Phải nỗ lực giải ngân đầu tư công
Không nên bàn lùi, xin giả vốn, kéo dài thời hạn giải ngân, mà cần nỗ lực ngày đêm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo nguồn vốn mồi cho hồi phục kinh tế địa phương.
Đây là chia sẻ được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với 6 địa phương là Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Cà Mau, vừa được tổ chức sáng nay.
Đến ngày 9/12, Bộ Tài chính đã nhận được 6 báo cáo của các địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau và báo cáo giải ngân của Kho bạc Nhà nước. Cụ thể, tại Quyết định số 2185 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 cho 6 địa phương này với tổng vốn đầu tư công gần 24.050 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, số giải ngân vốn đến ngày 30/11 vừa qua của 6 địa phương này là gần 11.750 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác điều hành phiên làm việc.
Trong đó, tỉnh Cà Mau có số giải ngân cao nhất đạt 59%, tỉnh An Giang mới đạt gần 34%, thấp nhất trong 6 tỉnh. Nhìn chung cả 6 địa phương đều thấp hơn mức bình quân 65,7% của cả nước.
Ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: “Hiện nay, các địa phương đăng ký đến hết 31/12 giải ngân 70-80% là thấp so với trung ương, chúng ta cần khắc phục. Trung ương phấn đấu giải ngân 85-90%, hiện nay nhiều tỉnh đã giải ngân được 100% số vốn”.
Trao đổi với Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, lãnh đạo các địa phương đề xuất xin được kéo dài thời gian vốn thực hiện dự án đầu tư công của năm 2021 sang năm 2022, dựa trên quy định về điều kiện bất khả kháng, tức là do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng: “Các đồng chí kiến nghị kéo dài, Luật cho phép kéo dài đến 31/12 của năm sau, nhưng có nên kéo dài không? Trong giai đoạn khó khăn này, người thất nghiệp nhiều, doanh nghiệp không có việc làm, chúng ta đang bàn đến các gói kích cầu mà đầu tư công đề nghị kéo dài thì không còn ý nghĩa và không có tác dụng. Cho nên, trước hết phải tập trung cho đầu tư công, giải ngân nhanh nhất, hiệu quả nhất và nhiều nhất. Lúc đó mới tính đến việc kích cầu, người dân có việc làm, doanh nghiệp có thu nhập”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các địa phương cần nghiên cứu rõ và chủ động giải quyết sớm những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Về phía Tổ công tác, đã tiếp thu ý kiến, các đề xuất và giải pháp của địa phương về tập trung tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc tỏng đầu tư công, sẽ nhanh chóng tổng hợp và tham mưu với Chính phủ, sau đó cùng các bộ ngành có hướng dẫn sớm nhất./.