Giỏ hàng

Nhiều bước tiến trong phát triển năng lượng tái tạo tại Cà Mau

Trong những năm gần đây, trước thách thức của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu thì phát triển năng lượng tái tạo đang là hướng đi chung của thế giới và Việt Nam. Năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, ngoài góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động. Nhiều năm trở lại đây, việc phát triển năng lượng tái tạo tại Cà Mau đã có nhiều bước tiến mới.
 

Đường bờ biển dài mang lại lợi thế cho phát triển điện gió tại Cà Mau.
 

Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên với 3 mặt giáp biển, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, thuận lợi để phát triển năng lượng sạch. Bên cạnh đó, còn có hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không cơ bản thuận lợi cho việc đầu tư các dự án kể cả điện mặt trời, điện gió và điện khí, điều này đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất thực hiện các dự án điện.

Khí hậu và lợi thế đường bờ biển dài 254km tại Cà Mau tạo điều kiện để điện gió có nhiều triển vọng và thu hút đầu tư. Theo báo cáo của Phòng Quản lý Công nghiệp thuộc Sở Công Thương Cà Mau, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án điện gió với tổng công suất 100MW chính thức đưa vào vận hành thương mại góp phần bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 225 triệu KWh/năm. Vào cuối tháng 4/2022, việc khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy điện gió Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), với công suất 75MW là bước khởi đầu cho ngành điện gió tại tỉnh Cà Mau. Đây là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Cà Mau có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 

Phát triển năng lượng tái tạo góp phần hạn chế tác động của môi trường, biến đổi khí hậu.
 

Cà Mau hiện chưa có dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành, nhưng các năm gần đây trên địa bàn tỉnh có 1.221 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 111.606 kWp. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà của các hộ dân có ý nghĩa tiết kiệm chi phí, lượng điện sử dụng của hộ gia đình, giảm bớt quá tải cho ngành điện, còn góp phần bổ sung sản lượng vào lưới điện sản xuất.

Đối với điện sinh khối, có 02 dự án tổng công suất 48MW, 01 dự án 24MW; 01 dự án 24MW đang đề xuất chủ trương đầu tư.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau chú trọng đến phát triển ngành năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh bằng các chương trình hành động, quyết định, chủ trương,... cụ thể: Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 30/6/2020 với quan điểm chỉ đạo: thực hiện có hiệu quả nguồn năng lượng có thế mạnh của tỉnh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh trên đại bàn tỉnh; trong đó phấn đấu thực hiện các mục tiêu: đến năm 2030 tăng thêm 4.000MW (năng lượng tái tạo khoảng 1.000MW); đến năm 2045 tăng thêm 5.000MW. Tính đến nay, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương xin bổ sung vào quy hoạch tổng cộng 36 dự án với tổng công suất 24.564MW. Trong đó, có 23 dự án điện gió với tổng công suất 11.018MW; 04 dự án điện khí với tổng công suất 10.700MW và 09 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846MW.

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân, hy vọng trong tương lai, ngành năng lượng tái tạo tỉnh Cà Mau sẽ còn tiến xa hơn.

Theo cổng TTĐT CM

Facebook Youtube Top