Ông Đoàn Minh Tuấn - Người sở hữu 9 bằng đại học
Trong căn nhà đơn sơ của mình ở Khóm 3, Phường 5, TP Cà Mau, ông Đoàn Minh Tuấn treo rất nhiều hình ảnh nhận bằng tốt nghiệp, hình ảnh về những chuyến giao lưu, kỷ niệm với bạn bè... Chiêm nghiệm cuộc đời ở tuổi 74, ông Tuấn bộc bạch: “Tri thức là tài sản vô giá, bất tận mà chúng ta có học mãi vẫn không thấy đủ”.
|
Trong căn nhà đơn sơ, hạnh phúc tuổi già đối với ông Tuấn là hành trình học tập và vượt qua thử thách bản thân. |
Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Cà Mau, trước năm 1975, ông Đoàn Minh Tuấn được người nhà tạo điều kiện cho lên Sài Gòn học ngành Luật và hành nghề luật sư ở đất này vài năm. Sau giải phóng, ông về quê hương giảng dạy tại Trường Bổ túc văn hoá thị xã Cà Mau, sau đó đến giảng dạy các lớp đào tạo cán bộ cấp tốc… cho đến khi nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, ngoài việc phụ vợ buôn bán ở chợ, ông Tuấn dành hết thời gian thực hiện ước mơ dang dở là tìm hiểu, tiếp thu những điều mình chưa biết.
Ông Tuấn chia sẻ, thời trẻ được tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người học hành thành đạt, uyên bác nhiều lĩnh vực, đã thôi thúc trong ông tinh thần ham học hỏi những điều mới lạ, tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình và thời cuộc ngày ấy không cho phép ông tiếp tục theo đuổi đam mê.
Thế nên, năm 2005, khi đã ngoài 50 tuổi, ông Tuấn “làm gan” đăng ký học ngành Anh văn của Trường Đại học Hà Nội và sau bao ngày miệt mài, ông đã nhận được bằng tốt nghiệp vào năm 2009. Khó khăn ban đầu vượt qua, ông Tuấn càng học càng say, tiếp tục thử sức và tốt nghiệp Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh các ngành: Tin học (năm 2011), Kinh tế Luật (năm 2012), Xây dựng (năm 2014), Kế toán (năm 2016), Luật Kinh tế (năm 2016), Quản trị kinh doanh (năm 2017), Tài chính ngân hàng (năm 2018). Ông Tuấn cũng đã nhận bằng tốt nghiệp ngành Luật của Đại học Huế năm 2014.
|
Ông Đoàn Minh Tuấn lưu lại hình ảnh những lần đi nhận bằng đại học. |
Việc học của ông Tuấn không vì chức quyền, thăng tiến mà là để có kiến thức, muốn hiểu biết nhiều lĩnh vực mà thời gian đi làm ông không thể thực hiện, và cũng để con cháu thấy rằng việc học không giới hạn ở độ tuổi, vì kiến thức là cả đại dương bao la.
“Tôi sinh ra ở một vùng đất nghèo khó. Sở dĩ tôi học nhiều vì muốn cho các con, cháu sau này biết rằng, mình dù nghèo về vật chất nhưng không nghèo tri thức”, ông Tuấn bộc bạch.
Ông Tuấn chia sẻ, chuyện học hành không ai giúp được mình, phải thực sự ham học hỏi, tự bản thân nỗ lực thì mới tích luỹ được kiến thức cho mình. Xã hội ngày càng tiến bộ, mỗi gia đình, mỗi dòng tộc cần có người là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ… Bởi ngoài chuyện lo đời sống kinh tế còn là sự hiểu biết cuộc sống, là tấm gương để con cháu noi theo.
Tâm tình ấy của ông Tuấn được mang theo qua những chuyến đi thực tế đến với vùng nghèo, bà con dân tộc thiểu số. Ông giải thích để bà con hiểu rằng, có hiểu biết mới nắm được vận mệnh và làm chủ tương lai của chính mình. Ông hy vọng mọi người xoá đi những phong tục lạc hậu, hướng đến cuộc sống văn minh.
Dù sở hữu số lượng “khủng” bằng đại học nhưng ông Tuấn vẫn khiêm tốn khi nói rằng: “Nhìn ra xã hội thì tôi vẫn chưa bằng ai. Tôi xin học tập mọi người, đứng sau lưng mọi người vì bản thân còn nhiều khiếm khuyết lắm. Bởi chuyện học của tôi chưa mang lại cuộc sống sung sướng cho gia đình. Vì vậy, tôi không muốn nhiều người biết đến mình, có khi họ dè bỉu, cười nhạo”.
Con người sinh ra ai cũng có mục đích sống riêng, miễn sao thấy thoải mái và mục đích sống ấy là chân chính. Có người dành cả đời để quét lá đa, tụng kinh niệm Phật; có người dành cả đời giúp đỡ trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ…, còn ông Tuấn dành nhiều thời gian để học tập. Có thể với cách nhìn nhận của ai đó là lãng phí thời gian, tiền bạc, nhưng với ông Tuấn đó là việc làm ý nghĩa với bản thân, bổn phận với con cháu và giữ gìn nét đẹp văn hoá học tập suốt đời./.
Theo CMO