phẩm từ quê lên để bán và tất nhiên giá cũng “rẻ bèo”, chỉ vài ngàn đồng.

“Tôi bán vì niềm vui”

“Nói không lời thì mình nói dóc á chứ, có lời nhưng mà lời ít. Hồi xưa bán để kiếm tiền còn bây giờ chủ yếu bán vì vui thôi, giúp người lao động, sinh viên… đỡ phần chi phí ăn uống. Nhiều người nói mình bán từ thiện nhưng mà tui không có làm từ thiện, tui bán vì niềm vui” - ông Minh chia sẻ.

Ngày trước vì hoàn cảnh khó khăn mà ông bà Minh đã bắt đầu kiếm tiền với quán cháo này, ngày nay nhờ quán cháo mà ông bà lại giúp đỡ cho biết bao hoàn cảnh khó khăn khác. Hiện tại các con đã lớn, tự lo cho cuộc sống của bản thân được, còn ông bà thì chỉ cần niềm vui sống qua ngày vì tuổi cũng đã xế chiều. Mà niềm vui lớn nhất chính là được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Không phải ai cứ đến quán mua bao nhiêu là ông Minh sẽ bán bấy nhiêu. Chú kể có lần, nghe vợ chồng chú bán cháo rẻ vậy, có người đặt đến 500 phần để ủng hộ nhưng ông Minh nhất quyết không bán. Ông sợ nếu tập trung bán 500 phần đó thì lấy đâu ra thời gian bán cho những người lao động, xe ôm, bán vé số…

Mình bán chủ yếu cho người ta ăn no với giá rẻ là vui lắm rồi. Bán quen giờ mà nghỉ là buồn, nên cứ cố gắng bán khi nào không nổi nữa thì thôi.

Là hàng xóm của nhau gần 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Kiều Thanh cho biết: “Tôi vừa là lối xóm vừa là khách quen của chú Minh, cô Phượng. Nói thật chứ cháo ở đây ngon, rẻ, quá chất lượng. Xe đạp bây giờ đem giữ còn 5.000 đồng/chiếc, huống gì tô cháo vầy rẻ quá, ăn no luôn. Tôi ăn ở đây từ khi mở quán tới giờ, lúc bán 500 đồng rồi tới 1.000 đồng luôn á. Một tuần ăn hai, ba lần luôn, bữa nào ổng với bả không bán là thèm, nhớ liền”.

Không phân biệt đối tượng, ai giàu hay nghèo quán cũng bán. Cũng có những người hiếu kỳ đến ăn để cho biết cháo 1.000 đồng là như thế nào, cô chú cũng rất vui vẻ chào đón. Chia sẻ về kỷ niệm gắn bó với quán cháo, bà Phượng nói: “Bán cháo vậy chứ nhiều kỷ niệm lắm. Nhiều người có tiền đến ăn rồi nói sao mà rẻ quá rồi họ trả dư nhưng mình nhất định không lấy, chỉ lấy đủ tiền cháo rồi thôi. Mình bán chủ yếu cho người ta ăn no với giá rẻ là vui lắm rồi. Bán quen giờ mà nghỉ là buồn, nên cứ cố gắng bán khi nào không nổi nữa thì thôi…”.

“Về đây em”

Về đây em chính là tên của quán cháo 1.000 đồng. Cái tên đơn thuần chỉ là một tiếng kêu, tiếng gọi như chồng gọi vợ, anh gọi em, chị gọi em. Nhưng đối với ông, bà chủ quán, đó là tiếng gọi thân thương níu chân thực khách tìm đến quán.

Nguồn PLO

Facebook Youtube Top