Thổn thức Gò Công( Cà Mau)
Như lịch hẹn, tuần rồi chúng tôi dẫn đoàn từ thiện từ TP Hồ Chí Minh về trao 150 suất quà cho hộ nghèo huyện Phú Tân. Ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân là điểm được địa phương chọn để dẫn mạnh thường quân về khảo sát, hỗ trợ các hộ dân khó khăn ở đây. Đi thực tế về, những thành viên trong đoàn cứ thổn thức, bồi hồi về một ấp Gò Công còn nhiều cái khó.
Lắm cái khó
Nhà nằm ngay đầu con đường chật hẹp vào xóm dân cư chuyên làm nghề biển của ấp Gò Công là gia đình bà Phan Thị Phến, 72 tuổi, là hộ nghèo.
Gia đình có 3 khẩu, không đất sản xuất, bà Phến có người con trai đã lập gia đình, đang đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh. Bà tuổi đã cao nên đi làm thuê không ai nhận, hàng ngày bà nhận dạy kèm cho các cháu ở gần nhà (do trước đây bà dạy học), mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng. Số tiền này dùng để khám chữa bệnh, vì hiện nay bà mang trong người 6 chứng bệnh, mặc dù có thẻ BHYT nhưng một số loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm quy định.
Cuộc sống chật vật, khó khăn, hàng ngày nhờ bà con lối xóm hỗ trợ. Căn nhà bà đang ở bằng cây lá tạm, xiêu vẹo, được gia đình kế bên cho mượn một vách, còn lại che tạm để ở. Bà ao ước có được căn nhà che mưa, che nắng, cho con về cùng ở để an dưỡng lúc tuổi già.
|
Chính quyền địa phương cùng Câu lạc bộ thiện nguyện Sức Sống (TP Hồ Chí Minh) đến thăm và khảo sát hoàn cảnh gia đình bà Phan Thị Phến (ấp Gò Công) để tìm phương án giúp đỡ. |
Gần sát bên là gia đình ông Nguyễn Văn Sự, sinh năm 1973, đặc biệt khó khăn, không đất sản xuất, ông Sự đi làm biển, mò ốc móng tay bán kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn hàng ngày. Vợ ông là bà Võ Thị Hoa (sinh năm 1976) cũng không nghề nghiệp ổn định, làm thuê phụ chồng chăm lo cho gia đình với 3 con đều mắc bệnh tâm thần: Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1995), Nguyễn Thị Tím (sinh năm 1999), Nguyễn Văn Trường (sinh năm 2001). Thấy người lạ ghé nhà, các con bà dù đã ở tuổi 18, đôi mươi nhưng vẫn sợ hãi, trốn chạy.
Bà Hoa nghèn nghẹn: "Có hôm, vừa chuẩn bị bữa cơm đem vào thì tụi nó đập phá hết, thế là cả ngày 5 người cùng nhịn ăn; khóc cũng không nên lời, bởi bọn trẻ có biết gì đâu". Cuộc sống hàng ngày nhờ nguồn thu nhập từ việc mò ốc, giăng lưới đánh bắt thuỷ sản. Việc khai thác thuỷ sản gần bờ bị nghiêm cấm, từ đó việc mò ốc và đánh bắt cũng gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình khó khăn nay càng thêm khó. Căn nhà gia đình đang ở được xây dựng bằng cây lá địa phương nay đã xuống cấp, nhưng không có tiền sửa hay xây dựng lại.
Cách đó không xa là gia đình anh Võ Văn Triệu và chị Nguyễn Thị Dung, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của ấp. Anh chị có 3 người con đang đi học. Thu nhập hàng ngày từ nguồn đi giăng lưới, mò ốc móng tay, anh bị tật ở chân trái (bệnh bẩm sinh chân cao, chân thấp), thêm bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hoá cột sống nên việc đi lại vốn dĩ đã khó nay càng thêm khó khăn.
Căn nhà gia đình đang ở được xây dựng bằng cây lá địa phương nay đã xuống cấp; hôm đoàn ghé thăm, ánh nắng cứ chiếu chang chang; do khách lạ không quen đường, bước vào nhà đông quá nên bị sập sàn; ấy vậy mà gia đình 5 khẩu vẫn sống đắp đổi qua ngày.
Bà Diệp Hạ, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Sức Sống (TP Hồ Chí Minh) cứ tặc lưỡi: "Sao mà khổ thế này không biết, bằng cách nào mà hai vợ chồng có thể đồng lòng cùng vượt lên số phận? Về Sài Gòn chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một đêm nhạc để đem đến may mắn cho một trong những hộ nghèo của Gò Công. Họ là những người không đầu hàng số phận".
Cùng đi xoá nghèo
Xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân có 11 ấp với 3.326 hộ và 13.086 nhân khẩu; tổng số hộ nghèo và cận nghèo của toàn xã là 221 hộ, chiếm hơn 6%. Riêng với ấp Gò Công thì số hộ nghèo và cận nghèo cao nhất; ấp có 433 hộ với 1.798 khẩu, hộ nghèo là 17 hộ, cận nghèo là 36 hộ. Năm nay, xã phấn đấu về đích xã nông thôn mới, đây là khó khăn của địa phương, chính vì thế hiện nay địa phương đã tập trung toàn lực vào công tác xoá đói giảm nghèo.
Địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới từ những chương trình hỗ trợ dân sinh. Hôm chúng tôi dẫn đoàn thiện nguyện từ TP Hồ Chí Minh về trao quà cho bà con nghèo chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện (đơn vị đỡ đầu xã Nguyễn Việt Khái) và chính quyền địa phương đã đi tiền trạm một bước, nắm thông tin chắc nhất để mạnh thường quân khảo sát hoàn cảnh là giúp đỡ ngay. Trong ngày khảo sát đó, 3 gia đình đều được giúp đỡ một khoản tiền để chi tiêu và có một hoàn cảnh đã được nhóm hứa hỗ trợ xây dựng nhà.
Bà Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Tân, thông tin: "Sau khi đoàn về lại TP Hồ Chí Minh và trao đổi với các cô, chú hưu trí đang sinh hoạt chung thì nhóm cô Nguyễn Điệp (một thành viên của CLB thiện nguyện Sức Sống) sẽ hỗ trợ cho gia đình anh Nguyễn Văn Sự một căn nhà, nhóm sẽ về lại Gò Công một lần nữa để giúp bà con nơi đây. Còn đối với hai gia đình còn lại, CLB thiện nguyện Sức Sống sẽ xem xét hoàn cảnh nào bức thiết nhất và sẽ tổ chức một đêm nhạc, gây quỹ hỗ trợ xây dựng nhà ở, giúp người dân an cư.
Về giải pháp căn cơ hơn, bà Võ Thị Ngọc Hân trăn trở, hiện địa phương đang cần nguồn vốn để giúp bà con chuyển đổi ngành nghề, đầu tư trang thiết bị sản xuất, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề biển ở Gò Công cũng như các xã lân cận như Gò Công Đông, Sào Lưới…
Ông Huỳnh Hùng Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: "Ngoài nỗ lực của địa phương, thời gian qua, Nguyễn Việt Khái nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành, các cấp và các mạnh thường quân, đặc biệt là Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện với nhiều chương trình an sinh xã hội như xây dựng nhà ở, cầu nông thôn… để hướng đến xã nông thôn mới. Hiện nay, các tuyến dân cư ở các xã như Gò Công, Sào Lưới rất cần nguồn kinh phí để xây dựng các tuyến dân cư kiểu mẫu, đảm bảo về môi trường sinh thái nông thôn; muốn triển khai các mô hình này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên rất cần sự chung tay của cộng đồng.
Người dân ấp Gò Công hôm nay không còn đơn độc trong hành trình xoá đói giảm nghèo; bởi trong hành trình này có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị với những kế hoạch cụ thể; khó ở đâu gỡ ở đó. Người nghèo không chấp nhận cái khổ và chính quyền các cấp có những chương trình sâu sát; những cán bộ tiên phong, thổn thức với những khó khăn của người dân thì sẽ có nhiều hoàn cảnh được xoá nghèo, mang lại diện mạo mới cho Gò Công và các ấp ven biển lân cận./.
Theo CMO