Giỏ hàng

Khẩn cấp ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ

Tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh qua máy đo để phát hiện kịp thời các triệu chứng nghi ngờ.

Ngày 22-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức cuộc họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ để đánh giá tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC). Trong khi đó, căn bệnh này cũng vừa ghi nhận tại Singapore và Hàn Quốc.

Điều tra các ca có tiếp xúc gần để theo dõi

WHO cho biết tính đến ngày 17-6 đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 42 quốc gia ở 5 khu vực do WHO quản lý. Đặc biệt, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận một ca mắc đậu mùa khỉ là người nhập cảnh, mang quốc tịch Anh. Bệnh nhân 42 tuổi, làm tiếp viên hàng không. Tình trạng này buộc các quốc gia khẩn cấp có phương án ứng phó và kịp thời ngăn chặn, không để bùng phát dịch.

Bên cạnh những giải pháp do Bộ Y tế đưa ra, Sở Y tế TP HCM cũng vừa có công văn hướng dẫn tạm thời giám sát phòng chống bệnh trên địa bàn gửi đến các cơ sở y tế. Theo đó, bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện các triệu chứng như phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu gồm sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược. Ngoài ra, còn có những yếu tố dịch tễ mà người bệnh và nhân viên y tế đặc biệt lưu ý gồm: có tiền sử từng tiếp xúc vật lý với người bệnh thông qua da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), tiếp xúc vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh trong vòng 21 ngày. Ngoài ra, du khách đến các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, cũng được xem là nguy cơ có thể mắc bệnh.

Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh, song để chủ động ngăn chặn nguy cơ bệnh xâm nhập, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các cửa khẩu trên địa bàn tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng nghi ngờ. Đối với trường hợp chưa đủ yếu tố xác định là "trường hợp có thể" mà chỉ là "trường hợp nghi ngờ" mắc bệnh, bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế sẽ hướng dẫn đối tượng tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong thời gian theo dõi, nếu có dấu hiệu nặng, người bệnh cần đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để khám và theo dõi kịp thời. Đối với trường hợp đủ yếu tố xác định là "trường hợp có thể" mắc bệnh, bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế sẽ hướng dẫn đối tượng tuân thủ đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, tư vấn người bệnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để khám bệnh, theo dõi. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải cách ly y tế, điều trị tại bệnh viện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM sẽ điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần để lập danh sách, theo dõi, giám sát theo quy định.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.

Tiêm vắc-xin đậu mùa - ngừa được cả đậu mùa khỉ - cho người có nguy cơ ở Canada Ảnh: REUTERS

Tiêm vắc-xin đậu mùa - ngừa được cả đậu mùa khỉ - cho người có nguy cơ ở Canada Ảnh: REUTERS

Thực hiện nghiêm hoạt động kiểm dịch y tế

Trong thời gian gần đây, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi tiếp tục được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới như: bệnh bại liệt (chủng hoang dại) tại khu vực châu Phi và Địa Trung Hải, cúm gia cầm tại khu vực châu Âu, bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại 33 nước.

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa… Riêng việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế; thu giá kiểm dịch y tế theo mức thu được quy định. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu. Trong đó, cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế. Cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống phối hợp ngay tại cửa khẩu.

Nguy cơ bệnh ở cấp độ toàn cầu là "vừa phải"

Theo WHO, thống kê số ca đậu mùa khỉ chỉ là tương đối bởi thực tế rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa thể xét nghiệm khẳng định căn bệnh này và thống kê của WHO chưa bao gồm các trường hợp nghi nhiễm. Ở châu Phi chỉ có 64 ca được xét nghiệm khẳng định, trong khi báo cáo từ vài tuần trước ở khu vực này đã có hơn 1.500 ca nghi nhiễm. "Hiện rủi ro sức khỏe cộng đồng ở cấp độ toàn cầu được đánh giá là vừa phải vì đây là lần đầu tiên các ca và chùm ca đậu mùa khỉ được báo cáo đồng thời ở nhiều quốc gia, tại các khu vực địa lý khác nhau của WHO, cân bằng với thực tế là tỉ lệ tử vong vẫn ở mức thấp so với sự bùng phát" - WHO cho biết.

Từ khi WHO ban hành báo cáo tổng thể, con số thống kê riêng ở nhiều quốc gia tiếp tục tăng, Pháp từ 125 ca đã lên 277 vào hôm 21-6, theo Medical Xpress. Hiện khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) có 7 ca đã khẳng định và 1 ca nghi nhiễm từ Úc, 1 ca khẳng định từ Singapore và 2 ca nghi nhiễm từ Hàn Quốc.

Nguồn NLĐ

Facebook Youtube Top