Giỏ hàng

HĐND TPHCM thông qua 10 Nghị quyết quan trọng, cấp thiết

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TPHCM đã thông qua 10 Nghị quyết quan trọng, cấp thiết liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thành phố.

Các đại biểu HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 11-10, HĐND TPHCM khai mạc kỳ họ thứ 7 (kỳ họp chuyên đề). Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM dự kỳ họp. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua 10 tờ trình liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, giáo dục – đào tạo trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, HĐND TPHCM đã thống nhất thông qua tờ trình xem xét mức học phí với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn.

Việc thu học phí được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 bao gồm học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận nội thành. Nhóm 2 bao gồm học sinh học tại các trường ở các huyện ngoại thành.

Bảng so sánh học phí năm học 2021-2022 và 2022-2023. Ảnh chụp màn hình.

Bảng so sánh học phí năm học 2021-2022 và 2022-2023. Ảnh chụp màn hình.

Trong đó, học phí bậc THCS tăng cao nhất với mức từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 240.000 đồng/học sinh/tháng) so với năm học 2021-2022. Các cấp học khác như Mầm non, THPT cũng có mức tăng 70.000 - 180.000 đồng/học sinh/tháng.

Riêng cấp Tiểu học (không thu), mức học phí không phải là mức thu thực tế cho phép thu mà chỉ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

HĐND TPHCM cũng đã thông qua tờ trình Điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, điều chỉnh tăng hơn 14,3 tỷ đồng cho dự án khu tưởng niệm liệt sỹ Ngã Ba Giồng huyện Hóc Môn. Bố trí vốn cho các dự án đầu tư công khẩn cấp hơn 308 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án văn hóa mang ý nghĩa lịch sử đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư gồm dự án sửa chữa tùng tru di tích Đình Tân Túc với số vốn cần bổ sung 41 tỷ, dự án sửa chữa trùng tu di tích Đình Phú Lạc hơn 26 tỷ đồng…

Các đại biểu biểu quyết thông qua 10 Nghị quyết quan trọng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu biểu quyết thông qua 10 Nghị quyết quan trọng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tiếp tục dự phòng số vốn hơn 5.700 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng từ bội chi ngân sách là 2.318 tỷ và nguồn vốn ngân sách Thành phố là hơn 3.400 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua việc sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa thu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù với số vốn hơn 1.633 tỷ đồng để bổ sung vào mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố.

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM cũng đã thông qua các tờ trình của UBND TP: Chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM năm học 2022-2023; Chủ trương sử dụng nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Hóc Môn; Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên ngân sách TPHCM năm 2022; Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân; Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023; Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ; Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Cá Cháy, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương của TPHCM.

Nguồn SGGP

Facebook Youtube Top