Giỏ hàng

Tết ở nơi sông nước miền Tây

Trên mảnh đất Chín rồng được dòng Cửu Long bồi đắp phù sa là cuộc sống đa dạng của các cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Vì thế Tết ở đây cũng đặc biệt so với các vùng đất khác.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) mùa Tết

Không còn quá xa lạ với du khách thập phương, chợ nổi Cái Răng vẫn luôn là điểm du lịch trải nghiệm được rất nhiều người ưa chuộng bất kể thời gian. Tuy vậy thời điểm cận Tết khoảng từ 15 tháng Chạp đến trước ngày 30 chính là lúc khu chợ "bồng bềnh" buôn bán tấp nập nhất trong năm. Những chiếc ghe chở đầy ắp hàng hóa, trái cây, hoa kiểng dọc triền sông dài được nhuộm kín sắc màu rực rỡ.

Trong khung cảnh rộn ràng tiếng cười nói của bà con địa phương, hình ảnh du khách nước ngoài đội nón lá và sì sụp tô bún riêu nóng hổi hay ly cà phê đá đậm đà miền Tây một cách thân thương hẳn là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Những vị khách ấy vô tình chạm phải ánh nhìn của bạn sẽ chẳng ngại giơ tay chào vui vẻ và bập bẹ câu tiếng Việt: “Chúc mừng năm mới!”

Làng hoa Tết Sa Đéc (Đồng Tháp)

Làng hoa Tết Sa Đéc (Đồng Tháp)

Làng hoa Tết Sa Đéc có bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm và chuyên cung cấp hoa Tết cho thị trường hoa Tết Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành lân cận. Không quá xa khi bắt đầu khởi hành từ TP Cần Thơ nên Làng hoa Sa Đéc được xem như một điểm đến không thể bỏ qua trong ngày Tết của người dân quanh vùng. Với tổng diện tích trồng hoa lên đến trên 500 ha với hơn 2.000 loài hoa khác nhau, làng hoa Sa Đéc là một trong những vựa hoa Tết lớn nhất miền Nam.

Từ những chậu kiểng quí có giá trị lên đến hàng tỉ đồng đến những loài cây gần gũi, mộc mạc thường ngày như: khế, sung, si, mai…qua bàn tay tỉ mẩn, tài hoa của những nghệ nhân lão luyện đã được tăng thêm nhiều phần giá trị nhờ kiểu dáng độc, lạ. Hàng năm vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch, làng hoa Sa Đéc như khoác lên mình màu áo mới rực rỡ làm bừng lên sắc xuân của muôn ngàn loài hoa đang cùng nhau đua nở.

Cũng từ thời điểm này làng hoa xuân Sa Đéc chính thức mở cửa đón khách du lịch tới tham quan, sắc xuân trên làng hoa không chỉ thu hút các bạn trẻ mà ngay cả những cô chú, anh chị lớn tuổi hơn cũng phải mê mẩn mà ghé đến.

Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh)

Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh)

Nếu người miền Bắc đón Tết Nguyên Đán bằng nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng thì Tết của người miền Nam không thể thiếu vắng đòn bánh tét. Giống hệt nhau về nguyên liệu cũng như cách làm nhưng bánh chưng có hình vuông được gói bằng lá dong còn bánh tét lại có dáng thon dài và gói bằng lá chuối phổ biến như những loại bánh khác. Bánh tét Nam Bộ khá đa dạng theo từng địa phương, tuy vậy Bánh tét Trà Cuôn là một trong thương hiệu nổi tiếng bậc nhất miền Tây.

Bánh tét Trà Cuôn đã xuất hiện trên thị trường khoảng hơn 80 năm qua và vẫn giữ nguyên giá trị bản chất, hơn thế ngày càng được nhiều người biết đến cũng như chọn dùng trong những dịp đặc biệt. Trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng từ khâu chọn lá, nếp, đậu xanh hay mỡ heo sẽ có được thành quả là những đòn bánh chắc nịch, dẻo thơm khác hẳn bánh các nơi khác. Bánh tét Trà Cuôn mang hương vị đặc trưng riêng vô cùng độc đáo mà không phải ai cũng có thể “bắt chước” được.

Tôm khô Cà Mau

Tôm khô Cà Mau

Củ kiệu, tôm khô là một “cặp đôi hoàn hảo” không khi nào phai dấu trên mâm cơm Tết của người miền Tây, đôi khi chỉ có dĩa “mồi” này thôi cũng phải hết vài xị đế. Bên dĩa củ kiệu muối chua thơm lừng không thể không có vài đũa tôm khô đậm đà hương sắc Cà Mau. Mảnh đất mũi phương Nam vốn đã rất nổi tiếng với các loại thủy hải sản tươi sống, đến hương vị đồ khô cũng không đâu sánh bằng về độ thơm ngọt tự nhiên. Bất kể khi nào có dịp du lịch đến Cà Mau, món quà đặc sản địa phương mà du khách đem về làm quà cũng sẽ nhất định có tôm khô không riêng gì dịp Tết.

Bức tranh Tết miền Tây Nam bộ nhiều màu sắc nhưng chẳng hề thấy chói, từng mảng màu cùng tôn lên vẻ chất phác nhưng vẫy đầy trang trọng. Mâm ngũ quả Tết miền Tây đặc biệt hơn những nơi khác, tên gọi các loại trái cây thể hiện rõ niềm mong ước của bà con về những điều tốt đẹp vào năm mới. Gọi tên từng trái có vẻ không liên quan nhưng khi giản lược cầu – dừa – đủ – xài (xoài) – sung lại hợp lí vô cùng. Bên cạnh đó là mâm cơm Tết, nét giản đơn toát lên tính cách những người dân quê hồn hậu chân phương. Một tô canh khổ qua nhồi thịt, dĩa thịt kho tàu (kho rệu) hừng tỏi ớt hòa với nước dừa tươi, dĩa củ kiệu tôm khô, chút dưa góp cùng dĩa bánh tét dẻo thơm chính là vị Tết.

Tết đâu cũng vậy, Bắc – Nam đồng lòng chan chứa, Tết vốn dĩ đơn giản chính là cơ hội để sum vầy cho những người con xa, những bữa cơm quây quần nhiều thế hệ cùng những nụ cười hạnh phúc. Sự đoàn tụ tình thân và không khí gia đình ấm áp là điều tuyệt vời nhất cho những ngày Tết trọn vị.

Nguồn Gia Đình VN

Facebook Youtube Top