Khai mạc Ngày hội “Cua Cà Mau – Điểm hẹn văn hóa ẩm thực”
Tối 23/12, tại Quảng trường phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Ngày hội Cua Cà Mau - lần thứ I năm 2022 đã chính thức được khai mạc với chủ đề "Cua Cà Mau - Điểm hẹn văn hóa ẩm thực" với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu và đông đảo người dân trong tỉnh.
Đây là năm đầu tiên Ngày hội cua Cà Mau quy mô cấp tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn kéo dài từ ngày 23 - 31/12.
Đây là năm đầu tiên ngày hội quy mô cấp tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn kéo dài từ ngày 23 - 31/12. Theo dự kiến của Ban tổ chức, sự kiện sẽ thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến Cà Mau - vùng đất cực Nam của Tổ quốc để du lịch, trải nghiệm, tham gia sự kiện.
Cà Mau là nơi thiên nhiên đã ban tặng nhiều món quà vô giá. Đó là cảnh quan rừng, biển trù phú, hài hòa với vô số đặc sản làm say lòng du khách. Trong đó, chắc chắn phải kể đến loài thủy sản đã vinh dự được lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, đó là cua biển Cà Mau.
Dự kiến sự kiện sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến Cà Mau - vùng đất cực Nam của Tổ quốc để du lịch, trải nghiệm và tham gia sự kiện.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, với diện tích nuôi xen canh trên 250.000 ha, Cà Mau còn là nơi có sản lượng nhiều nhất cả nước. Tổng giá trị sản lượng cua bình quân mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Do đó, cua được xác định là ngành hàng chủ lực của tỉnh, vị thế con cua chỉ đứng sau con tôm.
“Ngày hội được tổ chức là dịp để tỉnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau và các loại đặc sản của địa phương; là cơ hội để du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn thiên nhiên, trải nghiệm hương vị đặc sắc của Cà Mau. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực với Cà Mau”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cua Cà Mau cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau.
Tại buổi Lễ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cua Cà Mau cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau.
Vinh danh những nhà tài trợ
Ngay sau Lễ khai mạc sẽ các sự kiện được tổ chức, như: Hội chợ thương mại tổng hợp, trưng bày sản phẩm OCOP; hội thao và trò chơi dân gian; lễ hội đường phố...
Trong hai ngày 22 và 23.12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức Đoàn khảo sát dành cho cơ quan báo chí và doanh nghiệp lữ hành nhằm giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch địa phương kết nối, định hướng xây dựng và khai thác các tour, tuyến du lịch hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt là các du lịch cộng đồng. Khách sẽ được trải nghiệm tuyến du lịch xuyên rừng và tham gia các hoạt động lội rừng đặt cá thòi lòi, bắt vọp, mò sò huyết, bắt ốc len, tìm hiểu hệ sinh thái rừng mắm; mò nghêu; giăng lưới, bắt ba khía, đặt lợp cua, đờn ca tài tử, tối về cùng nông dân đi xổ vuông tôm, soi ba khía, chém cá và thưởng thức đặc sản của vùng cực Nam Tổ quốc.
Đặc biệt, điểm nhấn của ngày hội là các hoạt động đua tốc độ cua, trói cua trình diễn, thời gian thi đấu từ ngày 24 - 26/12; cuộc thi ẩm thực vua đầu bếp cua, xác lập kỷ lục 69 món ăn chế biến từ cua Cà Mau, cuộc thi cua Cà Mau lớn nhất và kết hợp nhận bằng kỷ lục châu Á “Lẩu mắm U Minh”.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo trao đổi, thảo luận các vấn đề như: “Giải pháp kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch Cà Mau”; “đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ địa phương”; “giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau”…
PV