Giỏ hàng

Ký ức những dòng sông

Nguyễn Chiến gọi khi tôi đang từ Sân bay Nội Bài vào trung tâm Hà Nội. Anh bảo tôi Tết này viết bài gửi cho tờ báo mà anh đang phụ trách, lại còn gợi cho mấy ý chính để bài viết phù hợp chủ đề báo Cà Mau xuân Nhâm Dần 2022 - chủ đề sông nước.

Cuộc đàm thoại của hai người bạn học phổ thông từ lúc xe tôi sắp lên cầu Nhật Tân đến khi qua khỏi đường Thanh Niên chạy xuyên giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Sao có duyên vậy Chiến! Tôi dõi nhìn và tạm biệt dòng Hậu Giang trước đó vài tiếng; chào đồng bằng châu thổ Sông Hồng cách đây ít phút; suốt chặng bay Cần Thơ - Nội Bài đã dán mắt vào Tạp chí Heritage của Vietnam Airlines số tháng 11/2021, đọc bài viết ngắn về những dòng sông đất Việt.

Đọc về những dòng sông, biết rằng đất nước ta có đến hơn 2.300 con sông lớn, dài trên 10 km, cùng hàng vạn con sông nhỏ khác. Giao thông thuỷ từng giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông và kết nối các miền đất với nhau.

Mãi mang ơn bùn đất ao làng...

Thơ bé của tôi, một làng quê cực Nam đồng bằng Sông Hồng. Trong khi Ninh Bình là đất Cố đô với hàng ngàn năm lịch sử thì Kim Sơn quê tôi lại là một vùng đất trẻ. Kim Sơn “trẻ” hơn cả Cà Mau, Bạc Liêu, bởi chỉ mới 200 năm trước thôi, đất ấy còn là vùng bãi bồi mênh mông, hoang sơ nơi hạ lưu châu thổ Sông Hồng.

Tôi biết bơi nhờ ao làng, biết trò tắm sông vô cùng thú vị như một đặc ân bù đắp thiệt thòi cho lũ trẻ khắp các vùng quê đất Việt, thứ mà trang lứa chốn thị thành không được hưởng - là nhờ dòng sông Ân quê tôi.

Ân Giang - con sông sâu nặng ân tình, được hình thành khi Cụ cao tổ 7 đời của tôi cùng những vị chiêu mộ, phó chiêu mộ, nguyên mộ, phó nguyên mộ… theo Cụ Doanh, điền sứ Nguyễn Công Trứ tiến hành cuộc “khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo”, lập nên huyện Kim Sơn trù phú. Dòng sông ấy đã tượng hình và là chứng nhân cuộc khai hoang lập ấp của tiền nhân; dòng sông tuổi thơ tôi với những trưa hè bơi lội thoả thích cùng chúng bạn, những chiều đông khói sương mờ mịt trong cái rét co ro.

Xa quê, tôi theo cha mẹ đến vùng quê mới nơi cuối đất lúc vừa qua tuổi lên mười. Con đường từng in dấu bước tiền nhân, “Từ bên này Sông Tiền/Qua bên kia Sông Hậu”. Nhâm Dần 2022 này đã gần trọn nửa thế kỷ xa quê.

Đặt chân đến đất Chín Rồng, ấn tượng đầu tiên là hai con phà nối đôi bờ Sông Tiền, Sông Hậu rộng mênh mông với những giề lục bình trôi lờ lững... Mẹ tôi ẵm thằng em út của tôi lên ba tuổi, từ TP Hồ Chí Minh theo xe đò về Bạc Liêu, Minh Hải; lạ lẫm, bỡ ngỡ giữa một “rừng” toàn xe là xe, không biết chiếc xe nào đã chở mình từ sáng đến giờ. May có người khách đi chung, thấy cảnh tình mẹ tôi hớt hơ hớt hải nói rằng: “Chị đi theo tôi. Tôi đi cùng xe với chị”. Tình người, tình đất phương Nam nhen ngọn lửa ấm áp trong tâm thằng nhỏ xứ Bắc ngay từ những ngày tháng ấy.

Khoảng chục năm sau, trong một chuyến công tác, trên xe đò về lại Cà Mau, chú thanh niên lơ ngơ láo ngáo là cái thằng tôi, bên bờ bắc Sông Tiền đã cảm thán, vò đầu bứt tóc mà rằng: “Bắc Mỹ Thuận, xe anh đến chậm/Chuyến phà chiều lặng lẽ tách bờ/ Chở niềm vui cuối năm đi mất/Để lại bên này, anh đứng ngẩn ngơ/Để lại bên này, mình anh, và bến/Dịu dàng ơi, sao em chợt đến/ Rồi nhè nhẹ đi, lặng lẽ như phà…

Ở quê hương thứ hai, tôi cảm nhận nhiều lắm những phóng khoáng, nhân hậu, chơn chất của tình đất, tình người miền phù sa châu thổ đất này. Nếu bạn đọc nào hỏi tại sao gọi đồng bằng này là đất Chín Rồng, tôi - dù không chôn nhau cắt rốn xứ này, vẫn ráng “trả bài” như một cách trả nghĩa miền đất cưu mang, đùm bọc, che chắn gia đình, cha mẹ tôi, anh em tôi gần nửa thế kỷ qua; cách mang ơn của một thằng nhỏ xứ Bắc, lớn lên nhờ cọng rau, hạt gạo và nguồn nước xứ này; biết đến những rung động đầu đời là khi heo may về và trời Bạc Liêu trở chướng.

“Về đây, Đất Mũi Cà Mau, gặp cò”

“Đã từng phiêu dạt theo nhau/Về đây, Đất Mũi Cà Mau, gặp cò” - (ca dao).

Nguyễn Chiến tinh tế, và có phần “dụ khị” khi a-lô trò chuyện đã ráng “ghép” tôi vào câu chuyện Cà Mau sông nước của anh. Chiến bảo: Nói gì nói, cũng phải nhớ rằng miệt sông nước Cà Mau cũng là quê vợ của mày nữa đó!

Bạn à, gia đình ông nội vợ tôi từ miệt Vĩnh Long về sống xứ Cà Mau từ hồi “đàng cựu”; ba vợ tôi rời xứ Đầm Dơi cùng đồng đội đi tập kết từ một cửa sông; tôi gặp bà xã lần đầu tiên trên sông Ông Đốc, bằng chuyến tàu đò đưa những học sinh cấp 3 từ Rạch Ráng, Trần Văn Thời đi hòn Đá Bạc trong khuôn khổ Đại hội học sinh xã hội chủ nghĩa do Tỉnh đoàn Minh Hải tổ chức, hè 1986…

Ủa mà quê vợ tôi, cũng là quê của Nguyễn Chiến nữa mà! Chiến còn nhớ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Minh Hải hè 1984 không? Con tàu đò đưa đại biểu thiếu nhi từ Cà Mau đi “trại bay” đến với U Minh; trên boong tàu, đội trống thiếu nhi chúng ta hoà nhịp những bài trống “Chào mừng”, “Hành tiến” rộn ràng, cho những chùm âm ba lan dài mặt nước con sông Cái Tàu; con tàu đò thì càng lúc càng đi sâu vào rừng tràm U Minh Hạ… Và, chắc hẳn Chiến vẫn còn nhớ, hình ảnh anh Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, ngày ấy là cán bộ Hội đồng Đội, ngày ba bữa chống xuồng đưa chúng ta qua bên kia sông ăn cơm đại hội!

Ngày ấy ở rừng tràm (năm 1984), thấy những chỗ nước sông màu đen, nào có biết tên gọi “Cà Mau” lại có nguồn cơn từ cách mà bà con Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau” - “nước đen”. Nước đen là màu nước đặc trưng, do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống.

Ở xứ “nước đen” - phần đất đai của Tổ quốc được khai mở sau cùng ấy, do được bồi đắp một cách tự nhiên, mặt đất không bằng chang chỗ nào cũng giống chỗ nào, mà chỗ cao chỗ thấp. Nước xói mòn các chỗ thấp lâu ngày thành sông, thành khem; thành những con rạch, mương, xẻo, lung… với vô vàn lối đi cho xuồng, cho ghe chằng chịt. Nước từ những sông, khem, rạch, mương, xẻo ấy hợp cùng nước mưa, dâng lên chầm chậm, bò từ từ qua bãi bồi, lan khắp ruộng đồng.

Vào sâu trong những xóm ấp, ngủ một đêm, sáng ra thức dậy đã thấy trên những đoạn thân dừa, thân đước được ghép lại làm bến nước phủ lên một lớp bùn non tươi mới.

Còn ở ngoài mé biển, hàng năm, chỉ bằng mắt thường thôi, nhìn hàng bần mới mọc cũng ước lượng được chiều dài mà đất đai của Tổ quốc rì rầm lấn dần ra khơi, nơi 40 thước, nơi 60 thước, có nơi cả 80 thước... Cho nên, từng có những ví von rằng địa hình xứ này hao hao giống một bàn chân, cứ thò lần ra mà khuấy nước biển. Nhà văn Nguyễn Tuân trong một lần về với Mũi Cà Mau đã viết: “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”.

Ở cái miệt “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” ấy, người dân hịch hạc, thiệt bụng, chơn chất, đặt tên cho sông, cho kênh, cho rạch bằng tiếng nôm, dễ hiểu: sông Bảy Háp, sông Gành Hào, sông Trèm Trẹm, sông Ông Đốc, sông Cửa Lớn, sông Cái Tàu, sông Đầm Dơi, sông Đầm Chim, sông Đồng Cùng…

Kênh Đội Cường, kênh Bà Kẹo, kênh Biện Nhị, kênh Chắc Băng, kênh Lộ Xe, kênh Cái Cùng, kênh Chợ Hội…

Rạch Bần, Rạch Lá, Rạch Cuôi, rạch Chà Là, rạch Bù Mắt, rạch Hàng Lớn, rạch Hàng Nhỏ, rạch Cái Nhum…

Rồi còn là Xẻo Dừng, Xẻo Me, Xẻo Nhào, Xẻo Đước, Xẻo Lá…

Những tên sông, tên kênh, tên rạch, tên xẻo; tên bến nước, cửa sông đã thành hoài niệm, ký ức tuổi thơ, mà cũng không hẳn chỉ là tuổi thơ; của biết bao thế hệ sinh ra, lớn lên ở xứ sở này, và cũng không chỉ ở xứ này… Tôi tin, đó còn là biểu tượng tinh thần trong thẳm sâu tâm thức những người Cà Mau xa xứ.

“Quê tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà…”

 

Sông quê. Ảnh: QUANG MINH

Đất nước mình thon thả giọt đàn bầu và trải dài theo trục Bắc - Nam. Trên dải đất cong cong chữ S duyên dáng soi mình bên biển Đông ngày đêm sóng vỗ ấy, “độc nhất vô nhị” có một con sông khởi nguồn từ biển cả và lại cũng chảy về biển cả! Đó là sông Cửa Lớn, sông Tam Giang, sông Năm Căn - cái tên được đặt tuỳ địa danh mỗi đoạn mà nó chảy qua. Đây là con sông lớn nhất, dài nhất, sâu nhất và có dòng chảy mạnh nhất trong số những con sông xứ Cà Mau này. Người viết bài này từng không dưới chục lần khuyến nghị bạn bè, đồng nghiệp nơi khác, nhất là từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nếu đến với Mũi Cà Mau, hãy chịu khó ngồi ô-tô tới thị trấn Năm Căn rồi dừng. Từ đây, ráng thu xếp ngồi ca nô hay vỏ lãi chỉ xấp xỉ khoảng 50 cây số để đến với Mũi Cà Mau. Chi vậy? Để trải nghiệm sông nước Cà Mau trên dòng sông “độc nhất vô nhị” ấy; để thấm thía đến tận cùng từng giai điệu, ca từ của ca khúc “Đất Mũi Cà Mau” (Hoàng Hiệp) khi len lỏi qua những chang đước, bãi bồi trước khi cập bến Mũi Cà Mau; để cảm nhận phong thổ xứ này: “Đất biết nở và rừng thì biết chạy”.

Quê tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà”. Ấy là lần tôi đưa dì và chị tôi, từ Hà Nội vào; cùng mẹ tôi từ Bạc Liêu, cả gia đình đi thăm Mũi Cà Mau. Bận về, ghé thăm nhà bác sui ở kênh Bà Hương, xã Đất Mũi, cái xứ kênh rạch chằng chịt và hết thảy mọi thứ dường như đều mang phong vị riêng của nơi cuối đất. Chị tôi, bao năm Hà Nội, cứ tấm tắc về không gian phóng khoáng và chan hoà tình đất, tình người; xuýt xoa những là ba khía luộc, thòi lòi nướng muối ớt, hàu nướng, sò huyết xào me… rồi dọn mâm trên sàn ván đước đã lên nước bóng láng, trong gió biển mặn mòi, ở cái xứ từng có thời gian rất dài nhà dân không cần làm cửa…

Tôi đọc được ở đâu đó câu: “Tất cả các dòng sông đều chảy”, để mà liên tưởng người Việt mình bất cứ nơi đâu cũng ấm áp, vẹn vời như phù sa nồng nàn, như con nước lớn; và những dòng sông dẫu mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi dáng dấp, hình hài, song tất cả các dòng sông đều chảy; từ những dòng chảy theo quy luật tự nhiên như hầu hết các con sông; đến sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn), sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Đắk Bla (Kon Tum) chảy ngược; và sông Cửa Lớn, con sông duy nhất trên đất Việt, nơi tận cùng chót Mũi Cà Mau lại có khởi nguồn từ biển cả và chảy về biển cả, một hiện tượng địa lý tự nhiên kỳ thú.

Kỳ thú ấy là do “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, như trên đã nói - giống một bàn chân cứ thò lần ra mà khuấy nước biển. Mà biển ở đây thì, bên biển Đông, bên kia là biển Tây (Kiên Giang và vịnh Thái Lan); sông Cửa Lớn vắt qua “bàn chân” ấy mà nối biển Đông và biển Tây. Cũng vì lẽ này mà Mũi Cà Mau cũng lại là nơi duy nhất trên đất liền ở Việt Nam mình, đứng nơi ấy, sáng ngắm mặt trời “lên” trên biển, chiều lại thấy được mặt trời “lặn” dần xuống biển.

Cũng bởi nằm giữa đôi bờ biển Đông, biển Tây mà bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang) có một “độc nhất vô nhị”, ấy là do ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều “kép”, ngoài con nước lớn, con nước ròng như mọi vùng miền, lại còn có cả con nước rong và con nước kém(!!!). Con nước lớn gặp con nước rong, nước lé đé tràn bờ; con nước ròng gặp con nước kém, nước rút đi đến trơ kiệt lòng sông, kênh, rạch, xẻo…, bỏ mặc những chú thòi lòi ngoe nguẩy hờn mà trườn trên mặt bùn non, vẽ lên đó những dấu hỏi to tướng; giương đôi mắt tròn chẳng hiểu vì sao!!!

Y Lan

Theo CMO

Facebook Youtube Top