Làm báo trong kháng chiến
Nhiều anh chị em hỏi tôi về tờ báo U Minh Anh Dũng, Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) cũng nhắc tôi kể lại hoạt động của báo trong những năm chiến đấu gian khổ.
Tờ báo U Minh Anh Dũng là tiếng nói của lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Cà Mau, do Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau lãnh đạo, được hình thành từ tờ Thông tin tuyên truyền của lực lượng vũ trang tỉnh nhà vào các năm đầu kháng chiến chống Mỹ.
Tờ báo U Minh Anh Dũng đã gắn bó với riêng tôi nhiều kỷ niệm. Trong những năm chống Pháp, tôi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 410 (chủ lực Nam Bộ). Đến đình chiến (1954) tôi chấp hành nghị quyết ở lại miền Nam, cùng với Nhân dân tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm, ở địa bàn huyện Thới Bình. Không được bao lâu tôi chấp hành nghị quyết đi xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Khi đến cơ quan Tỉnh đội, Ban Chỉ huy biết tôi từng là lính Tiểu đoàn 410 nên phân công tôi phục vụ văn phòng, làm thư ký đánh máy và chụp ảnh cho công tác tuyên truyền.
|
In báo trong những năm kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu) |
Lúc bấy giờ phong trào cách mạng lên cao, vùng nông thôn giải phóng rộng, Ban Chỉ huy chủ trương làm tờ Thông tin tuyên truyền, giao cho văn phòng biên tập, in ấn, phát hành rộng rãi đến các huyện đội, lực lượng vũ trang các địa phương trong tỉnh.
Năm 1962, các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát triển lớn mạnh, Tỉnh uỷ cho phép tờ thông tin của Tỉnh đội Cà Mau được mở rộng, nâng lên hoạt động thành tờ báo chính thức, phục vụ, đáp ứng yêu cầu cách mạng, lấy tên là báo U Minh Anh Dũng.
Làm báo U Minh Anh Dũng thời kỳ đầu chỉ đánh máy trên giấy sáp, lời tựa và minh hoạ qua bản kẽm, dùng mực ti-pô và mỡ bô-pha trộn dầu lửa, chữ U Minh Anh Dũng được kẻ trên giấy sáp. Sau này chữ U Minh Anh Dũng khắc trên mặt gỗ, dùng ru-lô lăn mực đỏ, rồi dùng chân ấn xuống như đóng mộc. Hàng tháng báo xuất bản 2 kỳ, ấn hành 8 trang, khá đẹp, như các báo ngày nay.
Năm 1963, các phóng viên báo U Minh Anh Dũng theo Tiểu đoàn U Minh đánh đến Rau Dừa, nhiều chiến sĩ và trinh sát hy sinh, Tiểu đoàn trưởng Ba Trung (Nguyễn Đệ) gọi cánh nhà báo chúng tôi đến thay trinh sát. Nhà báo trẻ Nguyễn Văn lên thay thế trinh sát, bị thương nặng, sau này hy sinh.
Một kỷ niệm đáng nhớ, lúc cơ quan báo U Minh Anh Dũng đóng ở Rau Dừa, máy bay phản lực của giặc đến, không thu xếp kịp, mọi người dùng súng cá nhân bắn trả. Khi phản lực sà xuống ném bom, anh Nguyễn Bá Thời (bấy giờ là Tổng biên tập) vừa thu xếp đưa chị em xuống hầm, vừa dùng súng trường bắn trả, anh trúng miểng bom hy sinh lúc trên tay còn đang cầm chặt súng.
Chuẩn bị mừng xuân năm 1964, ông Trần Khanh (Tám Khanh), Chủ nhiệm Ban Chính trị Tỉnh đội gọi tôi tới. Ông nói số báo xuân năm nay, trang bìa phải làm sao có ảnh Bác Hồ. Nhận việc ngoài khả năng của mình vì làm báo trong điều kiện thô sơ, tôi quyết định khắc gỗ ảnh Bác. Lúc báo phát hành, nhiều gia đình đã cắt tấm ảnh Bác Hồ trên báo, lộng vào khuôn treo lên nơi trang trọng trong nhà để tưởng nhớ Bác.
Vào cuối tháng 6/1969, địch đưa nhiều đợt máy bay trực thăng đổ quân xuống khu vực Cơi Năm, xã Khánh Hưng B, huyện Trần Văn Thời, nơi cơ quan Tuyên huấn và báo chí của tỉnh đang ở, làm việc. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, anh Thế Hùng, người phụ trách báo U Minh Anh Dũng, với khẩu súng trường CKC trong tay bắn hạ 1 trực thăng của Mỹ. Cùng lúc đó các trực thăng khác sà xuống đổ quân, Nhà báo Quốc Anh ném liền 2 quả lựu đạn vào cửa máy bay. Bọn giặc tràn tới, khói đạn mịt mù, Quốc Anh chiến đấu kiên cường và đã anh dũng hy sinh.
Báo U Minh Anh Dũng qua 6 năm hoạt động (1962-1968), đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau lớn mạnh. Người làm báo U Minh Anh Dũng thời kỳ đó tuy không đông, không chuyên nghiệp nhưng mỗi người đều xác định rõ, làm báo kháng chiến là lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, mọi hoàn cảnh, đi trong bom đạn, làm ra tác phẩm có khi phải đổi bằng máu thịt của chính mình.
Báo U Minh Anh Dũng và những người làm báo ấy luôn được nhắc đến, như nhắc đến những chiến tích đặc biệt mà họ đã đóng góp cho cách mạng trong những tháng ngày gian lao, nguy hiểm nhưng hết sức oai hùng./.
Theo CMO