Nhà bên sông
Ở đất Cà Mau, do đặc thù vùng sông nước nên tập quán sinh sống, đi lại, giao thương… của người dân gắn liền với những dòng sông, kênh, rạch. Bà con thường cất nhà cặp mé sông. Những căn nhà thường là nhà sàn, quay mặt trước ra sông, trước nhà có bến cầu để bà con mua hàng hoá hay buôn bán dễ dàng. Những căn nhà nằm san sát nhau, chủ nhân của chúng có thể là anh em ruột thịt trong nhà, có thể là người ở nơi khác đến, nhưng tình nghĩa họ dành cho nhau luôn đong đầy.
Miền nhớ bên dòng sông Giáp Nước
Về chợ Vàm Ðình, ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tôi tìm hiểu về nơi ngày xưa bà con gắn bó với dòng sông Giáp Nước, rồi khi xã hội ngày càng phát triển họ vẫn bám trụ với nơi này, cất nhà cặp bên sông để sinh sống. Những người cao niên ở đây kể lại, chợ Vàm Ðình có tuổi đời hơn 30 năm, nằm bên sông Giáp Nước, chạy dài đến đầm Thị Tường. Bà Lê Thị Bé (Tám Bé), quê gốc ở Xóm Sở, xã Tân Lợi (sau này là xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), trước đây bà phục vụ cách mạng (hậu cần quân đội) của tỉnh, sau này theo chồng về đây, làm công tác phụ nữ. Bà vừa tham gia công tác ở địa phương, vừa lo cho con để chồng yên tâm làm cách mạng. Mảnh vườn nhỏ và con sông Giáp Nước chính là nguồn sống nuôi cả gia đình.
Ở tuổi 80, bà Tám Bé rành rọt hết nhịp sống ở dòng sông này, nằm lòng từng khúc sông đến con rạch nhỏ, nơi bà đã cả đời buôn gánh bán bưng nuôi các con ăn học. Bà kể: “Thời đó dân nghèo lắm, đâu có lộ làng gì, bà con chủ yếu đi bằng xuồng ba lá (xuồng chèo)… Nhà nào có máy Kohler 4 xem như giàu nhất xóm; ai có vườn tược nhiều thì cuộc sống đỡ chút, ai ít đất thì mưu sinh trên sông. Nhà nào có bán tạp hoá hay nước giải khát thì cất mái che ra sông bằng sàn (bến nước), trên lợp lá, bên cạnh là chiếc cầu nho nhỏ cho xuồng ghe của bà con đậu lại".
Xóm bà Tám Bé ở có hơn 10 căn nhà nằm cạnh nhau, nhà nào cũng quay mặt ra phía sông cái. Gia đình bà Tám Bé thời đó mở tiệm tạp hoá nhỏ bán những mặt hàng thiết yếu, như nước mắm, nước màu, muối, đường… thuộc dạng khá ở xóm. Thời chiến tranh, lộ làng đứt khúc, cách 4, 5 bữa là có một chuyến tàu đò đi Cà Mau, cứ thế, bà Tám Bé xách giỏ đệm đón đò đi lấy hàng. “Cảm giác ngồi trên tàu đò không sao quên được, mênh mông trên sông nước, nhìn cảnh bà con sinh hoạt, buôn bán trên sông thấy yên ả làm sao”, bà Tám Bé bồi hồi.
Ngày đó, nguồn lợi trên sông còn dồi dào, bà con chủ yếu đặt đó, lú hay đi xuồng ba lá để chài khắp sông, có khi chài đến ban đêm… Mỗi khi đến con nước là bà Tám Bé dỡ đó hơn 10 kg tôm, tép, cứ thế làm khô, rồi đón đò mang ra chợ Cà Mau bán. Bà Tám Bé cười: “Nhớ hồi đó có cái bao Mỹ, đựng đầy bao cỡ 7 kg tôm khô, tôi mang ra chợ ai cũng trầm trồ. Cũng nhờ vậy mà mấy năm sau xây được nhà tường, có điều kiện nuôi 6 đứa con ăn học nên người”.
Cũng một thời mưu sinh trên sông, bà Ðặng Tố Quyên (ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) đến giờ vẫn còn nhớ rõ những năm tháng buôn bán trên sông Giáp Nước. Hơn 25 năm trước, vợ chồng bà ra riêng có số vốn nên mua ghe để làm vựa nước đá, phân phối cho các lái nước đá và bán lẻ cho người dân. Thời ấy người dân còn làm ruộng nên bán số lượng nước đá ít, đến khi Nhà nước có chủ trương chuyển dịch sang nuôi tôm thì vựa nước đá của vợ chồng bà Quyên làm ăn khấm khá hơn.
“Hồi đó bình thường bà con ít uống nước đá lắm, giống như mặt hàng xa xỉ, nên mỗi khi đám cưới, đám hỏi, đặc biệt là lễ, Tết thì nước đá bán đắt dữ lắm, một ngày bán hơn 200 cây là chuyện bình thường”, bà Quyên hồi nhớ.
Giờ vợ chồng bà Quyên vẫn còn bám trụ ở đất Vàm Ðình, dù cuộc sống ổn định nhưng vẫn làm nghề bán nước đá. Bà Quyên xúc động: “Gắn bó với nghề như thế, giờ cất nhà cũng cất một mái che nhà sàn quay mặt ra phía sông để làm nghề cũ. Ở nhà mới rồi nhưng đến mùa gió chướng về là lòng tôi man mác buồn, nhớ về cuộc sống ngày xưa; mỗi khi ăn cơm, gia đình tôi đều dọn ra nhà sau ngồi ăn để cảm nhận hết cuộc sống bình yên bên sông nước”…
Nhà nơi xóm Mũi
Những ngôi nhà nằm mép bên dòng sông thật tĩnh lặng và yên bình giống như tánh nết mộc mạc, hồn hậu của người dân Nam Bộ. Ở Cà Mau, nhà sàn cất cặp mé sông thường là nhà 3 căn (căn giữa phải lớn hơn căn 2 bên), mặt hướng ra sông, ở dưới cặm trụ bằng cây gỗ hay cọc để tránh bị triều cường mỗi khi mùa nước đến và để tạo độ vững chắc cho căn nhà.
Dọc theo con sông kéo dài đến cửa biển Ðất Mũi là những căn nhà nằm cạnh nhau, phía trước bến thường là ghe tàu của bà con neo đậu, nhà nào cũng cất nhà sàn thô sơ (nhà lưới) cho bà con để ngư cụ đi biển. Theo quan sát, những căn nhà ở xóm Mũi thường xây dựng bằng cây gỗ địa phương, mái lợp tol, vách lá, cọc bằng bê-tông hoặc gỗ (tuỳ theo điều kiện gia đình). Một số nhà còn có sàn rửa lú, thường dùng để bảo quản và vệ sinh lú, lưới sau mỗi chuyến đi biển.
|
Những căn nhà cất bên sông ở ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. |
Anh Phan Văn Xuyên (ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Dân ở đây thường cất nhà quay mặt ra sông, phía trước dân biển gọi là bếp lượm (nơi để thu mua, buôn bán tôm cá), cạnh bên là sàn lãng và nhà bếp, nơi này cũng có bộ ván ngựa để gia đình ăn cơm và tiếp khách”.
Hơn 30 năm làm nghề biển, ông Võ Văn Tính (Tư Tính) ở ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển đã quen với nếp sống nơi này, hàng ngày ông đi đánh lưới ghẹ (lưới thưa được cho phép đánh bắt) cùng con trai để nuôi sống gia đình. Ông Tư Tính phân trần: “Do sống cạnh biển nên cất nhà cũng đơn giản thôi, chiều cao tương đương với chiều ngang khoảng 4 m, dài khoảng 16 m, cọc phải cao 1,5 m để phòng khi triều cường. Nhà lưới để vậy chứ không mất mát gì, để tự nhiên và cũng không có cửa. Ở đây bà con ai muốn neo đậu tại bến mình cũng được, sống nghề biển bấp bênh mà, phải nương tựa nhau. Dù cuộc sống không sang giàu, nhưng bà con ở đây rất trọng nghĩa tình”.
Theo anh Võ Văn Phụng (ấp Mũi, xã Ðất Mũi), ở đây bà con sống theo mùa, thường tháng 3, tháng 4 âm lịch là trời trở gió Nam, dù biển động vẫn đi biển, nên nhà cửa phải gia cố lại, kiềng dây cho an toàn. “Nhiều lúc nửa đêm, nước dâng lên ngập, phải chạy sang nhà khác để tránh trú, đợi đến sáng nước rút thì về. Sống ở cạnh biển thì phải ráng bám trụ với nơi này”, anh Phụng bộc bạch.
Chị Châu Thị Loan (ấp Mũi, xã Ðất Mũi) nói vui: “Ngộ thiệt! Ở đây ấp Mũi mà đặc biệt không có con muỗi nào nghen, mình nghĩ chắc sống cạnh biển, gió tứ phía nên muỗi cũng không còn chỗ trú ngụ. Mấy ngày nay, tối nào tôi cũng mắc võng nằm, nghe gió chướng về mà lòng nôn nao khó tả”.
Hỏi bà con năm nay ăn Tết lớn không, ai cũng nhìn nhau cười. Bởi ngày Tết ở đây cũng như ngày thường, họ vẫn tiếp tục bám biển để mong tương lai tươi sáng hơn. Có người thì về quê hương mình, dân cố cựu thì ở lại cùng chung vui, nhà này đến nhà kia.
Những ngôi nhà bên sông tụ họp, trở thành làng xóm đông vui, tạo nên nét văn hoá đời sống độc đáo của người dân miền Tây sông nước nói chung, Cà Mau nói riêng. Những dòng sông đã làm nên vẻ đẹp của miền Tây, để khi ai đi xa lại nhớ về quê hương, nhớ về những bữa cơm quê bình dị bên mé sông sau nhà và ngắm con nước lớn, nước ròng…
Theo CMO