Tản mạn về địa danh ở Cà Mau
Trong các tài liệu địa chí Cà Mau, một nội dung quan trọng được đề cập xuyên suốt chính là tên gọi các địa danh. Nói hình tượng như Nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm thì những lớp tiền nhân đi mở miền đất mới Cà Mau đã “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (đoạn trích “Ðất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng”). Quá trình hình thành, tồn tại, thay đổi của các địa danh ở Cà Mau có nhiều điều lý thú mà soi vào đó, người ta thấy được cả sự biến thiên về thời gian, bối cảnh xã hội. Ðó cũng là cách ứng xử, tư thế của con người với tự nhiên và cộng đồng.
Dù chưa có sự đồng nhất về quan điểm, tuy nhiên, trên bình diện chung có thể rút ra một số đặc điểm hình thành tên gọi địa danh ở Cà Mau. Thứ nhất, tên gọi địa danh gắn liền với đặc điểm tự nhiên của vùng đất. Có thể kể ra một số địa danh tiêu biểu như U Minh, khởi phát từ không khí “u u minh minh” của những cánh rừng tràm nước đỏ kéo dài như bất tận, mặt trời khó lọt xuống phía dưới. Hay như Ðầm Dơi, xứ đầm lầy, rừng ken đặc, chim trời, dơi quạ nhiều vô số kể...
Thứ hai, tên địa danh gắn với tên những người mở đất, lập làng, có công lao đóng góp cho quê hương. Về cách định danh này thì ở Cà Mau có rất nhiều, khó kể hết: kênh Thầy Cẩn, kênh xáng Ðội Cường, Tắc Ông Do, Rạch Bà Ðặng, Lung Tràm... Cách định danh này còn ảnh hưởng tiếp tục khi thành lập các tên gọi đơn vị hành chính tại Cà Mau như huyện Ngọc Hiển, huyện Trần Văn Thời và hàng loạt tên xã, tên ấp được gọi theo tên người.
Thứ ba là cách gọi tên theo nguồn gốc hình thành, đặc điểm tiêu biểu nhận biết. Có thể kể một số địa danh tiêu biểu như: Năm Căn, Bảy Háp, kênh Dân Quân, kênh Nông Trường...
Còn một số trường hợp khác, cách định danh căn cứ theo thư tịch, tài liệu gắn với triều đình nhà Nguyễn. Ðặc biệt là giai đoạn “Gia Long bôn tẩu”, và khi Cà Mau đặt dưới sự cai quản của nhà Nguyễn.
|
Kênh xáng Chắc Băng, địa danh gắn với giai thoại “Gia Long bôn tẩu” ở đất Cà Mau, đoạn chảy qua địa phận xã Trí Phải, huyện Thới Bình. |
Cũng cần phải nói thêm, địa danh Cà Mau trong nhiều trường hợp có sự khác biệt rõ rệt giữa định danh dân gian và tên gọi đơn vị hành chính. Ví dụ như khi hỏi đường về xã Viên An Ðông, nhiều người sẽ có đôi chút phân vân, nhưng khi hỏi về Nhưng Miên thì ai cũng rành rọt. Tương tự với trường hợp của xã Viên An với địa danh Ông Trang, Xóm Lò với xã Tân Ân Tây... Trong cách định danh tên đơn vị hành chính hiện nay ở Cà Mau, sự kế thừa từ địa danh dân gian là rõ nét, nhưng cũng có những điều chỉnh nhất định.
Sự khác biệt về cách định danh dân gian và tên gọi đơn vị hành chính đôi khi tạo ra những phiên bản không thật sự hoàn chỉnh. Vấn đề ở đây không chỉ là đúng hay sai, mà là sự phù hợp và ý kiến đồng thuận trong dư luận Nhân dân. Có thể dẫn ra một số trường hợp để tìm thêm ý tưởng thảo luận. Ví dụ như ở Ðầm Dơi, trước đây chỉ có 1 xã mang tên nhà cách mạng, liệt sĩ Tạ An Khương, tuy nhiên sau này (năm 2000) lại chia tách ra thành 3 xã: Tạ An Khương, Tạ An Khương Ðông và Tạ An Khương Nam. Nhiều ý kiến băn khoăn: “Tại sao tên người chỉ có 1, giờ lại chia ra làm 3 và kèm theo hướng”. Trường hợp đặt tên đơn vị theo địa danh gốc kèm vị trí cũng khá phổ biến ở Cà Mau như Biển Bạch và Biển Bạch Ðông, Tân Lộc và Tân Lộc Bắc... Thế nhưng, ở trường hợp là danh từ chỉ tên người thì lại có những băn khoăn nhất định như ý kiến đã nêu. Cho đến nay, tình huống này vẫn tồn tại, và tất nhiên là còn những lấn cấn chưa được giải quyết thoả đáng.
Hay như trường hợp xã Phú Mỹ chung trước đây, hiện nay là xã Phú Mỹ và xã Phú Thuận thuộc huyện Phú Tân. Lão thành cách mạng Cao Hữu Thạo, ấp Giáp Nước, xã Phú Thuận, cho biết: “Xã Phú Mỹ chung được phong danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Phú Thuận bây giờ là một phần máu thịt của Phú Mỹ, là cái nôi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng của tỉnh Cà Mau, nhưng khi tách xã thì không còn là xã anh hùng nữa, điều này là chưa ổn”. Bản thân ông Thạo và nhiều bậc cao niên, lão thành cách mạng đã đề đạt băn khoăn này nhiều lần, nhiều cấp, nhưng câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.
Một địa danh nổi tiếng khác ở Cà Mau trong giai đoạn kháng chiến là kênh Kiểu Mẫu, nay thuộc xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời. Trước đây, trong phân cấp đơn vị hành chính có tên ấp Kiểu Mẫu hẳn hoi. Nhưng sau này, ấp Kiểu Mẫu không còn nữa, thay vào đó là 2 Ấp 12A và 12B. Ông Huỳnh Văn Hoa, bậc cao niên ở kênh Kiểu Mẫu, trầm ngâm: “Hỏi Ấp 12A, 12B người ở đây ít biết lắm, nói kênh Kiểu Mẫu là rành liền. Mà đặt tên ấp sao hổng ăn nhập gì với địa danh kênh Kiểu Mẫu vốn nổi tiếng quá trời”. Ðể rồi ông Hoa lo lắng rằng: “Lớp tụi nhỏ phía sau, sợ riết rồi không biết kênh Kiểu Mẫu là ở đâu luôn”.
Cách định danh theo dân gian ở Cà Mau đã được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, cũng là phong vị tạo nên nét đặc sắc trong đời sống văn hoá tinh thần của con người miền địa đầu cực Nam Tổ quốc. Ðó cũng là căn cứ quan trọng để hình thành tên gọi theo đơn vị hành chính phục vụ cho việc quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cách đặt tên địa danh hiện nay tạo nên một số ý kiến khác nhau, đó cũng là điều khó tránh khỏi.
Trong tận cùng của vấn đề, địa danh không chỉ là cái tên để gọi, để phân biệt, để xác định, mà quan trọng hơn, địa danh còn là hồn cốt, là kết tinh văn hoá của một vùng đất, xứ sở. Ðể mỗi khi nhắc đến, con người có quyền tự hào, coi đó là nguồn cội thiêng liêng duy nhất để hướng về./.
Theo CMO