Nâng tầm 'Lễ hội Cua Cà Mau'
Năm 2022, tỉnh Cà Mau đã quyết định nâng tầm sự kiện 'Lễ hội cua Năm Căn' thành 'Lễ hội Cua Cà Mau', với sự kiện Cua Cà Mau được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, Cà Mau hiện đang triển khai nhiều giải pháp cả về sản xuất con giống, mô hình nuôi hiệu quả, phòng bệnh, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… nhằm giúp con cua cùng con tôm nâng tầm ngành kinh tế thủy sản, nâng cao đời sống người dân vùng cuối trời Tổ quốc.
Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp
Diện tích thả cua hàng năm khoảng trên 250.000ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng trên 25.000 tấn. Cua Cà Mau tỏa đi cả nước, mang lại giá trị thương phẩm trên 10.000 tỷ đồng/năm cho người dân vùng đất Mũi. Cũng vì thế, người dân Cà Mau tận dụng mọi địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu mà sáng tạo ra nhiều phương pháp nuôi cua phù hợp như nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi chuyên cua với diện tích khoảng 2.000ha. Sản lượng cua của tỉnh hằng năm tăng dần đều. Chất lượng cua thương phẩm tốt và số lượng nhiều nên đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt ở xứ sở bác Ba Phi.
Cua Cà Mau tươi sống có thể được “đóng gói” chuyển đến cả nước. Nguồn: ITN
Mới đây, cua Cà Mau vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Văn bằng bảo hộ sản phẩm dựa trên nghiên cứu về khí hậu, thủy văn khu vực vùng địa lý, nhiệt độ, nguồn thức ăn… để cua Cà Mau sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên. Cùng với đó là tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm đối với cua gạch; hàm lượng protein, lipid (béo)… trong thịt cua. Bản đồ khu vực địa lý được chứng nhận tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân. Đây là cơ sở pháp lý và hệ thống các công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, đưa con cua Cà Mau ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập để đời sống người dân thêm phát triển.
Cua Cà Mau sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên nên chất lượng sản phẩm tươi ngon, từ gạch cua đến thịt cua, trở thành sản phẩm ẩm thực sang trọng, có giá trị, làm quà biếu, tặng… Thị trường cua thương phẩm khá tốt, thương lái tìm đến tận nơi sản xuất thu mua với giá cạnh tranh. Cua tiêu thụ trong nước khoảng hơn 60%, còn lại xuất khẩu sang một số nước lân cận. Gần đây, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, cơ sở chế biến đã sử dụng nguyên liệu từ cua để sản xuất nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo khác như bánh phồng cua, thịt cua cấp đông…
Để đáp ứng nguồn giống nuôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống, 600 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua, nhiều hợp các xã, tổ hợp tác và hàng trăm cơ sở ươm giống nhỏ lẻ bảo đảm chất lượng cua giống tốt và đủ cung cấp cho người nuôi. Cũng từ đây, nhiều hộ gia đình ở Đầm Dơi, Năm Căn vươn lên khá giàu, đoàn viên thanh niên hùn vốn, tu chí làm ăn, không còn phải tha hương cầu thực. Bí thư Xã đoàn Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, Anh Hồ Trung Trực phấn khởi: "Tuy tổ hợp tác dèo cua của đoàn viên, thanh niên xã đi vào hoạt động chưa lâu nhưng chất lượng con cua giống không hề thua những trại lâu năm, các bạn trẻ vừa nuôi cua vừa sản xuất con giống, áp dụng những tiến bộ khoa học mới nên hiệu quả, năng suất cua giống đều cao, thu nhập được cải thiện".
Ðể thương hiệu “Cua Cà Mau” đứng vững trên thương trường
Bên cạnh cơ hội phát triển nghề nuôi cua, người nông dân Cà Mau cũng phải đối phó với nhiều thách thức. Cua bị đánh cắp thương hiệu, bị dịch bệnh, thị trường còn bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Để thương hiệu “Cua Cà Mau” đứng vững trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã có nhiều biện pháp cụ thể, sát thực và kịp thời, khuyến cáo nông dân và thương nhân cùng làm theo.
Đối với bệnh giáp xác gây ra cái chết của hàng ngàn héc ta nuôi cua, Sở NN - PTNT tỉnh đã phối hợp với Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu tiến hành lấy mẫu cua chết để phân tích và công bố, đánh giá mức độ nguy hiểm, cũng như mức độ ảnh hưởng của ký sinh giáp xác chân tơ đến quá trình sinh trưởng của con cua Cà Mau. UBND tỉnh cũng đã phối hợp Trường Ðại học Quốc gia Hà Nội ký kết kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học - công nghệ, thực hiện nhiệm vụ điều tra nguồn gene vi sinh vật gây bệnh trên cua nuôi và xây dựng kỹ thuật phòng ngừa, điều trị, kiểm soát dịch bệnh theo hướng thủy sản hữu cơ bền vững cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi cua biện pháp phòng tránh, thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường.
Theo Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ Với, để đối phó với vấn nạn bị đánh cắp thương hiệu, ngành nông nghiệp sẽ rà soát điều kiện tự nhiên, tiến hành quy hoạch vùng nuôi cua chủ lực để tạo vùng nguyên liệu cung cấp đủ sản phẩm ổn định cho những cơ sở kinh doanh đã được phép gắn nhãn hiệu tập thể được chứng nhận nhãn hiệu “Cua Cà Mau”. Ðồng thời, đề nghị chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này vận động những thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu phải tổ chức lại sản xuất, liên kết, giám sát nhau trong việc thu mua nguyên liệu, phải bảo đảm đạt chuẩn chất lượng và kích cỡ. Sớm rà soát, ban hành, phổ biến những quy chế trong cấp phép gắn nhãn mác, trong liên kết, tổ chức sản xuất cho cộng đồng, để việc tổ chức nuôi, bảo vệ, khai thác cua bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, phải chọn và phân loại cua đạt kích cỡ từng loại, không thu mua, không xuất bán sản phẩm chưa đạt kích cỡ. Bên cạnh đó, cần quy định thống nhất về quy cách, chất liệu, tỷ trọng dây trói/kg sản phẩm cua được đóng gói bao bì trước khi xuất bán. Ðăng ký sử dụng mã vạch chống hàng giả, hàng nhái gắn trên lô hàng xuất bán để bảo đảm uy tín thương hiệu. Mở website đăng tải quảng bá thương hiệu “Cua Cà Mau” đến thị trường trong và ngoài nước, đồng thời là tâm điểm đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu cần thiết. Phổ biến rộng rãi quy trình nuôi, chăm sóc và khai thác cua đúng chuẩn kích cỡ và chất lượng cua thương phẩm các loại. Cần quan tâm đến công tác bảo quản, tồn trữ, áp dụng khoa học kỹ thuật để bảo quản được lâu, vận chuyển đi đến các thị trường xa; chế biến đóng hộp để xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước.
PV