Giỏ hàng

Hành trình 25 năm bứt phá của vùng Đất Mũi

Ngày 1/1/2022, Cà Mau đánh dấu cột mốc quan trọng - tròn 25 năm tái lập tỉnh. Trải qua 1/4 thế kỷ, từ một tỉnh vùng cực Nam khó khăn về nhiều mặt, Cà Mau đã bứt phá vươn lên.

TP. Cà Mau - đô thị trung tâm cực Nam của đất nước đang đổi mới từng ngày

Vượt khó 

Nhớ lại năm đầu tái lập tỉnh, xuất phát điểm của Cà Mau rất thấp: tổng sản phẩm bình quân đầu người chỉ đạt 3,3 triệu đồng/năm (tương đương 300 USD khi đó); xuất khẩu 90 triệu USD. Đại hội Đảng bộ đầu tiên của tỉnh đã thống nhất chỉ tiêu giai đoạn 1997-2000, Cà Mau phải đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 9 đến 9,5%; phấn đấu đến năm 2000, thu nhập bình quân đầu người đạt 400 USD; xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD.

Giai đoạn này là điểm khởi đầu thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn. Tỉnh xác định, đây là mục tiêu chiến lược, phấn đấu đến năm 2000 hoàn thành đưa điện về 100% trung tâm các xã; 80% hộ dân thị xã, thị trấn và các cụm dân cư được sử dụng điện; phấn đấu đến năm 2000 có đường ô tô từ tỉnh đến các huyện, giảm hộ nghèo còn 15%.

Ông Mai Hữu Chinh, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết, 25 năm qua, Cà Mau có sự phát triển vượt bậc. Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trí tuệ của chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, đến nay, thu nhập của người dân đã đạt trên 54 triệu đồng/năm (2.277 USD), tăng gấp 7 lần; hộ nghèo từ 30% giảm còn 1,5%. Tỉnh được đánh giá từ tỉnh nghèo chuyển thành tỉnh phát triển trung bình khá. Thu nhập bình quân đầu người tăng 44% so với năm 1996 (4,9 triệu đồng); xuất khẩu tăng 63% so với năm 1997 (245 triệu USD).

Đến nay, tăng trưởng trung bình của TP. Cà Mau đạt 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng thương mại - dịch vụ bình quân đạt 17,04%/năm. Năm 2020 tăng gấp 3,73 lần so với năm 2010, chiếm 62,21% cơ cấu kinh tế Thành phố. Hạ tầng đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy trong tương lai. Diện mạo đô thị trung tâm ngày một khởi sắc, hướng đến trở thành đô thị loại I vào năm 2025.

Vươn lên tỉnh khá vào năm 2025

Ông Phạm Bạch Đằng, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau tâm sự: “Trải qua 25 năm, với trách nhiệm, tâm huyết, tình cảm của mình, tôi rất tâm đắc với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân lực và thế hệ tiếp nối. Thành công của Đại hội XVI nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua là một điểm nhấn quan trọng để đưa Cà Mau tiếp tục gặt hái nhiều thành công, khẳng định các định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ kế thừa và nguồn nhân lực được tỉnh thực hiện bài bản, có chiều sâu và mang tính đột phá chiến lược, tạo đà thúc đẩy phát triển mạnh mẽ”.

Từ một tỉnh thuần nông, trình độ sản xuất, năng suất, hiệu quả chưa cao, Cà Mau đã lột xác trở thành tỉnh trọng điểm về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu vực và cả nước. Vị thế ấy đã duy trì đến tận hôm nay, thật sự là chuyển đổi lớn của tỉnh trong tư duy phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế, thích ứng hiệu quả bền vững trong tình hình mới.

Dấu ấn của tiến trình 25 năm xây dựng và phát triển vùng đất Cà Mau còn là điểm nhấn của các công trình trọng điểm mang tính chiến lược tầm cỡ quốc gia như Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm; cầu Đầm Cùng; cầu Năm Căn; đường Quản lộ Phụng Hiệp, đường hành lang ven biển phía Nam; đường Hồ Chí Minh; các công trình điện gió, tạo động lực và sức bật mới cho tăng trưởng.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, năm 2022 và những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 bình quân tăng 6,5 - 7%/năm; thu nhập đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới) hàng năm giảm 0,5%... Cà Mau phấn đấu là tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025.

Năm 2021, năm đầu tiên Cà Mau bắt tay thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, nhưng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Song, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Cà Mau một lần nữa duy trì mức tăng trưởng dương, trong khi nhiều địa phương trong khu vực và cả nước tăng trưởng âm. Đây là tín hiệu tích cực cho chiến lược phục hồi kinh tế của tỉnh thời gian tới.

Phát huy thành tích 25 năm xây dựng và phát triển, cùng với truyền thống đoàn kết, thống nhất trong bộ máy chính quyền và người dân, doanh nghiệp, sẽ là động lực để vùng Đất Mũi tạo nên kỳ tích mới.

Nguồn Đầu Tư

Facebook Youtube Top