Giỏ hàng

Chuyện nghĩa tình ở Cà Mau

Chuyện tự nguyện vá đường, xây nhà, góp tiền giúp đỡ người cơ nhỡ, khó khăn của những của người dân Đất Mũi cứ thế lan tỏa, tạo nên chân dung người Cà Mau nghĩa tình, hào sảng.

Từ người già…

Trong nhạc phẩm “Áo mới Cà Mau”, sau khi kể chuyện về vùng đất, con người ở địa phương cuối cùng của Tổ quốc, nhạc sĩ Thanh Sơn rút ra một kết luận: “Người Cà Mau dễ thương vô cùng”. Mà quả thật, về xứ sở này, ta có thể thấy chuyện nghĩa tình người dân dành cho nhau diễn ra như một lối hành xử tự nhiên, thấm trong máu, trong tim và luôn sẵn sàng bật lên khi cần thiết.

Tinh thần của Đội vá đường ấp Tấn Ngọc Đông được lan tỏa. Ảnh: UBND tỉnh cung cấp

Tinh thần của Đội vá đường ấp Tấn Ngọc Đông được lan tỏa. Ảnh: UBND tỉnh cung cấp

Nổi tiếng về chuyện vá đường có lẽ là ở xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi. Nòng cốt của đội vá đường là các thành viên hội cựu chiến binh của xã. Bất kể đoạn đường bị hư, sụp là đường công cộng hay ngang qua vuông tôm, đất đai của ai, khi hay tin, đội vá đường sẽ tập hợp lại, mang theo đồ nghề, vật liệu chia nhau xách nước, khiêng vật tư, trộn hồ, tráng bóng… để vá lành những đoạn đường. Điều khiến người ta cảm kích hơn cả là chính những hội viên của hội vá đường vốn là những người không dư dả gì, có người bán bánh kẹo dạo, người lột tôm thuê nhưng khi ấp có đoạn đường nào hỏng hoặc có việc cần giúp đỡ, mỗi thành viên đều không ngại đóng góp để công việc được hoàn thành.

Ông Liêu Văn Phát, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông cho biết, từ năm 2015, ấp thành lập hẳn Tổ xung phong vá đường gồm 12 thành viên của Chi hội Cựu chiến binh ấp. Ban đầu để có kinh phí hoạt động, mỗi hội viên tự nguyện trích 30.000 đồng từ khoản lương hưu để mua vật tư "vá đường", trước tinh thần sẵn sàng làm việc nghĩa của những cụ ông, cụ bà ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, người dân và con cháu trong ấp cũng góp công, góp sức cùng chung tay sửa chữa, xây dựng xóm làng khang trang, sạch sẽ hơn. Gần 7 năm qua, Tổ xung kích vá đường đã vá khoảng 120 đoạn lộ bong tróc, sụp lún, ước tính chi phí hơn 40 triệu đồng. Trong đó, hội viên đóng góp hơn 12 triệu đồng, số tiền còn lại do chi bộ vận động người dân, Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp hỗ trợ.

Năm 2021, tinh thần của đội được UBND tỉnh Cà Mau và huyện Đầm Dơi tuyên dương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân ghi nhận và nêu gương: “Chi hội Cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông đã làm được việc rất ý nghĩa. Đây là tấm gương đáng trân trọng, đáng biểu dương, xứng đáng là bộ đội cụ Hồ”. Dịp này, được nhận 3 triệu đồng tiền thưởng của UBND tỉnh, đội dành tiền mua máy phát cỏ, đảm nhận thêm nhiệm vụ phát dọn cỏ, chăm cho con đường đẹp, thông thoáng.

… đến em nhỏ

Từ năm 2021, Hội đồng Ðội huyện U Minh đã phát động phong trào “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, giúp đội viên nghèo vượt khó, học giỏi vững bước đến trường. Nguồn đóng góp để dựng nên những mái ấm yêu thương ấy là từ những giáo viên Tổng phụ trách Ðội và thiếu nhi ở các trường trên địa bàn. Chị Quách Cẩm Tú, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội huyện U Minh cho biết, từ năm 2012 đến nay, Hội đồng Đội huyện U Minh đã xây dựng được 17 căn nhà cho các bạn nhỏ, với mức 40 triệu đồng/căn, nguồn kinh phí này được xây dựng từ những đóng góp nho nhỏ của các giáo viên Tổng phụ trách Ðội, mỗi năm, tổng phụ trách đóng góp 50.000 đồng, thiếu nhi góp 8.000 đồng để hỗ trợ từ 1 - 2 căn nhà khăn quàng đỏ cho các đội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ðể có kinh phí giúp bạn xây nhà và hỗ trợ vật dụng sinh hoạt, các liên đội linh hoạt thực hiện nhiều mô hình tiết kiệm, như trích phần tiền ăn sáng, quà vặt, tiền bán sách, báo cũ, chai nhựa hay quỹ heo đất.

Có thể nói, phong trào lá lành đùm lá rách, san sẻ yêu thương của người dân Cà Mau không giới hạn ở tổ chức, hội đoàn nào. Không chỉ Hội Cựu chiến binh, Hội đồng đội mà Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đến những tiểu thương ở chợ đều tìm cho mình cách đóng góp phù hợp, hiệu quả khi muốn cho đi. Hội Nông dân huyện Phú Tân có phong trào “Mái ấm nông dân” từ sự đóng góp của hội viên, mỗi nông dân chỉ cần đóng góp từ 2.000 - 10.000 đồng/người/năm thành nguồn hỗ trợ xây nhà cho hội viên khó khăn nhất. Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận, cho biết: “xã có 1.380 hội viên, năm nay được giao chỉ tiêu vận động ít nhất 5 triệu đồng, tính ra mỗi hội viên đóng góp chưa tới 5.000 đồng là đủ nguồn để xây dựng 1 căn nhà cho hội viên nghèo”.

Còn ở huyện Trần Văn Thời, chị em phụ nữ nghĩ ra cách giúp đỡ nhau bằng nguồn ve chai, phế liệu. Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động phong trào góp quỹ, định kỳ hàng tháng, hàng quý, hội viên ở chi, tổ hội mang phế liệu tập hợp lại, phân loại bán. Số tiền bán được, mỗi hội viên trích đóng vào quỹ phụ nữ khởi nghiệp 3.000 đồng/năm, còn lại sử dụng cho sinh hoạt hội, các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ hội viên… Với cách tiết kiệm này, đến nay nguồn quỹ từ phế liệu được 235 triệu đồng, đã giúp 21 chị thực hiện mô hình khởi nghiệp như chăn nuôi, mua bán, nghề tóc, nghề may… Chị Huỳnh Hồng Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, với 21.000 hội viên tham gia, mỗi người chỉ đóng 3.000 đồng/năm, thì mỗi năm được hơn 60 triệu đồng để xoay vòng giúp chị em khó khăn làm vốn. Không chỉ vậy, huyện hội xây dựng Quỹ học bổng 20/10, với 2.000 đồng/năm, đã có 765 suất học bổng được trao đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

Không đợi giàu có mới cho đi, sự sẻ chia, tấm lòng thơm thảo của người dân đất Mũi càng thêm khẳng định: “người Cà Mau dễ thương vô cùng”.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân

Facebook Youtube Top