Giỏ hàng

'Con tôm ôm cây lúa': Mô hình sản xuất cho thu nhập cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu

Những năm qua, mô hình luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm đã chứng minh được tính hiệu quả và ngày càng chứng tỏ được sự phát triển bền vững. Bởi, mô hình không chỉ thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt mà giá trị từ việc làm lúa sạch, tôm sạch đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Cà Mau.

Phát huy tối đa tiềm năng

Gần 600 ha diện tích của xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã được trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC.

Gần 600 ha diện tích của xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã được trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC.

Xã Trí Lực, huyện Thới Bình là xã có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGAP trên địa bàn xã nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ðồng thời, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa - tôm trên địa bàn xã. Đến nay, trong tổng số 2.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản đã có khoảng 700ha sản xuất lúa - tôm theo hướng sinh thái, hữu cơ.

Qua hơn 3 năm thực hiện với nhiều nỗ lực của các bên liên quan, vừa qua, hơn 252 hộ dân với diện tích gần 600ha sản xuất tôm - lúa đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC Group.

Chủ tịch UBND Xã Trí Lực Nguyễn Văn Trung cho biết, thời gian qua, nông dân xã Trí Lực đã thay đổi tư duy sản xuất, mở ra vùng sản xuất bền vững và an toàn. Trong quá trình này, bà con nông dân đã có điều kiện học hỏi, trao đổi kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, các công ty, doanh nghiệp đã hỗ trợ đầu vào như: giống, vật tư nông nghiệp… và đảm bảo đầu ra tiêu thụ. Từ đó, bà con xã Trí Lực càng yên tâm hơn trong sản xuất và có động lực duy trì, nhân rộng mô hình lúa - tôm của địa phương.

Theo đó, lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững. Ðồng thời, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là ở những thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe như Châu Âu và Hoa Kỳ…

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình đánh giá, đây là mô hình sản xuất bền vững, không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm đươc nhiều thị trường khó tính ưu chuộng. Ngoài ra, người dân còn kết hợp nuôi cùng lúc với nhiều loài thủy sản khác như tôm càng xanh, cua, cá… để tăng thêm lợi nhuận trên cùng diện tích.

Từng bước nâng tầm sản phẩm

Với đặc tính ít hao hụt, tỷ lệ thành công cao, ít tốn chi phí đầu tư cho thức ăn, xử lý nước… nên người dân Cà Mau ưa chuộng chọn lựa con tôm để phát triển song song cùng với vụ lúa trong mùa nước ngọt.

Với đặc tính ít hao hụt, tỷ lệ thành công cao, ít tốn chi phí đầu tư cho thức ăn, xử lý nước… nên người dân Cà Mau ưa chuộng chọn lựa con tôm để phát triển song song cùng với vụ lúa trong mùa nước ngọt.

Mùa vụ năm 2022, 100% nông dân xã Trí Lực đều chọn giống lúa chất lượng cao như: ST24, ST25... để sản xuất theo quy chuẩn lúa sạch. Trong đó, vai trò của hai hợp tác xã là hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất lúa - tôm Trí Lực và Ðoàn Phát là rất lớn khi đứng ra tổ chức chuỗi liên kết sản xuất của địa phương. Trong đó, toàn bộ lúa gạo đều được bao tiêu theo hợp đồng bởi các đối tác lớn, giá cả đảm bảo và nông dân không còn băn khoăn với điệp khúc được mùa, mất giá như trước đây.

Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho biết, các loại giống lúa chủ yếu sử dụng trong mô hình lúa - tôm gồm ST24, ST25, OM2517, Một bụi đỏ… Qua thống kê (giai đoạn 2013-2021) thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa - tôm đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa từ 2 - 3 lần.

Với định hướng đúng đắn, sản phẩm gạo sạch, gạo sinh thái là Hoàng Yến và Từ Tâm của các hợp tác xã đều đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, những thương hiệu gạo này đã đứng chân vững chắc trên các kệ hàng ở thị trường nội địa. Dự định tiếp theo của các hợp tác xã là sớm nâng hạng OCOP cho sản phẩm của mình, đồng thời tính đến phương án đưa gạo sạch, gạo hữu cơ tiến ra thị trường quốc tế.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất lúa - tôm Trí Lực cho biết, thay vì phát triển tự phát như trước đây, mô hình kiên kết chuỗi sản xuất đã tạo dựng được niềm tin và trở thành xu hướng phát triển bền vững. “Việc được chứng nhận theo chuẩn châu Âu là điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân”, ông Lê Văn Mưa chia sẻ.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Cà Mau vẫn đang trong quá trình phát triển, chuỗi liên kết được khuyến khích vì đây là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Chuỗi liên kết mặc dù đã hình thành trong nhiều năm nhưng tính bền vững chưa cao nên cần tạo dựng một hình mẫu để nhân rộng trong thời gian tới, tránh phát triển ồ ạt, thiếu định hướng theo kiểu phong trào.

Vệc áp dụng mô hình luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm đã chứng minh được tính hiệu quả, sự phát triển bền vững.

Vệc áp dụng mô hình luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm đã chứng minh được tính hiệu quả, sự phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Hùng, thành viên Hội đồng Ban quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, thủy sản Ðoàn Phát, xã Trí Lực, huyện Thới Bình chia sẻ, các hợp tác xã cần chủ động và chọn lựa các đối tác liên kết chuỗi uy tín để phối hợp xây dựng chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, nông dân cần chủ động và quyết tâm thực hiện mô hình liên kết chuỗi đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật. Về phía doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ tích cực và thực hiện đầy đủ các điều kiện, cam kết trong hợp đồng liên kết để đảm bảo lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp...

Trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, ngành chức năng tỉnh đang xây dựng và mở rộng dần mô hình sản xuất lúa - tôm bền vững ở những khu vực đủ điều kiện. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được hơn 40.000ha diện tích lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, ASC.

Về vấn đề này, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nhận thấy được tầm quan trọng của mô hình sản xuất lúa - tôm trên địa bàn tỉnh, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã rất quyết tâm để phối hợp cùng với doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ xây dựng các dự án sản xuất lúa - tôm đạt chứng nhận. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng mô mình sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC đến xã Biển Bạch Đông và Trí Phải, huyện Thới Bình với diện tích 10.000 ha đạt chứng nhận này.

Theo TTXVN

Facebook Youtube Top