Ông Năm ở Campuchia: Tôi đi chuộc nạn nhân, có người gặp nạn 3-4 lần
Ông Trần Văn Năm, đại diện Hội Người Khmer gốc Việt ở Preah Sihanouk, đã nhiều lần phải làm công việc ông không mong muốn: Chuộc đồng bào ra khỏi các casino ở Campuchia.
Một người vấp ngã trong lúc tháo chạy khỏi casino Campuchia hôm 17/9. Ảnh: T.T.
Một ngày tháng 8, ông Năm nhận tin báo từ một gia đình có người thân đang mắc kẹt ở casino tại tỉnh Preah Sihanouk. Họ nhờ ông đem số tiền 4.500 USD đi chuộc người nhà - một nam thanh niên 18-20 tuổi từ TP. HCM.
“Người này đã bị ép làm việc một năm, mỗi ngày phải làm 13-14 tiếng mới đủ chỉ tiêu”, ông Năm kể với Zing tối 20/9. “Bằng cách nào đó, người này liên hệ được với gia đình và thỏa thuận mức tiền chuộc với công ty”.
Một mình tới casino chuộc người
Trước mọi lần đi chuộc người, ông Năm kể mình đều báo tin cho cơ quan chức năng, bao gồm cả thông tin định vị để phòng trường hợp bất trắc.
Lần đi chuộc nam thanh niên hồi đầu tháng 8 cũng vậy. Sau khi lái xe tới gần trước cánh cổng casino được đóng kín, ông Năm quay sẵn đầu ôtô, mở cửa và để nổ máy.
Cổng ra vào của một khu phức hợp casino tại Preah Sihanouk. Ảnh: SPH Media.
“Trước cổng tôi thấy khoảng 10 bảo vệ đứng cùng 2-3 người Trung Quốc. Những bảo vệ này trang bị nhiều công cụ hỗ trợ như dùi cui và còng, chỉ thiếu súng”, người đàn ông kể, tự hỏi tại sao họ căng thẳng tới vậy dù chỉ đối mặt với một người đã lớn tuổi và đi một mình.
Sau khi báo bảo vệ, ông Năm phải chờ khoảng một tiếng thì đối phương mới có động tĩnh. Người của casino đưa người ra nhưng vẫn giữ bên trong hàng rào sắt, đòi ông Năm trao tiền mới thả người.
Có người bị mua đi bán lại 3-4 lần, mỗi lần như thế giá chuộc lại tăng dần, từ mức khởi điểm 1.000-2.000 USD lên đến 4.000-5.000 USD.
Ông Trần Văn Năm, đại diện Hội Người Khmer gốc Việt ở Preah Sihanouk
Đoán trước những yêu cầu như vậy, ông Năm rất cảnh giác và yêu cầu đối phương trước tiên cho nhìn mặt người được chuộc. “Tôi nói lại bằng tiếng Khmer rằng ‘tôi đem theo tiền mặt và chỉ có một người, các ông đông người như thế, tại sao phải sợ tôi’”, ông Năm kể.
Qua 30 phút nữa để nhân viên casino xin ý kiến cấp trên, đối phương cuối cùng cũng đưa người ra ngoài hàng rào. Ông Năm thấy gương mặt người này giống ảnh gia đình cung cấp nên mới đưa tiền.
“Trước sự quan sát của đám bảo vệ dàn hàng ngang và mấy người Trung Quốc, tôi chậm rãi đếm tiền thành từng cọc 1.000 USD để họ kiểm tra”, ông Năm kể. “Trong lúc ấy, tôi cũng để ý thái độ của họ nhưng không thấy điều bất thường”.
Nhận đủ 4.500 USD tiền chuộc, người Trung Quốc ở hiện trường mới buông tay thả nạn nhân. “Chờ người lên xe, tôi đóng cửa ôtô chạy thẳng”, ông Năm nói.
Chuộc người xong xuôi, ông Năm nhờ người quen chở nam thanh niên tới Phnom Penh, từ đó đi tới cửa khẩu Việt Nam. “Tôi cũng nhận được thông tin người đó đã về tới nhà”, ông nói.
Ban công tại một khu phức hợp ở Sihanoukville được bọc lưới thép để ngăn bỏ trốn. Ảnh: SPH Media.
Hai năm cưu mang đồng bào
Khoảng hai năm nay, ông Năm đã cùng các thành viên khác trong hội chuộc đồng bào ra khỏi các casino hoặc cưu mang những người tự trốn được ra ngoài. Số lượng người được hội hỗ trợ là bao nhiêu ông cũng không nhớ rõ.
“Phần lớn những người tự trốn ra được đều bị hành hạ, chích điện, đánh đập. Khi họ trốn ra ngoài, trên người vẫn còn vết thương, có khi vết chích điện đã gần hoại tử”, ông Năm kể.
Và đa phần người được cứu đều hối tiếc vì đã trót tin lời chào tuyển dụng để sang Campuchia, ông nói. Có người bị mua đi bán lại 3-4 lần, mỗi lần như thế giá chuộc lại tăng dần, từ mức khởi điểm 1.000-2.000 USD lên đến 4.000-5.000 USD.
Phần lớn những người tự trốn ra được đều bị hành hạ, chích điện, đánh đập.
Ông Trần Văn Năm, đại diện Hội Người Khmer gốc Việt ở Preah Sihanouk
Việc chuộc người cũng không đơn giản chỉ là mang tiền tới các casino. “Có nhiều trường hợp phía công ty đưa ra số tài khoản để người nhà ở Việt Nam gửi tiền vào. Casino cũng đưa người ra ngoài cổng nhưng sau đó xe đi lòng vòng rồi lại đưa vào chỗ khác”, ông Năm kể.
Những ngày vừa qua, nhà chức trách Campuchia đã tổ chức đợt truy quét những cơ sở đánh bạc trái phép khắp cả nước. Động thái này đang phát huy hiệu quả, giúp giải cứu nhiều người Việt bị giữ trong những cơ sở này.
“Cách đây 2 ngày (hôm 18/9), cảnh sát đã kiểm tra những nơi chứa chấp lao động bất hợp pháp tại Preah Sihanouk với nhiều lao động ngoại quốc, trong đó có người Việt Nam”, ông Năm kể. “Khoảng 100 người Việt vẫn đang được cảnh sát tạm giữ lấy lời khai”.
Ông Năm cho biết trong lần này, hội đã có hỗ trợ về phiên dịch để đẩy nhanh công việc lấy thông tin của lực lượng chức năng Campuchia.
Cũng hôm 18/9, một nhóm 70 người Việt cũng nhân lúc chủ công ty đang e dè nhà chức trách nên không dám dùng bạo lực để chạy thoát khỏi khu Chinatown, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk Vũ Ngọc Lý cho biết.
Tổ công tác của Phnom Penh khám xét các cơ sở cờ bạc trái phép trong đợt ra quân của lực lượng chức năng Campuchia. Ảnh: Khmer Times.
Ông Năm có một số khuyến cáo đối với người Việt Nam có ý định sang Campuchia làm việc.
“Không phải cứ sang Campuchia là điều xấu, cũng có những người thành công. Nhưng tôi mong bà con, nhất là người trẻ tuổi, khi sang nước ngoài nói chung và sang Campuchia nói riêng nên tìm hiểu kỹ môi trường làm việc”, ông nói.
Ông khuyên người đi cần tìm hiểu nơi mình làm việc và cần đi theo con đường chính thức. “Khi đó, nếu có sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ được”, ông Năm nhấn mạnh. "Và không có cái gọi là 'việc nhẹ, lương cao'".