Giỏ hàng

Thương các con, thương cha mẹ

Nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con?Nỗi tuyệt vọng, chán chường nào lớn hơn tâm trạng của 1 bạn trẻ đã quyết định bỏ lại tất cả và ra đi?

Sự việc rạng sáng 1-4 khiến bao người mất ngủ, đau xót… Gương mặt, giọng nói mệt mỏi của con, tiếng hét thất thanh của người cha… Trong vài ngày qua, có đến 3 cái chết từ các bạn trẻ vị thành niên. Thực sự rúng động. Đêm qua, tôi nhận được tin nhắn từ 3 ông cha, bà mẹ chia sẻ: “Thương quá chị ơi, thương cả cha mẹ, thương cả con, vì đâu nên nỗi…”. Có những câu hỏi đau xót mà mỗi người làm cha mẹ có con tuổi teen đang tự hỏi mình. Trông người mà ngẫm đến ta, liệu mình có đang cư xử phù hợp với con trẻ? Liệu con mình có đang vui vẻ hay tuyệt vọng?

Tham gia các lớp học kỹ năng mềm sẽ góp phần giúp học sinh vượt qua áp lực, khó khăn của cuộc sống. Ảnh: THU TÂM

Tham gia các lớp học kỹ năng mềm sẽ góp phần giúp học sinh vượt qua áp lực, khó khăn của cuộc sống. Ảnh: THU TÂM

Trong nhiều năm qua, nhiều bậc cha mẹ đã chia sẻ với chúng tôi sự khủng hoảng trong mối quan hệ với con cái. Họ không phải là người thờ ơ hay bạo lực khắt khe với con, mà họ là những người cha mẹ yêu con, thương con, không áp đặt con, cố gắng làm bạn với con…, nhưng lại luôn gặp sự than phiền chống đối từ con. Con hay bực mình với sự quan tâm của cha mẹ, con “đóng” lòng, không chia sẻ chuyện gì với cha mẹ.

Khoảng trống giữa cha mẹ và con đang ngày một lớn dần. Mất kết nối đã và đang là nguyên nhân gây nên khủng hoảng này, gây nên những rối loạn cảm xúc, hành vi, căn bệnh trầm cảm nơi con trẻ… Cha mẹ ngày nay thực sự lúng túng trước sự phát triển quá nhanh, quá khác biệt của thế hệ con cái. Cộng với những tổn thương khi đi qua dịch bệnh của cả cha mẹ và con cái thời gian qua, đang đẩy xa khoảng trống này.

Cha mẹ có điều kiện thì dồn mọi nguồn lực cho con, rồi lại vô tình hay cố ý mong cầu ở con những kết quả thành tích mình mơ ước; cha mẹ đầu tư rồi mong nhận được đơm hoa kết trái trong tương lai của con. Khi kết quả không như ý, lại trách móc, gây áp lực, dạy dỗ con phải thế này thế kia.

Cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn thì càng cố gắng lo cho con để con có tương lai khác mình, và chính họ sẽ càng thất vọng khi con không làm được như kỳ vọng.

Các con thì quá mệt mỏi với lịch học dày đặc, học online mệt mỏi, thi cử kiểm tra triền miên, thiếu kết nối với bạn bè, thầy cô, cha mẹ... Thậm chí còn nhiều mâu thuẫn trong nội tâm của chính các em - cơn bão lòng đi qua tuổi vị thành niên - ta là ai, sinh ra để làm gì, học để làm gì, tương lai sẽ đi về đâu và không biết nói cùng ai…

Thương lắm khi cha mẹ và con đều có nỗi khổ tâm riêng mà không thể chia sẻ với nhau, vậy nên càng khoét sâu khoảng trống ngăn cách giữa 2 thế hệ, càng làm tổn thương hơn mỗi người trong cuộc, càng gây nên những xung đột giữa những người yêu thương nhau nhất. Câu hát: “Không ai yêu mẹ bằng con, không ai thương con bằng mẹ” luôn đúng. Nhưng làm sao 2 bên biểu lộ tình thương đó đúng cách, đúng cái người kia cần để 2 bên sưởi ấm cho nhau thì không phải gia đình nào cũng làm được.

Cơn địa chấn này rồi sẽ qua, nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng làm sao để không còn những đứa trẻ phải tuyệt vọng rời bỏ cuộc sống này? Làm sao để không còn nỗi đau mất con? Bài học từ sự việc này là gì cho tất cả chúng ta?

Lấp đầy khoảng trống, rút ngắn khoảng cách, kết nối lại mối quan hệ cha mẹ - con cái, tái lập truyền thống trong gia đình… là những điều cần làm ngay trong mỗi gia đình. Đây là trách nhiệm của cha mẹ. Yêu thương con chưa đủ, mà cần yêu con trên sự thấu hiểu con và bày tỏ tình yêu đúng cách qua kỹ năng giao tiếp phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của con. Nếu cha mẹ còn áp đặt con, còn kỳ vọng con, la rầy con, cha mẹ sẽ càng đẩy con ra xa mình hơn.

Các con đến tuổi vị thành niên như cái cây đang lớn, không còn là cây non cho cha mẹ uốn nắn nữa rồi, càng cố uốn nắn, cây càng dễ gãy hoặc phản kháng bật lại gây thương tích cho cả 2 bên. Hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình và mọi người xung quanh. Cha mẹ hạnh phúc mới không gây áp lực, không la mắng con. Con hạnh phúc mới mở lòng chia sẻ cùng cha mẹ. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa để nhận ra những khủng hoảng, những căng thẳng, rối loạn, những biểu hiện của trầm cảm… càng sớm càng tốt để tìm cách giúp đỡ kịp thời.

Sức mạnh tinh thần bên trong quan trọng hơn mọi điểm số, mọi bằng cấp, mọi địa vị! Cha mẹ có thể cho con sức mạnh tinh thần, rèn nội lực vững vàng cho con qua việc để con được thoải mái vui vẻ tự do lựa chọn cách học, cách sinh hoạt, lựa chọn hướng đi cho tương lai phù hợp với chính mình… Và qua cả việc để con được thất bại và học cách vượt qua thất bại. Đừng bắt con làm đúng mọi việc như ý cha mẹ chỉ vì muốn con thành công, như vậy chỉ sẽ khiến con bị tước đi quyền được tự do sống, quyền được trải nghiệm cuộc sống. Mỗi khi con mắc lỗi, cho con tự nhận ra bài học và hướng thay đổi thay vì chỉ trích, bảo con phải làm thế này thế kia mới đúng. Bởi, mỗi con người là một cá thể đặc biệt, duy nhất.

Không ai sống thay ai! Con có suy nghĩ, cảm xúc, cách hành động khác cha mẹ. Hãy để con được là chính mình, con sẽ được chính cuộc sống làm cho trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn từ bên trong!
Những đứa trẻ được tôn trọng sự tự do sẽ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, sớm tìm ra ý nghĩa cuộc sống, sẽ vượt qua áp lực, khó khăn thử thách của cuộc sống hơn là những đứa trẻ được cha mẹ bao bọc, chỉ dẫn hay áp đặt mọi việc.

Tiến sĩ tâm lý PHẠM THỊ THÚY

Facebook Youtube Top