Dân thấp thỏm đi qua những cầu treo có nguy cơ đổ sập ở Bạc Liêu
Những cây cầu treo ở Bạc Liêu xây dựng hàng chục năm, đến nay đã hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được duy tu, sửa chữa để bảo đảm ATGT.
Cầu treo xuống cấp nghiêm trọng
Hơn 10 năm đưa vào khai thác và sử dụng một số cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang cho thấy dấu hiệu xuống cấp. Mặt cầu và dây kẽm đã rỉ sét, trong khi lưu lượng người và phương tiện qua lại ngày một đông, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông (ATGT), khiến người tham gia giao thông bất an.
Nguy hiểm nhất là cầu treo Trà Kha (phường 8, TP Bạc Liêu) và cầu treo Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) - cả hai cây cầu treo này đều bắc qua kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau.
Cầu treo Vĩnh Mỹ A cho thấy có dấu hiệu xuống cấp, xuất hiện rỉ sét.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại hai cây cầu treo này có lưu lượng người và xe máy lưu thông qua lại rất đông, học sinh đi học nhiều. Tuy nhiên, lâu ngày chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời nên hiện nay hai cây cầu nói trên có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Tại cầu Trà Kha mặt đường nhỏ hẹp, nhưng hàng ngày phải gánh tải lớn, mặt cầu bị bong tróc lớp nhựa mỏng, xuất hiện khe hở nhỏ giữa hai tấm kim loại chống gỉ. Một số vị trí dây kẽm, bu lông, lan can cầu bị rỉ sét, mỗi khi xe máy qua lại đông cầu rung lắc, rất nguy hiểm.
Cầu Trà Kha do UBND thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Đoạn quản lý Đường bộ và Đường sông Bạc Liêu.
Trong khi đó, mặt cầu Vĩnh Mỹ A (nối ấp 15, xã Vĩnh Mỹ A với ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B của huyện Hòa Bình) còn hư hỏng nặng hơn. Phần lớn các dây kẽm cho thấy dấu hiệu rỉ sét, nhiều thanh sắt ngang tạo độ bám trên bề mặt cầu bị tuột mối hàn, cầu bị rung lắc mạnh, kêu lọc xọc mỗi khi có phương tiện chạy qua.
Tại các vị trí khác như: cáp chủ, thanh treo cáp, neo cáp bị rỉ sét, thanh sắt bó hai bên mặt cầu có chỗ bị thủng...
Mặt cầu Vĩnh Mỹ A bị hư hỏng nghiêm trọng, sắt bị rỉ sét rất nhiều.
Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ huyện Hòa Bình) chia sẻ: "Hàng ngày, tôi đều đưa con đi học qua cầu treo Vĩnh Mỹ A, mỗi khi qua cầu treo tôi luôn phập phồng lo lắng, vì nhiều phương tiện qua lại cùng lúc cầu vừa rung lắc mạnh, mặt cầu nhịp lên nhịp xuống, chao đảo rất nguy hiểm, phụ nữ tay lái yếu qua cầu lo lắng lắm".
Cùng chung cảnh ngộ với cầu treo Trà Kha và cầu treo Vĩnh Mỹ A, cầu treo khóm Kinh Tế (bắc qua kênh xáng 30/4) nối khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát với khóm 3, phường 2 của TP Bạc Liêu hiện cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Để có thể lưu thông qua lại hàng ngày trên mặt cầu, người dân địa phương phải lấy những tấm sắt hàn nối để "dặm" vá lại những chỗ bị hư hỏng.
Mặt cầu treo Trà Kha bong tróc, một số vị trí tiếp giáp bị lệch.
Chị Huỳnh Thúy Diễm (ngụ phường 2, TP Bạc Liêu) chia sẻ: "Cầu hư hỏng lắm rồi, nhiều người không dám chạy qua thì phải đi đường khác lòng vòng mất thời gian, nhất là phụ nữ mỗi khi có trời mưa mặt cầu trơn trượt không dám đi qua phải nhờ người chở giúp".
Sớm khắc phục, sửa chữa
Liên quan đến việc sửa chữa cầu treo Vĩnh Mỹ A, ông Trần Tuân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Bình cho biết, hiện tại, huyện đã lên thiết kế và đã có dự toán ngân sách, sau cuộc họp HĐND huyện tới đây sẽ xem xét thông qua nguồn vốn.
"Dự kiến sau khi có nguồn vốn, khoảng giữa cuối năm 2022, huyện sẽ triển khai khi thực hiện duy tu, sửa chữa cầu treo Vĩnh Mỹ A để bảo đảm cho bà con đi lại được an toàn", ông Tuân nói.
Được biết, vào năm 2014, Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu có lập đoàn kiểm tra và yêu cầu UBND các huyện, thành phố quản lý cầu treo, căn cứ vào những hư hỏng không đảm bảo ATGT, an toàn đối với từng cây cầu của địa phương để lập phương án sửa chữa. Nguồn kinh phí sẽ đề nghị từ Quỹ bảo trì đường bộ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu cho biết, cầu treo trên địa bàn toàn tỉnh giao cho các huyện, thành phố quản lý.
"Hàng năm, trước mùa mưa bão Ban ATGT tỉnh và Sở GTVT cũng đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị phải quan tâm, khảo sát, duy tu, bảo dưỡng, tăng cáp, bắt ốc vít lại… Thậm chí Đoạn quản lý đường bộ và đường sông hỗ trợ khảo sát, lập dự toán… Tuy nhiên, có địa phương cũng chưa thật sự quan tâm lắm", ông Dũng thông tin thêm.