Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Ðây là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được Bộ Xây dựng tập trung triển khai trong thời gian tới. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ (trong ảnh) về thực hiện công tác xây dựng thể chế vĩ mô cũng như triển khai các chương trình cụ thể xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng yếu thế.
Phóng viên (PV): Xây dựng thể chế luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng và được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Xin Bộ trưởng cho biết những “điểm nhấn” của công tác này trong năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ tập trung lãnh đạo, điều hành trong năm 2022?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2021, Bộ Xây dựng trình và được Chính phủ, Thủ tướng ban hành tám Nghị định, bảy Quyết định, một Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư với nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý nhà nước. Qua đó, bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59 trong tổng số 172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với chín ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong ba ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… giảm 50% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính gửi về Bộ xử lý.
Bộ Xây dựng là một trong năm Bộ đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công Phương án này là một bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu phân cấp, phân quyền nhưng vẫn giữ được sự kiểm soát hiệu quả của quản lý nhà nước, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngành xây dựng. Trong năm 2022, ngành tập trung thực hiện ba khâu đột phá:
Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Trước mắt, ngay trong quý I, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các Nghị định để tháo gỡ các vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm quy định rõ, khả thi, phù hợp thực tiễn và phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, hoạt động xây dựng, công tác thẩm định thiết kế, dự toán... đồng thời quy định nội dung, tiêu chí, quy trình... để kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Hai là, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Bao gồm các nội dung: Nâng cao chất lượng công tác lập Quy hoạch bảo đảm tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch. Tập trung rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Xây dựng (nội dung liên quan đến quy hoạch) và Luật Quy hoạch đô thị để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khả thi. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị bảo đảm đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai…
Ba là, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình; tăng cường quản lý bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Theo đó, sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản; Xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cung-cầu và cơ cấu sản phẩm nhà ở.
PV: Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng-một trong số các chỉ số được Ngân hàng Thế giới đo lường, đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế. Ðể tiếp tục nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số xếp hạng này, ngành Xây dựng sẽ chú trọng những nội dung gì, thưa đồng chí Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã chủ động chủ trì, phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng. Việc lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng và các thủ tục liên quan đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, không cần nộp hồ sơ ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính khoảng 30%. Bộ Xây dựng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, quy định nguyên tắc thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp Bộ Công an để thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng với kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy...
Trên cơ sở cách tiếp cận, đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu về hoạt động xây dựng từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hành lang pháp lý trong triển khai thực hiện trên thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Xây dựng. Ðẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan. Tăng cường công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng làm cơ sở cho việc đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật...
PV: Nhiều năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Bộ Xây dựng có giải pháp gì trong thời gian tới để tăng nguồn cung phân khúc nhà ở này cũng như hướng
tới bảo đảm an sinh xã hội?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội (gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân), quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2. Riêng năm 2021 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 17 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn hộ, với tổng diện tích gần 1,4 triệu m2. Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn triển khai chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả khâu thể chế chính sách và tổ chức thực hiện. Dự báo giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất lớn, do vậy, Bộ Xây dựng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Tập trung cho công tác hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, trong đó, đã kiến nghị sửa đổi chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tháo gỡ các vướng mắc, theo hướng: Ðiều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội bảo đảm chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi thực chất. Bổ sung quy định về tài chính phát triển nhà ở xã hội theo hướng quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các vị trí không phù hợp để đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội. Bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức lựa chọn đơn vị đủ năng lực để thực hiện. Tách nhóm đối tượng người lao động, công nhân khu công nghiệp để có chính sách riêng và bổ sung các quy định về quỹ đất để phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp. Cải cách, rút gọn thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cũng như trong quy trình mua-bán, xác nhận đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Chủ động tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác áp dụng pháp luật về phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương. Trọng tâm là, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết liệt triển khai gói hỗ trợ tín dụng về nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua. Bộ Xây dựng và Thanh tra chuyên ngành xây dựng tại các Sở Xây dựng địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!