Giỏ hàng

Gỡ “nút thắt” trong thu hút đầu tư ở Cà Mau

Là 1 trong 4 tỉnh động lực của vùng Tây Nam Bộ, tỉnh Cà Mau được đánh giá là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để tạo nên bức phá nhanh và chắc, Cà Mau phải quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ những nút thắt đang là trở ngại đối với các nhà đầu tư…
 

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các công trình giao thông trọng điểm hứa hẹn tạo nên đột phá giúp tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.
 

Trò chuyện thân tình với những cán bộ chủ chốt tại địa phương vào sáng ngày 25/01/2022, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng và xúc động khi về thăm lại Cà Mau. Đồng chí khá ấn tượng với vùng rừng ngập mặn Ngọc Hiển, nơi gắn với tên tuổi của vị Anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Vùng đất ấy không chỉ in đậm văn hóa sông nước đặc thù miền Tây, mà còn là nơi thiêng liêng, khẳng định chủ quyền điểm địa đầu cực Nam trên đất liền dãy đất hình chữ S. 

* Tiềm năng nhiều nhưng ít người trụ lại

Tại khu vực Nam Bộ, tỉnh Cà Mau là nơi duy nhất có 3 mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km. Đây cũng là một trong bốn địa phương có ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm, với hơn 4.500 tàu cá. Vùng biển Cà Mau còn có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc). Trong đó cụm đảo Hòn Khoai nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp nước sâu quy mô lớn gắn với tuyến Hành lang ven biển phía Nam của tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Ngoài lợi thế về địa lý, vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về dầu khí; du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái ven biển và tiềm năng phát triển năng lượng sạch…

Trong đất liền, tỉnh Cà Mau có hai hệ sinh thái đan xen với miệt rừng ngập mặn đặc trưng phục vụ nuôi trồng thủy sản và miệt rừng tràm ngập ngọt gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ. Nhờ lợi thế ấy mà trong suốt một thời gian dài, tỉnh Cà Mau trở thành “vựa tôm” của cả nước, khi tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình hằng năm cán mốc hơn 1 tỷ USD; các sản phẩm lúa, cá, rau màu… không chỉ bảo đảm phục vụ tại địa phương và còn có dư để bán cho các vùng lân cận trong khu vực. Nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng trong nông nghiệp, thuỷ sản… mà sau 25 năm tái thành lập tỉnh, Cà Mau từ địa phương nghèo thuần nông đã có sự đổi thay đáng kể, trở thành 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh này đạt hơn 5.800 tỷ đồng, vượt 6,8% kế hoạch; hộ nghèo giảm còn dưới 3%; GRDP bình quân đầu người hơn 54 triệu đồng…

Để tạo nên đột phá với những cực tăng trưởng mới, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh, thời gian qua, tỉnh thưc hiện quyết liệt cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số nhằm hiện đại hoá hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử… phục vụ tốt nhất nhu cầu nhân dân và doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2021, Cà Mau có thêm 369 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và sớm hạn đạt hơn 99%... Nhờ đó, mà Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh Cà Mau đạt 87,92%, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả Chỉ số PCI năm 2021 của Cà Mau cũng nhờ đó cải thiện hơn, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 11 hạng) so với năm 2020, xếp thứ 7/13 (tăng 1 bậc) so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với thứ hạng PCI nêu trên đã giúp tỉnh Cà Mau nằm trong tốp điều hành khá trên bản đồ PCI cả nước. Kết quả năm 2021 cũng đánh dấu 6 năm liên tục, PCI của tỉnh chuyển biến tích cực về thứ hạng so với các tỉnh thành phố cả nước và 3 năm liên tục chuyển biến tích cực CPI về thứ hạng so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – Ông Thánh chia sẻ.

Tuy cải thiện tích cực về CPI và nhiều mặt khác nhưng xét trên bình diện chung, nội tại nền kinh tế Cà Mau vẫn còn bất ổn, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng và thiếu hấp dẫn trong thu hút, kêu gọi đầu tư. Điều đó thể hiện rõ trong thu ngân sách hằng năm của tỉnh với khu vực Công thương nghiệp - Dịch vụ ngoài quốc doanh, con số chỉ giao động khoảng 600 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương này. Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, trong hơn 100 đơn vị, nhà đầu tư tìm đến Cà Mau khảo sát, nguyện vọng hợp tác đầu tư kể từ đầu năm 2021 đến nay, số doanh nghiệp “trụ lại” chỉ đếm trên đầu ngón tay, số ít khác mới ở công đoạn đề xuất dự án và chưa biết khi nào sẽ triển khai thực hiện…?

Trong một trao đổi gần đây với phóng viên, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng thừa nhận: “Dù ngành chức năng và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt nhưng trong nhiều năm qua, giao thông yếu kém đã trở thành “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng khiến nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính…, dù rất tâm huyết nhưng sau khi tìm đến Cà Mau thì có rất ít đơn vị mở rộng hợp tác, đầu tư tại tỉnh”.

* Gỡ nút thắt ra sao

Là 1 trong 5 doanh nghiệp tốp đầu về lĩnh vực xây dựng tại Cà Mau, Giám đốc Cty TNHH xây dựng Quang Tiền Nguyễn Anh Minh, ví von Cà Mau là “viên ngọc sáng”, có thể xem như một “miền Tây thu nhỏ”. Hơn 20 năm xa quê lập nghiệp tại Cà Mau, ông Minh khá tường tận và biết rõ những tiềm năng to lớn và lợi thế của địa phương ven biển này. Ông cũng ấp ủ nhiều trăn trở để góp phần tạo nên đột phá mới cho vùng đất cuối trời phương Nam, cả việc hợp tác với doanh nghiệp lớn để làm cảng biển tại khu vực biển Tây Cà Mau, làm năng lượng sạch phục vụ sản xuất khí Hydro xanh xuất khẩu. Tuy nhiên, gần chục năm trôi qua, dự tính của ông Minh vẫn chưa thành hiện thực.
 

Mặt đường tuyến đường Hồ Chí Minh về Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau bị xuống cấp đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
 

Các dự án ven biển thường trong phạm vi cửa biển và rừng ven biển. Trong khi ở Cà Mau, tác động đến rừng là liên quan đến Khu Ramsa, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, trong khi việc chuyển đổi mục đích đất rừng là rất nhiêu khê. Đó là chưa nói đến hạ tầng giao thông, tuy có bước cải thiện hơn trước nhưng các tuyến quốc lộ huyết mạch về tỉnh quy mô còn nhỏ, chưa bảo đảm kết nối đồng bộ với các trung tâm kinh tế lớn - Ông Minh chia sẻ và cho biết, để mời gọi nhà đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Cà Mau cần có những điểm nhấn để thu hút và ít nhất phải tháo gỡ các điểm nghẽn ấy.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau vào đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ hai điểm nghẽn lớn nhất đối với Cà Mau là hạ tầng giao thông và quy hoạch. Đó cũng là lí do tập thể lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ủng hộ, quan tâm giúp Cà Mau tháo gỡ khó khăn. Nỗi cộm trong số đó là hai nhóm đề xuất về giao thông và năng lượng.

Trong lĩnh vực năng lượng, tỉnh Cà Mau đề xuất bổ sung hơn 20 dự án điện gió (ngoài khơi và gần bờ), với tổng công suất hơn 12.000MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Cùng với đó là bổ sung cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng vào quy hoạch (trong đó dự kiến sử dụng sản lượng điện công suất 260 MW từ lưới điện quốc gia cho Dự án Nhà máy sản xuất khí hydro xanh), làm cơ sở để Cà Mau quyết định bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch và thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định. 

Trong lĩnh vực giao thông, tỉnh Cà Mau mong sớm có chủ trương thực hiện sửa chữa, nâng cấp Sân bay Cà Mau để đưa vào khai thác, vận hành những chặng đường dài đến Hà Nội và một số tỉnh, thành trọng điểm nội địa trong năm 2022, cũng như xem xét cho chủ trương đầu tư nâng cấp Sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021-2025. Song hành đó là hỗ trợ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau để phát triển mạnh Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vào Khu Kinh tế Năm Căn; xem xét, bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Cà Mau cũng tha thiết được cập nhật và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (thuộc nhóm cảng biển số 5 trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021) vào trong quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng biển Hòn Khoai khả năng đón tàu tải trọng đến 250.000 tấn, nằm gần tuyến hàng hải quốc tế. Thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, có ý định đầu tư. Một khi được bổ sung thứ tự ưu tiên, tỉnh Cà Mau sẽ có đủ cơ sở để xúc tiến các thủ tục mời gọi nhà đầu tư chiến lược với cảng này, phục vụ xuất khẩu và trung chuyển hàng hoá xuyên quốc gia – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Huỳnh Quốc Việt, mong mõi.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2025) xác định, đó là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng về giao thông nhằm phát triển rõ nét các đô thị động lực ven biển tại địa phương. “Là nơi xa xôi nhất của cả nước, nếu không giải quyết tốt điểm nghẽn về giao thông, Cà Mau rất khó thu hút đầu tư để bứt phá, phát triển – Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, khẳng định.

Một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm mà Cà Mau cần thực hiện trong thời gian tới là đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; có giải pháp quản lý chặt chẽ quy hoạch đất đai để khai thác hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế -xã hội. Cùng với đó là xây dựng đề án phát triển vùng Đất Mũi-Cà Mau, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có cơ chế đặc thù để phát triển xứng tầm là vùng đất cực Nam thiêng liêng của tổ quốc. Với các kiến nghị, đề xuất của Cà Mau (đã đề cập ở trên-PV), Chủ tịch Quốc Hội đề nghị các Bộ, ngành có liên quan xem xét, giải quyết, trên tinh thần hỗ trợ tối đa, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội cho tỉnh Cà Mau trong thời gian tới – Trích Thông báo Số 713/TB-TTKQH (ngày 14/2/2022) của Tổng thư ký Quốc hội truyền đạt kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh Cà Mau.

Theo cổng TTĐT CM


Facebook Youtube Top