Giỏ hàng

Lần thứ 2 Thanh tra Chính phủ đối thoại với dân Thủ Thiêm

Đây là lần thứ hai Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với các hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chiều 17/6, Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM đã có buổi đối thoại với khoảng 20 hộ dân liên quan đến ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường (phường Bình An, Bình Khánh, An Khánh (quận 2 cũ, nay là TP.Thủ Đức) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Buổi đối thoại được tổ chức tại tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức). Tham gia buổi đối thoại có Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp và đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Về phía TP.HCM có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu; đại diện các sở ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức.

Quang cảnh buổi đối thoại của người dân Thủ Thiêm với Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo UBND TP.HCM chiều 17/6.

Quang cảnh buổi đối thoại của người dân Thủ Thiêm với Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo UBND TP.HCM chiều 17/6.

Tại buổi đối thoại, một số người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đặt câu hỏi cho cơ quan chức năng về căn cứ pháp lý để xác định khu vực 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Hoàng Thanh Long (một hộ dân có đất thuộc phường An Khánh cũ - nay là phường Thủ Thiêm), bày tỏ sự băn khoăn trước việc bản đồ quy hoạch 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm bị mất.

"Bên cạnh đó, nếu tấm bản đồ này bị mất, các cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để xác định 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch?", ông Long nói và mong muốn, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, TP.HCM sẽ giải quyết vấn đề còn tồn đọng theo hướng hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Có như vậy vấn đề khiếu kiện, khiếu nại kéo dài sẽ sớm được chấm dứt.

Tương tự, ông Cao Thanh Ca (phường Bình Khánh cũ - nay là phường An Khánh), cũng chất vấn các lãnh đạo có mặt về việc vì sao sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tồn tại thời gian dài mới bị phát hiện.

Bên cạnh đó, nhiều người dân khác cũng mong muốn, TP.HCM cùng những đơn vị liên quan làm rõ vấn đề về việc bồi thường, hoán đổi đất cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Một số người dân cho rằng, những buổi đối thoại tương tự cần có những chuyên gia về pháp lý, quy hoạch để làm rõ nhiều vấn đề còn bất đồng ý kiến giữa các bên.

Đáp lại ý kiến của người dân, ông Lê Sỹ Bảy, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các kết luận số 1483 và 1169 của Thanh tra Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến của người dân. Trong đó, nhiều nội dung được người dân đồng thuận, một số nội dung còn chưa được thống nhất.

Các văn bản thông báo kết luận này được Thanh tra Chính phủ báo cáo, thông qua các bộ, ngành, TP.HCM và đã được Thủ tướng đồng ý ban hành. Do đó, những văn bản này đã và đang có hiệu lực thi hành.

"Những nội dung bà con chưa đồng thuận sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu bộ, ngành, cơ quan nào phản ánh, đánh giá không đúng thì đơn vị đó chịu trách nhiệm trước pháp luật", Phó Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định.

Mặt khác, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM báo cáo, có ý kiến thẳng thắn về chính sách đền bù cho người dân.

Trong đó, các chính sách cần đảm bảo người dân có chỗ ở ổn định, giảm bớt khiếu nại, khiếu kiện như thời gian qua.

Được biết, cũng liên quan đến vấn đề trên, vào ngày 27/11/2020, Thanh tra Chính phủ, chính quyền TP.HCM cũng đã có buổi đối thoại với các hộ dân Thủ Thiêm.

Tại buổi này, trong phần công bố dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường, đại diện Thanh tra Chính phủ dẫn chứng nhiều hệ thống bản đồ quy hoạch, quyết định thành lập quận 2, ranh quy hoạch... để chứng minh nhà đất các hộ khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Từ đó cơ quan thanh tra khẳng định khiếu nại của người dân "không có cơ sở giải quyết".

Tuy nhiên, người dân không đồng tình với dự thảo. Họ cho rằng hệ thống bản đồ quy hoạch mà UBND thành phố cung cấp cho Thanh tra Chính phủ không có giá trị pháp lý để xác định ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Người dân một mực khẳng định nhà đất của họ bị cưỡng chế, giải tỏa trái luật.

Nguồn Giao Thông

Facebook Youtube Top