Giỏ hàng

Nhiều đô thị tại ĐBSCL: Cứ mưa lớn là… ngập

Hiện nay, nhiều đô thị tại ĐBSCL thường xuyên xảy ra tình trạng ngập mỗi khi có mưa lớn, đáng lo ngại là xu hướng ngập ngày càng trầm trọng.

Những cơn mưa lớn gần đây trên địa bàn TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) làm cho nhiều tuyến đường ngập nặng, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Tình trạng ngập sâu thường xuyên xảy ra tại khu vực ngã tư Phan Ngọc Hiển - Trần Hưng Đạo; đường Bùi Thị Trường, Nguyễn Ngọc Sanh, Đinh Tiên Hoàng… Theo ghi nhận, một số tuyến đường được nâng cao như đường Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Phan Ngọc Hiển, Phan Đình Phùng… khiến ngập “di chuyển” sang chỗ khác. Đặc biệt, khi mặt đường được tôn lên thì nhiều nhà dân thấp hơn nửa mét. Vì vậy, nhiều hộ phải nâng nền, nếu không muốn nước tràn vào nhà khi mưa lớn.

Tương tự, nhiều đô thị khác như TP Cần Thơ, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cũng thường ngập khi trời mưa. Tại TP Bạc Liêu, nhiều tuyến đường như Trần Huỳnh, Trần Phú, Bà Triệu, Hòa Bình, Phan Đình Phùng… thường xuyên bị ngập. Tình trạng ngập không chỉ ở các trục đường lớn mà còn sâu trong các con hẻm, khu vực ngoại ô. Vì vậy, khi mưa lớn, nhất là có thêm triều cường, lực lượng cảnh sát giao thông thường túc trực tại các “điểm nóng” để điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân di chuyển qua những điểm nước ngập sâu.

Để khắc phục tình trạng ngập do triều cường ở TP Bạc Liêu, ngành chức năng tỉnh này đã triển khai các cống Nhà Mát, Cái Cùng… trên tuyến đê biển nhằm ngăn triều cường. Bên cạnh đó, hệ thống cống trong nội ô ở TP Bạc Liêu cũng được xây dựng và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, người dân sống ở đô thị TP Bạc Liêu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng mưa lớn hoặc triều cường dâng cao gây ngập cục bộ. Nguyên nhân vì hệ thống chống ngập chưa đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP Cà Mau Lê Tuấn Hải cho biết, do nguồn vốn có hạn nên TP Cà Mau mới chỉ nâng cấp, tôn cao mặt đường ở những vị trí gây bức xúc nhất. “Trên địa bàn TP Cà Mau, khu vực phường 2 có nhiều tuyến đường thấp, một số cống thoát nước gần sông. Ngoài ra, ghi nhận thực tế nhiều năm qua, tình trạng lún cũng diễn ra nhanh. Vì vậy, bình thường khi thủy triều dâng cao thì một số tuyến đường sẽ bị ngập”, ông Hải thông tin thêm.

Theo các chuyên gia, bên cạnh địa phương đẩy mạnh dự án chống ngập ở những đô thị, thì Bộ GTVT cũng triển khai nâng cấp nhiều tuyến quốc lộ tại ĐBSCL để không còn bị ngập. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đang triển khai xử lý 41 điểm ngập ở ĐBSCL, trong đó có 16 điểm ngập trên quốc lộ 1; 15 điểm trên đường Hồ Chí Minh… Tổng kinh phí để xử lý các điểm ngập khoảng 397 tỷ đồng, với chiều dài gần 33km.

Nguồn SGGP

Facebook Youtube Top