Đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Ngày 15/3, tại Hậu Giang, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự án thành phần Cần Thơ – Cà Mau (đi qua Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 109,5km; tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Dự án gồm 2 dự án thành phần: đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 72,8km, vốn 17.485 tỷ đồng. Dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.
Về tiến độ thực hiện lập dự án, đến nay đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất, vật liệu và công tác thỏa thuận (hướng tuyến, cầu cống, đường gom…) với các tỉnh dự án đi qua.
Đã báo cáo đầu kỳ từ tháng 2/2022 và dự kiến báo cáo giữa kỳ trước ngày 26/3/2022. Các công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khung chính sách… đã hoàn thành thực hiện tham vấn cộng đồng, đạt tiến độ yêu cầu.
Công tác lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 1, đã hoàn thành tổng cộng 36,5km. Đã bàn giao hiện trường 9km từ Km28+00-Km37+00 thuộc tỉnh Hậu Giang.
Các đơn vị ký kết bàn giao hồ sơ. Ảnh: CK
Theo ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, dự án có vai trò rất quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ qua nhiều địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL.
Hậu Giang đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có cập nhật dự án này vào quy hoạch, đồng thời, đã thành lập ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.
Tỉnh đã giao Sở TN&MT cung cấp số liệu diện tích chuyển đất trồng lúa 2 vụ, đã gửi về Ban QLDA Mỹ Thuận. Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư để thực hiện công tác bồi thường, tái định cư. Giao các huyện có dự án đi qua phối hợp tối đa thực hiện tốt công tác GPMB…
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ GTVT bổ sung và cho ứng trước một phần kinh phí bồi thường tái định cư để địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận sớm bàn giao các cột mốc; lập văn phòng đại diện để tiện trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án, phân công cán bộ trực tiếp theo dõi sát dự án để phản ánh kịp thời khó khăn vướng mắc của các địa phương…
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CK
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho hay, với tính chất của dự án cao tốc Bắc – Nam, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu triển khai đảm bảo tiến độ đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.
Ông Lâm yêu cầu các công đoạn như hoàn thành hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lập, thẩm định, phê duyệt khu chính sách GPMB; ĐTM; lấy ý kiến cộng đồng… Tất cả phải xong trước ngày 30/6/2022 để phê duyệt dự án đầu tư.
“Tiến độ rất gấp, công việc rất nhiều, các địa phương và đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ chung…” – Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.