Cơ hội cho nông nghiệp vùng châu thổ Cửu Long
ĐBSCL có trên 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của vùng), đảm đương sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% cư dân của vùng.
Nông nghiệp vùng châu thổ này chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước; đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước… Tuy nhiên, nông nghiệp của vùng vẫn chỉ tăng trưởng theo chiều rộng, giá trị gia tăng không cao. Trong khi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng nghiêm trọng; hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước… đang đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp đồng bằng. Châu thổ Cửu Long đang cần chính sách và nguồn lực đủ mạnh để giải quyết các bất cập nội tại.
Vùng châu thổ Cửu Long chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, nhiều ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong, ngoài nước đều nhận định, khi quy hoạch được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, sự chung sức của doanh nghiệp, nhân dân đồng thuận sẽ tạo nên các cơ hội lớn để phát triển toàn diện vùng ĐBSCL, trong đó có ngành nông nghiệp.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, châu thổ Cửu Long là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng. Quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là phép cộng công thức đơn thuần. Quy hoạch có tính mở, linh hoạt để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng. Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.
Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đã đi vào hoạt động, tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hóa các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống.
Bộ NN&PTNT đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics NNNT, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền để hạn chế thất thoát, đảm bảo đầu ra cho nông sản. TS Đặng Kim Sơn (Chuyên gia nông nghiệp) khẳng định: “Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL với định hướng đa dạng cho sự phát triển nông nghiệp, vùng sẽ có sự phát triển mới. Việc phát triển nông nghiệp theo 3 vùng sinh thái, với tư duy phát triển thuận thiên, thích ứng với BĐKH; đồng thời quy hoạch hình thành 8 trung tâm đầu mối nông sản tại vùng cũng sẽ tạo ra các kết nối với trung tâm chế biến nông nghiệp, mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Trong tương lai đầy bất định thì sự phát triển của vùng châu thổ Cửu Long cần liên kết, gắn kết các thành phần kinh tế, các đối tác đầu tư trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức của đồng bằng”.
Hiện, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã có nền tảng chuyển đổi, tái cấu trúc ngành. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng. Có thể kể đến như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh vùng ven biển; mô hình du lịch sinh thái, du lịch NNNT của các địa phương vùng lõi cũng đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chỉ riêng mặt hàng tôm, mỗi năm doanh nghiệp tỉnh xuất khẩu đạt khoảng 1 tỉ USD. Cà Mau đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng nuôi đến thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng cường mời gọi nhà đầu tư tiềm lực để phát triển các mô hình kinh tế biển. Tỉnh Cà Mau cam kết tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong quá trình phát triển, vùng châu thổ Cửu Long vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế… Để phát huy giá trị nông sản, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng xây dựng chương trình hành động thúc đẩy phát triển NNNT bền vững cho vùng ĐBSCL.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ liên quan và địa phương cần chuẩn hóa quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hàm lượng giá trị của nông sản, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu nông sản. Doanh nghiệp và nông dân cần tuân thủ các quy định, quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu nhằm đạt giá trị cao hơn khi xuất khẩu nông sản. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng (giao thông vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực…