Công tác triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2021 đạt nhiều kết quả quan trọng
Năm 2021, Ban Chỉ đạo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.
Một tiết mục ca, múa tôn vinh bản Dạ cổ hoài lang của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Từ bản Dạ cổ hoài lang sau này phát triển thành bài vọng cổ đầu tiên (NC)
Năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Truyền thanh, Cổng Thông tin điện tử ...), tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt đoàn thể... Trong năm 2021, Cổng Thông tin điện tử, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hơn 100 tin, bài, hình ảnh tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Hướng dẫn, truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, thu hút được hơn 500 học viên. Hỗ trợ trang thiết bị cho các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử các huyện, thị xã, thành phố với kinh phí gần 140 triệu đồng.
Hoạt động của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng; đưa hoạt động Đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa ấp, gắn kết các hoạt động bảo tồn và phát triển phong trào Đờn ca tài tử với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có hơn 150 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với gần 2.000 thành viên. Đa số các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử duy trì sinh hoạt thường xuyên, tham gia các cuộc liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn do cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức.
Các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện hỗ trợ Nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng tổ chức các Hội thi, Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật quần chúng để các nghệ nhân không chuyên có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tạo sân chơi lành mạnh trong nhân dân.
Việc thực hiện tốt nhiều biện pháp khác nhau để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương trong tỉnh để phục vụ khách du lịch; qua đó thực hiện tốt công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Theo cổng TTĐT BL