Giỏ hàng

Đưa đờn ca tài tử trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP. HCM

Thành phố Hồ Chí Minh đang có hai địa chỉ thực hiện việc kết hợp đờn ca tài tử với các hoạt động khác, nhằm đưa loại hình này trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng.

 
Biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng, phát triển ở nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Bộ dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau.

Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa, đồng thời là địa phương thu hút khách du lịch quốc tế nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy giá trị của đờn ca tài tử tại đây vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Khai thác giá trị văn hóa trong du lịch

Thực tế trong những năm qua, đờn ca tài tử chủ yếu xuất hiện ở các chương trình nghệ thuật quảng bá văn hóa, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội, tham gia liên hoan đờn ca tài tử... Bên cạnh đó, một số nhà hàng có khai thác loại hình nghệ thuật dân gian này nhưng mới chỉ dừng ở mức độ nhỏ lẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang có hai địa chỉ thực hiện việc kết hợp đờn ca tài tử với các hoạt động khác, nhằm đưa loại hình này trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Vào ngày Rằm hằng tháng, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (thành phố Thủ Đức) tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu… Qua hai lần thử nghiệm, số lượng khách tham dự đã tăng lên đáng kể. Sắp tới, Bảo tàng sẽ đưa đờn ca tài tử vào kết hợp các phiên chợ quê để tổ chức vào các dịp cuối tuần. Ngoài việc xem biểu diễn, khách còn có thể hát chung với các nghệ sỹ hoặc học hát đờn ca tài tử.

Tương tự, Khu Du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) cũng đưa đờn ca tài tử kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần. Hoạt động này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách khi đến tham quan tại đây.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, tại thành phố có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với tổng số 3.017 thành viên, trong đó có bốn nghệ nhân ưu tú, hai nghệ nhân nhân dân.

Vấn đề nhân lực là điều không thiếu để phát triển đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng việc tập hợp được những người có đủ năng lực, đam mê, nhiệt huyết để cùng phát triển lại khá nan giải. Với đa số các nghệ nhân, đờn ca tài tử chỉ là đam mê hoặc nghề tay trái.

Nghệ nhân Út Châu - người đang cộng tác với Bảo tàng Áo dài Việt Nam, cho biết do đờn ca tài tử không mang lại thu nhập, anh chỉ có thể tham gia biểu diễn vào buổi tối hoặc những khi có thời gian.

Theo nghệ nhân Út Châu, để xây dựng các mô hình đờn ca tài tử, cần giữ đúng giá trị của loại hình này trong việc đi kèm với việc thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh. Các địa phương vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh có không gian, bối cảnh khá phù hợp. Tuy nhiên, du lịch sông nước, vùng ven thành phố vẫn chưa phải là điểm đến thú vị nên không nằm trong danh sách ưu tiên của du khách khi tham quan. Ngoài ra, các địa điểm du lịch sinh thái cuối tuần quen thuộc của người dân thành phố tại huyện Củ Chi, Nhà Bè hay Cần Giờ đều có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch gắn với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử.

Đồng quan điểm, ông Trương Minh Hậu, Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh), cho rằng chất xúc tác cần có là làm thế nào để gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch. Trong đó, việc hiểu văn hóa của vùng đất, con người Nam Bộ thông qua đờn ca tài tử cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của du lịch thành phố cũng như vùng sông nước Nam Bộ.

Tạo thói quen nhận diện cho công chúng

Là người từng mang cải lương, đờn ca tài tử biểu diễn tại Trụ sở UNESCO ở Pháp, phục vụ kiều bào nước ngoài, Tiến sỹ Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng các không gian phù hợp với đờn ca tài tử có thể là những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Bên cạnh đó, cần tạo thói quen nhận diện cho công chúng, du khách về hoạt động đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đơn cử như tại trung tâm thành phố, khu đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), nên dành một không gian cho đờn ca tài tử để các câu lạc bộ hoạt động luân phiên, cũng là cách làm tăng sự nhận diện.

 
Tiết mục ''Tiếng đờn ca trên chợ nổi.'' (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngoài ra, thành phố có thể xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật, lấy đờn ca tài tử làm chất liệu chính để phục vụ ở các không gian trung tâm. Thực tế, một số chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội đã từng có những tiết mục đờn ca tài tử được dàn dựng rất công phu, hoành tráng, có thể là nguồn chất liệu tốt để tiếp tục khai thác.

Nhiều nhà nghiên cứu nêu ý kiến lo ngại cách làm này sẽ làm mất đi bản chất vốn có của đờn ca tài tử là sự dân dã, mộc mạc. Muốn có lợi nhuận từ đờn ca tài tử buộc các đơn vị phải đầu tư nhưng hiện tại không nhiều nơi mặn mà với loại hình này.

Như trường hợp tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Huỳnh Ngọc Vân cho biết không khó hiểu khi các đơn vị khai thác du lịch không dám mạnh tay do việc phát triển đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu chiến lược, thiếu sự liên kết khiến cho các hoạt động bị rời rạc. Để phát triển loại hình nghệ thuật này, cần xác định phát triển mô hình này với mục tiêu gìn giữ di sản chứ chưa thể nghĩ đến lợi nhuận. Nếu đơn vị tư nhân thực hiện cần kiên trì, bình tĩnh và phải thực sự có tâm huyết.

Ngoài công tác xây dựng, không gian, việc tuyên truyền, quảng bá cũng là vấn đề cần được coi trọng; để quảng bá, trước tiên phải có sản phẩm tốt. Về vấn đề này, Thạc sỹ Phạm Thái Bình, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển đờn ca tài tử cần có đơn vị đầu tư, có kế hoạch, huy động các nguồn lực nhưng hiện tại mọi thứ vẫn chỉ là mong muốn.

Theo Thạc sỹ Phạm Thái Bình, năm 2018, khi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử, trong đó có đề cập nội dung thử nghiệm, tìm tòi xây dựng những hình thức trình diễn mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-văn hóa và du lịch của thành phố.

Sau bốn năm, việc khai thác, phát huy giá trị của đờn ca tài tử trong du lịch vẫn chưa khả quan hơn một phần do ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Ngành Du lịch đang phục hồi và đã đến lúc cần có những hành động cụ thể để đờn ca tài tử thực sự “sống” giữa lòng đô thị./.

Theo TTXVN

Facebook Youtube Top