Điểm mới 5 luật vừa được Quốc hội thông qua
Quy định chặt chẽ về việc phổ biến quốc ca, bổ sung quyền hạn cho cảnh sát cơ động… là những quy định mới của các luật được Quốc hội thông qua.
Tại kỳ họp thứ ba vừa qua, Quốc hội đã thông qua năm dự án luật gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT); Luật Điện ảnh; Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) với nhiều quy định mới.
Bổ sung hai quyền hạn cho cảnh sát cơ động
Luật CSCĐ năm 2022 mới được ban hành thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, bổ sung hai quyền hạn của lực lượng CSCĐ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thứ nhất, CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ…
Từ ngày 1-1-2023 cảnh sát cơ động được bổ sung thêm hai quyền hạn trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng.
Không được ngăn chặn việc phổ biến quốc ca
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.
Cụ thể, Điều 7 về giới hạn quyền SHTT quy định tổ chức, cá nhân thực hiện quyền SHTT liên quan đến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca.
Điều 25 bổ sung trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền như: Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước…
Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2024.
Khắc phục tình trạng “cộng dồn thành tích”
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 15-6 có một số nội dung mới đáng chú ý về nguyên tắc khen thưởng như: Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.
Luật cũng bổ sung đối tượng xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản
Từ ngày 1-1-2028, doanh nghiệp (DN) bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong những điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Cụ thể, nếu như Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho phép DN bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản thì theo luật mới, DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị cấm đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp như mua cổ phiếu của DN kinh doanh bất động sản, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng…
Ngoài ra, luật mới cũng quy định DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài.
Luật Kinh doanh bảo hiểm chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2023; trừ khoản 3 Điều 86; khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95; khoản 3 và khoản 4 Điều 99; các điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2028.
Kết hợp tiền kiểm, hậu kiểm phim trên mạng
Luật Điện ảnh năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 15-6 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Một trong những điểm mới là quy định tại Điều 21 về quản lý phim trên mạng theo hướng kết hợp biện pháp tiền kiểm với hậu kiểm.
Trong đó, các biện pháp tiền kiểm bao gồm quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim…
Biện pháp hậu kiểm bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.