Giỏ hàng

Ra mắt Câu lạc bộ “Kể chuyện Bác Ba Phi”

Sáng ngày 17/5/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Bảo tàng tỉnh; Thư viện tỉnh; Đoàn Cải lương Hương Tràm phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ “Kể chuyện Bác Ba Phi” tại Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.
 

Các nghệ sĩ Đoàn cải lương Hương Tràm biểu diễn tiểu phẩm về Bác Ba Phi tại lễ ra mắt Câu lạc bộ “Kể chuyện Bác Ba Phi”.
 

Việc thành lập Câu lạc bộ “Kể chuyện Bác Ba Phi” nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của chuyện kể Bác Ba Phi, loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc riêng có ở Cà Mau cần được gìn giữ, lưu truyền, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc. Đồng thời, tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch của huyện Trần Văn Thời trong thời gian tới. Qua đó, nhằm tạo điều kiện để nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là học sinh, đoàn viên, thanh niên được tiếp cận và hiểu sâu hơn về Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi và truyện kể Bác Ba Phi - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo cần phải quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Việc tổ chức biểu diễn các tiểu phẩm về Bác Ba Phi nhằm rèn luyện, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ của thành viên Câu lạc bộ “Kể chuyện Bác Ba Phi”, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa độc đáo này.

Bác Ba Phi tức Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian năm 2003. Ông sinh năm 1884, tại Rạch Mũi, Cái Rắn, huyện Cái Nước và do tránh sự truy đuổi bắt lính, phạt vạ và quấy rối của đám quan quân thời chúa Nguyễn nên cha mẹ ông đã đến trú ngụ tại Kênh Ngang, thuộc ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải ngày nay. Bác Ba Phi là một lực điền giỏi võ và mê đờn ca tài tử, đặc biệt rất giỏi đờn cò.

Bác Ba Phi qua đời vào ngày 06/12/1964 (nhằm ngày 03/11/1964 âm lịch), tại ấp Đường Ranh, nay là Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ là bà Trần Thị Lữ và bà Lữ Thị Cham. Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tếu lâm cho thế hệ mai sau như: Tàu rùa, câu ếch, rắn tát cá, nếp dẻo, cọp xay lúa, con cua chúa… đã được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc chí Nam. Hễ khi thấy ai nói chuyện cường điệu hay kể truyện tếu lâm thì mọi người đều ví von: “Nói chuyện như Bác Ba Phi”.

Để tưởng nhớ nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, hàng năm vào ngày mùng 03 tháng 11 âm lịch, con cháu quy tụ về tổ chức ngày giỗ cho Bác Ba. Khu lưu niệm Nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi sinh sống trước đây hiện nay nằm trên phần đất của bà Lê Thị Anh là con dâu thứ hai của ông.

Không gian truyện kể Bác Ba Phi hoàn toàn trong địa giới U Minh, với những nhân vật vốn là đặc sản của rừng U Minh như: Lúa gạo, trăn, rắn, rùa, mật ong... Tuy nhiên, đặc sản, sản vật trong truyện của Bác Ba Phi cái gì cũng to, cũng lạ, cũng khác thường. Ngôn ngữ trong truyện thường là ngôn ngữ nói, ngôn ngữ kể chuyện với lớp ngôn từ của người dân Nam Bộ, mang những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.

Chuyện kể Bác Ba Phi là một sản phẩm tinh thần tiêu biểu của dân gian, những chuyện kể làm phong phú thêm cho kho tàng văn học dân gian, phản ánh một cách sinh động về thiên nhiên và con người ở cuối trời phương Nam. Chính những sắc thái độc đáo và đặc sắc của tiếng cười ở chuyện Bác Ba Phi đã khiến tác phẩm và tên tuổi Bác Ba Phi vượt qua khỏi địa giới U Minh mà còn lưu truyền khắp vùng Nam Bộ và hiện nay đã lan toả khắp cả nước cũng như quốc tế.

Theo cổng TTĐT CM

Facebook Youtube Top