Giỏ hàng

Tháng Tư ở nơi phù sa lấn biển thêm rừng

Tổ quốc Việt Nam hình chữ S uyển chuyển như dải lụa mềm trên bán đảo Đông Dương. Trong bốn điểm cực Đông, Tây, Bắc, Nam của đất nước thì Cà Mau là nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc.

Con thuyền vươn ra biển - biểu tượng của vùng Đất Mũi Cà Mau bên cạnh Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Con thuyền vươn ra biển - biểu tượng của vùng Đất Mũi Cà Mau bên cạnh Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Những ngày cuối tháng Tư này, đến vùng đất xa xôi của đất nước, đặt tay lên Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (cây số 0) và biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau, rưng rưng cảm nhận những gì thiêng liêng nhất của non sông liền một dải, của niềm kiêu hãnh tự hào trong lòng mỗi người con đất Việt về nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển cũng sinh sôi”.

Từ thành phố Cà Mau đi đường bộ đến huyện Năm Căn rồi ra xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển. Nơi đây, từng ngôi nhà nổi trên sông nước thành ấp, thành xã. Người dân sống và sinh kế của họ đều dựa vào vùng nước này. Giữa tứ bề là rừng đước, ngồi trên ca nô rẽ sóng lao vun vút mới cảm nhận sự kỳ diệu của rừng đước ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Những cây đước cứ tụm lại thành hàng, thành cụm rồi thành rừng và hướng thẳng ra Biển Đông. Càng gần cửa biển, đước càng san sát, ken chặt, lá xanh mướt, bóng đổ tràn mặt sông. Giữa sóng gió lồng lộng, biển trời bao la, có cánh Hải âu chao nghiêng, bình yên.

Tiếng người lái ca nô thoảng lẫn với tiếng máy nổ giòn giã: Ở đây người dân vẫn nói với nhau "cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Những ngọn mắm từ bùn đất âm thầm, lặng lẽ đâm ngược lên giữ lấy từng hạt phù sa bồi lắng. Khi phù sa hình thành nền đất non và tương đối bền chắc, dần dần nổi lên khỏi mặt nước thì cây đước xanh tốt từ phía đất liền bắt đầu vươn những bộ rễ từ trên cao lấn ra, thế chỗ những cây mắm thấp bé. Còn cây mắm lại sinh sôi, tiến ra phía biển để giữ đất và đất từ đó lại tiếp tục mở ra. Cứ như vậy sau vài chục năm thì nơi đó đã trở thành những cánh rừng đước. Một chu kỳ chuyển giao thực vật như vậy kéo dài khoảng 30 năm. Còn Mũi Cà Mau vươn ra biển được khoảng 80 m mỗi năm cũng một phần nhờ loài cây này.

Rừng phòng hộ ngập mặn ven biển huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Rừng phòng hộ ngập mặn ven biển huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Câu chuyện nghe như “bãi bể hóa nương dâu” nhưng lại là lược sử ngắn gọn về Cà Mau - vùng đất mới do phù sa bồi tụ, nằm tận cùng phía Nam của Tổ quốc với ba mặt tiếp giáp biển. Còn Đất Mũi đang tiếp tục là vùng bãi bồi tập trung lớn nhất, bồi lắng nhanh và nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Và những cây mắm, cây đước, cây tràm ở vùng đất non trẻ ấy, ngoài lấn biển mở cõi, làm tấm lá chắn bảo vệ bờ biển trước nguy cơ sạt lở do nước biển dâng, còn dạt dào sức sống mãnh liệt không gì hủy diệt nổi. Minh chứng là khi xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ nã pháo, trút bom đạn băm nát những cánh rừng này, mà còn dùng máy bay phun rải xuống đại ngàn ấy chất độc hóa học hòng xóa sổ màu xanh và sự sống của con người.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về thảm họa da cam ở Việt Nam, rừng đước Năm Căn và rừng Sác huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi Mỹ tập trung rải chất độc hóa học nhiều nhất. Ở Cà Mau, năm 1962, Mỹ rải chất độc hóa học xuống khu vực Trần Văn Thời và dọc theo tuyến sông Bảy Háp. Năm 1967, Mỹ tập trung cao độ cho việc rải chất độc hóa học ở Năm Căn và Ngọc Hiển. Chúng rải đi, rải lại nhiều lần. Rừng bị rải chất độc hóa học chỉ sau 2 đến 5 ngày là rụng lá và chết. Khi ấy, nhân dân và lực lượng ta phải dời đi nơi khác.

Từ năm 1962 đến năm 1971, Mỹ đã thực hiện ở Cà Mau tới 466 phi vụ, phun rải hơn 2,3 triệu lít chất độc hóa học, tàn phá 82.143 ha rừng, vườn tược, ruộng đồng, làm cho trên 17.000 nạn nhân bị phơi nhiễm. Trong đó, có trên 7.000 người bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do di chứng từ chất độc hóa học dioxin gây ra.

Đánh giá về hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Cà Mau, các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã khẳng định: “Đây là cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, lớn nhất, độc ác và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại”…

Những hành động dã man đó nhằm chặn đường chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, phá hoại sản xuất của bộ đội và nhân dân ta ở Năm Căn và Ngọc Hiển - căn cứ địa cách mạng, nơi điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển. Thâm độc hơn, là nhằm chặn đứng khát vọng thống nhất nước nhà, hòa bình, độc lập, dân chủ của người Việt Nam.

Thế nhưng, đước đã mọc thành rừng gỗ cứng. Gió càng lay càng dựng thành đồng!

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối. Từ Lũng Cú, Hà Giang - chóp nón cực Bắc, qua Hiền Lương, Quảng Trị - khúc ruột miền Trung đến Cà Mau - điểm cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, đất nước một dải đỏ cờ bay. Và Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cà Mau tháng Tư năm 2022. 47 năm sau ngày thống nhất, nơi cuối trời cực Nam cũng đã thay đổi rất nhiều, trở thành nơi "linh thiêng" của Tổ quốc với Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 và biểu tượng con tàu mũi Cà Mau. Sau cây cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn - cây cầu cuối cùng nối liền đường bộ đất nước từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc và Đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Năm Căn đến vùng Đất Mũi, tỉnh Cà Mau đã lần lượt hoàn thành công trình mang biểu tượng Cột cờ Hà Nội, Tượng Mẹ và Đền thờ Cha - Lạc Long Quân, tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.

Đất Mũi, Năm Căn giờ đây trùng điệp một màu xanh. Những cây mắm, rặng đước như tính cách người Nam Bộ phóng khoáng nhưng kiên cường, bất khuất vẫn đang tiếp tục chắt chiu từng hạt phù sa cho đất sinh sôi. Ở nơi đó, Trạm dừng chân bãi bồi Mũi Cà Mau - một ngôi nhà gỗ nhỏ nhưng vững chắc, hiên ngang giữa biển trời bao la như những nhà giàn DK chân cắm xuống đảo chìm để canh giữ, bảo vệ từng tấc cương thổ của quốc gia trên quần đảo Trường Sa.

Nguồn Tin Tức TTXVN

Facebook Youtube Top