Giỏ hàng

Cứu Bến xe Miền Đông mới thoát cảnh đìu hiu

Với khoảng 1.700 ôtô của 75 tuyến di dời từ Bến xe Miền Đông cũ, Bến xe Miền Đông mới sẽ hết cảnh đìu hiu. Tuy nhiên, bài toán về tính hiệu quả vẫn cần tiếp tục giải quyết.

Theo kế hoạch của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn-TNHH Một thành viên (SAMCO - chủ đầu tư Bến xe Miền Đông - BXMĐ mới), từ ngày 11-10, đơn vị này di dời tiếp 75 tuyến xe đang hoạt động tại BXMĐ hiện hữu, ngoại trừ xe có hành trình theo Quốc lộ 14, ra BXMĐ mới. 75 tuyến này tương đương 1.700 xe, thuộc 89 đơn vị vận tải, chiếm hơn 50% tổng số tuyến đang hoạt động ở BXMĐ hiện hữu.

Nhiều người dân ủng hộ kế hoạch nhưng cũng không ít người bày tỏ lo lắng vì bất tiện. Tương tự, các doanh nghiệp (DN) cũng chia sẻ hai trạng thái cảm xúc ấy.

Với việc di dời 75 tuyến tới đây, cơ quan chức năng hy vọng hành khách sẽ quen và tái hiện khung cảnh tấp nập như tại Bến xe Miền Đông cũ (ảnh). Ảnh: ANH VŨ

Với việc di dời 75 tuyến tới đây, cơ quan chức năng hy vọng hành khách sẽ quen và tái hiện khung cảnh tấp nập như tại Bến xe Miền Đông cũ (ảnh). Ảnh: ANH VŨ

Vắng hoe tại bến xe lớn nhất cả nước

Những ngày giữa tháng 9, có mặt tại BXMĐ mới, phóng viên ghi nhận cảnh đìu hiu như lâu nay. Sảnh ngồi chờ thưa thớt người, khu vực quầy bán vé rộng thênh thang, có màn hình sáng đèn mà chỉ một nhân viên túc trực.

Tại bãi đỗ xe, khoảng 20 ôtô nằm im lìm, hoạt động "sôi động" nhất lại là xe buýt khi thi thoảng có chuyến ra chuyến vào. Còn phía trước cổng, một số ít khách ngồi tư lự chờ những phương tiện lưu thông trên xa lộ Hà Nội, không vào bến.

Một tài xế xe buýt tuyến 76 cho biết những xe đậu trong bến thường chạy theo hợp đồng. Khách đi tuyến đường dài vẫn phải qua BXMĐ cũ hoặc họ được nhà xe điều phương tiện trung chuyển qua đón rồi đi ngay, hiếm khi thấy người vào BXMĐ mới mua vé.

Bến xe Miền Đông mới vắng lặng. Ảnh: ANH VŨ

Bến xe Miền Đông mới vắng lặng. Ảnh: ANH VŨ

Doanh nghiệp ủng hộ dù còn băn khoăn

Là DN có tuyến nằm trong kế hoạch di dời giai đoạn 2, ông Nguyễn Đăng Tấn Ái, Phó Giám đốc HTX Xe khách liên tỉnh và du lịch Miền Đông - khai thác tuyến đi Bình Định và Phú Yên, bày tỏ lo lắng vì hành khách ngại ra bến mới do tốn thêm chi phí di chuyển gần 20 km giữa 2 bến mới và cũ. Việc tốn tiền, phải đi nhiều chặng ảnh hưởng tới sự lựa chọn của hành khách, đồng thời là bài toán cho HTX.

"Đơn vị chúng tôi khai thác 40 tuyến xe đi các tỉnh miền Trung tại BXMĐ hiện hữu với 80 đầu xe chủ yếu là giường nằm. Trường hợp thành phố không hỗ trợ thì buộc lòng HTX trang bị thêm xe trung chuyển đưa hành khách di chuyển từ trung tâm ra bến xe mới" - ông Ái nêu khả năng. Theo ông Ái, chủ trương thành phố di dời bến xe cũ ra bến mới là phù hợp nên các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành. Song, để bến xe thu hút khách thì cần hơn nữa sự vào cuộc của các đơn vị quản lý như hỗ trợ xe trung chuyển, tổ chức các tuyến xe buýt chuyên chở hành khách và hàng hóa…

Còn đại diện HTX Sài Gòn - đơn vị có 3 tuyến di dời từ bến xe cũ ra bến xe mới giai đoạn 1, cho biết gần 2 năm hoạt động tại bến mới, nhà xe phải chống chọi trước khó khăn do dịch bệnh kéo dài, sau dịch khách vẫn thấp vì lý do ngại tốn chi phí di chuyển thêm 20 km. Sắp tới, HTX sẽ di dời tiếp các tuyến miền Trung trở vào và HTX Sài Gòn hy vọng thời gian di dời có thể kéo dài để sắp xếp phương án kinh doanh.

Một DN khác, Công ty TNHH Vận tải Hiền Phước - khai thác tuyến TP HCM - Hà Nội, cho hay đã thực hiện chủ trương đưa tuyến ra hoạt động tại BXMĐ mới từ tháng 10-2020. Hiện mỗi ngày công ty khai thác 20 chuyến xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội nhưng chỉ khai thác dưới 40% số chỗ trên xe. Để có khách, công ty phải mua thêm xe 16 chỗ trung chuyển khách nhưng vẫn phải giảm tài xế, dồn chuyến vì không khách.

"Tuân theo quy định di dời nhưng DN không thể cầm cự mãi. Để tránh lãng phí cho bến xe đầu tư ngàn tỉ cũng như giúp DN có thể sống lại sau dịch bệnh, chúng tôi mong muốn thành phố sớm hoàn thiện và khai thác tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, tăng cường mạng lưới xe buýt ra BXMĐ mới cũng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trên tuyến xa lộ Hà Nội" - đại diện công ty này đề xuất.

Người dân đón xe đường dài gần Bến xe Miền Đông mới

Người dân đón xe đường dài gần Bến xe Miền Đông mới

Các giải pháp để khai thác hiệu quả

Để khai thác hiệu quả BXMĐ mới, SAMCO đã kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị công bố tuyến đường vận tải hành khách liên tỉnh cố định hoạt động tại BXMĐ mới giai đoạn 2. Đồng thời, ban hành quy định xe vận chuyển hành khách vào nội đô thành phố như hình thức City tour, cấp tem nội đô xe trung chuyển, hạn chế xe 16 chỗ trở lên hoặc kích thước tương đương vào trung tâm thành phố; có giải pháp xử lý triệt để những điểm xe đón trả khách trong nội thành; các bãi đậu, giữ xe thực hiện đúng chức năng trông giữ xe theo quy định.

Riêng Sở GTVT cần xem xét tổ chức gom các đầu bến trong khu vực và điều chỉnh, mở mới các tuyến xe buýt kết nối vào BXMĐ mới. Đối với các tuyến xe buýt trung chuyển, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nên tổ chức khảo sát lại để bổ sung phương án tổ chức, bố trí phương tiện cho phù hợp với lưu lượng hành khách, nhất là đặc thù của hành khách liên tỉnh thường mang theo hàng hóa, hành lý đi lại giữa hai bến xe và hành khách từ các khu vực khác có nhu cầu về bến xe mới.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ, Sở GTVT TP HCM, cho hay để BXMĐ mới hoạt động hiệu quả, Sở GTVT đã tăng cường kết nối các tuyến xe buýt trung chuyển khách từ nội đô đến BXMĐ mới với khoảng 12 tuyến xe buýt. Hiện nay, có rất nhiều tuyến xe buýt đi ngang qua bến xe gồm xe số: 33, 76, 93, 150, 601, 602... và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

"Song song đó, Sở GTVT đề xuất các địa phương tổ chức lực lượng tuần tra xử lý tình trạng xe dù bến cóc hoạt động trên địa bàn bên cạnh lực lượng Thanh tra Sở GTVT. Ở đây cần nhấn mạnh, việc xử lý xe dù bến cóc nhất là các bến cóc núp bóng cây xăng cần phải có sự vào cuộc của địa phương bởi Thanh tra Sở không vào cây xăng kiểm tra được" - ông Hải nhấn mạnh.

BXMĐ mới chính thức hoạt động giai đoạn 1 từ ngày 10-10-2020 với 29 tuyến từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc. Thống kê của Sở GTVT cho thấy mỗi ngày chỉ khoảng 65 hành khách trên 9 chuyến xe đường dài xuất phát từ bến xe này, trung bình chỉ 7 khách/xe.

Không thể bàn lùi

Là hành khách thường xuyên đi xe đường dài, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quận 12, TP HCM), cho biết chị hay chọn những tuyến xe dạng hợp đồng, đón khách tận nhà với nhiều tiện ích không thua kém xe trong bến. Dù rằng theo chị Hiền, rõ ràng những tuyến xe này đang góp phần tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ách tắc giao thông nội đô và phá vỡ trật tự đô thị.

Nói về việc di dời, chị Hiền nêu quan điểm cần nhìn nhận thực tế BXMĐ cũ hiện đã chật hẹp, việc thu hút khách vào bến gây ách tắc giao thông và nguy cơ tai nạn những giờ cao điểm.

"Do đó, để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại thì không thể bàn lùi việc di dời bến xe mới mà cần làm sao cho hiệu quả. Theo tôi, không chỉ cần sự phối hợp nhiều giải pháp từ cơ quan chức năng mà cần sự thay đổi tư duy của hành khách, hãy bỏ tư duy "tiện một bước lên xe" - chị Hiền nói.

Xử lý mạnh xe dù, bến cóc

Nói cụ thể về giải pháp xử lý xe dù bến cóc, ông Đàm Phan Phát, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, cho biết kế hoạch xử lý xe dù bến cóc được đơn vị này ra quân thường xuyên. Việc xử lý tập trung trên các tuyến đường có điểm kinh doanh vận tải khách hợp đồng, khu vực Suối Tiên, tuyến Quốc lộ 1... riêng Quốc lộ 13 có 3 tổ xử lý cộng thêm camera giám sát xử phạt nguội.

Ngoài xử phạt trực tiếp, Thanh tra Sở còn trích xuất camera phạt nguội xe khách đậu đỗ sai quy định trên các tuyến đường quận 5, quanh Bến xe Miền Đông. Trong 9 tháng năm 2022, qua kiểm tra, đã phát hiện và lập biên bản 1.355 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt gần 2 tỉ đồng, trong đó, xử lý trực tiếp 377 trường hợp với số tiền là 760 triệu đồng; xử lý qua camera 978 trường hợp với số tiền 1,15 tỉ đồng.

Nguồn NLĐ

Facebook Youtube Top