Niềm vui của lao động nông thôn Cà Mau dịp Tết
Sau thời gian tạm nghỉ vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tổ hợp tác đan mê bồ, ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông đã khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường.
Những ngày qua, không khí lao động tại Tổ hợp tác rất khẩn trương để kịp sản xuất ra những sản phẩm mê bồ phục vụ thị trường. Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19, người lao động làm việc tại tổ hợp tác đều được tầm soát test nhanh định kỳ Covid-19 3 ngày/lần, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách khi làm việc.
Mê bồ là sản phẩm làm từ cây trúc chủ yếu dùng để chứa lúa, chứa muối, phơi khô, làm các công trình lót tàu, xà lan, trang trí… Sản phẩm mê bồ của Tổ hợp tác chủ yếu sản xuất, tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và xuất bán sang thị trường Campuchia, Thái Lan. Hiện tổ hợp tác có 15 lao động làm việc tại chỗ và khoảng hơn 150 lao động trên địa bàn đến nhận nguyên liệu về làm tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan mê bồ, ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết: “Đợt dịch vừa qua, tổ hợp tác phải tạm nghỉ hơn 2 tháng vì giãn cách, doanh thu giảm, đời sống của người lao động gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ khi nhà nước có chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, tổ hợp tác đã hoạt động sản xuất trở lại trong tâm thế mới. Hiện đơn hàng mê bồ dịp Tết này đã tăng khoảng 10% so với ngày thường. Người lao động làm việc tại Tổ hợp tác phấn khởi vì có được nguồn thu nhập ổn định để đón Tết”.
Sản phẩm mê bồ của tổ hợp tác chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất bán sang thị trường Campuchia, Thái Lan.
Đa số người lao động làm việc tại Tổ hợp tác đều là những người gắn bó với nghề làm mê bồ từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi ngày một thành viên trong Tổ làm được khoảng 6 – 8 tấm mê bồ da hoặc 15 – 20 tấm mê bồ ruột, tính công theo sản phẩm từ 10.000 – 15.000 đồng/tấm. Cộng với tiền lãi từ việc bán mê bồ được Tổ hợp tác chia cho, thu nhập mỗi tổ viên được khoảng 4 triệu đồng/ tháng. Những lao động làm thêm nghề này trong lúc nông nhàn thì thu nhập khoảng 50.000 – 100.000 đồng/người/ngày. Chị Trang Cẩm Tú, ngụ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề làm mê bồ được gần 3 năm nay, tận dụng thời gian nhàn rỗi để lấy công làm lời. Đợt rồi, nghỉ dịch hơn 2 tháng, tôi cũng rầu lắm, tiền bạc eo hẹp muốn mua gì cũng khó. Giờ Tổ hợp tác được mở cửa hoạt động trở lại tôi rất phấn khởi, số tiền làm mê bồ mình có thể dành dụm mua sắm trong dịp Tết”.
Người lao động làm việc tại Tổ hợp tác rất phấn khởi vì có nguồn thu nhập ổn định để đón Tết.
Chị Nguyễn Danh Yên, ngụ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết: “Trước đây, mình đã quen với việc làm mê bồ, có đồng ra đồng vào, ngày làm 8 tiếng kiếm khoảng 100 ngàn đồng, nhưng thời điểm nghỉ dịch ở nhà, không thể đi làm, kinh tế khó khăn lắm. Tết này, Tổ hợp tác hoạt động trở lại tôi rất mừng, ít ra trong thời điểm dịch bệnh tôi vẫn có được nguồn thu nhập ổn định, có tiền trang trải để đón Tết đầy đủ hơn”.
Hiện tại, trung bình 1 tháng, Tổ hợp tác xuất bán từ 3.000 – 5.000 tấm mê bồ ruột và trên 1.000 tấm mê bồ da ra thị trường. Chị Nguyễn Thị Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan mê bồ, ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết: “Hiện nhu cầu sử dụng mê bồ tăng cao, chỉ tính riêng thị trường Campuchia mỗi tháng Tổ hợp tác xuất bán khoảng 2.000 tấm mê bồ nên không sợ thiếu việc làm cho người lao động. Nguyên liệu là cây trúc để làm mê bồ tại địa phương cũng rất dồi dào. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng nghề làm mê bồ để tạo việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương”.
Chị Võ Thị Trang Nhã, Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết: “Tổ hợp tác đan mê bồ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông được thành lập hơn 4 năm nay, tham gia tổ hợp tác chủ yếu là các chị em phụ nữ tại địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, điều kiện việc làm, thu nhập khó khăn thì việc Tổ hợp tác đan mê bồ hoạt động trở lại là tín hiệu vui, giúp người lao động duy trì sản xuất và có được nguồn thu nhập ổn định để đón Tết. Thời gian tới, Hội phụ nữ xã tiếp tục đề xuất hỗ trợ Tổ hợp tác mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động nông thôn”.