Giỏ hàng

Covid-19 sáng 15/10: Lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em, nguyên nhân Hà Nội vẫn duy trì chốt kiểm soát

Bộ Y tế hướng dẫn lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em. Công an TP. Hà Nội lý giải nguyên nhân lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ra vào Thủ đô.

Hiện số bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị là 4.327 ca. (Nguồn: SK&ĐS)

Tiêm vaccine theo lộ trình cho trẻ

Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.

Văn bản đề cập việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Loại vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ em là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.

Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).

Các chốt ở Hà Nội sẽ linh hoạt

Dù Hà Nội đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới tuy nhiên để vào thủ đô, người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ đi lại trên đường, giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Nhiều người dân cho rằng về việc kiểm soát giấy đi đường ở thời điểm này là không cần thiết. Đặc biệt, với chiều ra khỏi Hà Nội, việc kiểm soát chỉ nên dừng ở điều kiện xét nghiệm PCR âm tính trong 72h và tiêm vaccine, còn người dân đi tới đâu thì theo quy định về kiểm soát dịch của địa phương đó.

Lý giải về vấn đề trên, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ra vào Thủ đô do chưa có chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, các chốt sẽ linh hoạt để tránh gây ùn tắc.

"Trong 1-2 ngày tới, nếu thành phố chưa có ý kiến thì chúng tôi sẽ tự đề xuất, còn hiện tại chúng tôi vẫn duy trì các chốt để tiếp đón, phục vụ ăn uống đối với bà con đi xe máy từ vùng dịch đi qua Hà Nội, bàn giao cho công an các tỉnh", Đại tá Phạm Ngọc Dương thông tin.

Ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch 

Theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 như sau:

Tiêu chí 1: Các ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/ thời gian

Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine

Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Bình thường mới của Đà Nẵng

Lãnh đạo Đà Nẵng dự kiến từ ngày 16/10 cho nhà hàng, quán ăn, cà phê được phục vụ khách tại chỗ nhưng không quá 50% công suất.

Đà Nẵng cũng mở lại phòng gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí... Người tham gia phải tuân thủ 5K và các biện pháp phòng, chống dịch.

Điều kiện kèm theo là tất cả cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải có thiết bị kiểm soát mã QR để quản lý thông tin người tham gia; có phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.

Hà Nội mở cửa trường ngoại thành?

Trong buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo thành phố ngày 14/10, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng Hà Nội nên tính đến chiến lược giáo dục và kế hoạch điều tiết lại đời sống tinh thần cho người dân để thích ứng tình hình mới, trong đó có việc xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng ý với đề nghị này. Song, ông Dũng cho rằng thành phố vẫn cần đánh giá, phân loại vùng để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại học tập trung.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 853.842 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.672 ca nhiễm). So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN

Facebook Youtube Top