TP.HCM: Cần 310.000 lao động trong năm 2022
Trong năm 2022, TP.HCM cần được bổ sung khoảng 310.000 lao động để phục vụ nhu cầu nhân lực của thành phố.
Ngày 5/1, thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, năm 2022 thị trường lao động của thành phố sẽ có 2 kịch bản tùy vào tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp cần tuyển 280.000-310.000 lao động. Trong đó nhu cầu nhân lực của quý I-2022 là gần 87.000 người, con số này ở quý II trên 72.000; quý III gần 74.000 và quý IV khoảng 77.000.
Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế – xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 – 280.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 71.500 – 78.500 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 59.600 – 65.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 60.600 – 66.500 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 63.300 – 69.500 chỗ làm việc.
Năm 2022, các doanh nghiệp ở TP.HCM chủ yếu tìm nguồn lao động có trình độ dưới đại học.
Trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong năm 2022 chiếm đến gần 66% bao gồm thương nghiệp, vận tải kho bãi, lưu trú, ăn uống, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản.
Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chiếm trên 33% gồm các ngành cơ khí, sản xuất hàng điện tử, chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống, hóa dược.
Các doanh nghiệp chủ yếu tìm nguồn lao động có trình độ dưới đại học, chiếm trên 86% nhu cầu tuyển dụng.
Theo đánh giá của Trung tâm, năm 2021 vừa qua là một năm chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong đó có cả thị trường lao động, tình trạng thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến mất thu nhập có xu hướng tăng. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đến đầu tháng 10 tình hình dịch bệnh tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã dần khôi phục, quay trở lại sản xuất và thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường lao động cũng có nhiều biến động.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng vì chưa đảm bảo đủ lực lượng lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp. Mặt khác vì phải thăm dò tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sản xuất.
Dự kiến nhiều lĩnh vực như khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học, phân tích dữ liệu…đã và sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động cũng sẽ có nhiều chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian tới.
Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, đơn vị này khuyến nghị các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, người lao động cần phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng và hội nhập.
PV