TP Thủ Đức - một năm nhìn lại
2021 là 'năm bản lề' đầy khó khăn với TP Thủ Đức khi chỉ có 3 tháng tương đối ổn định để phát triển. Chuyên gia cho rằng thành phố mới này cần thời gian để thay đổi thật sự.
Nếu 2021 là "năm mất đà" của TP.HCM trong thực hiện chỉ tiêu nhiệm kỳ, thì TP Thủ Đức cũng phải chịu lực cản lớn vào năm đầu tiên thành lập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bộ máy chỉ vừa tạm ổn định sau 4 tháng ra đời (từ 22/1/2021), TP Thủ Đức lập tức phải đối diện với đại dịch chưa từng có, kéo theo đợt giãn cách xã hội dài 5 tháng. Như vậy, thành phố mới này chỉ có 3 tháng tương đối ổn định để phát triển.
Khó khăn này khiến các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ năm 2021 đều tăng trưởng âm. Một số chỉ tiêu đặt ra chưa đạt như tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn trên 98%, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%... Điểm sáng là tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vẫn đạt 103,26% chỉ tiêu được giao (ước thực hiện 8.599 tỷ đồng); tiến độ giải ngân đầu tư công đạt 96,43%, cao hơn nhiều so với mức giải ngân 55% của TP.HCM.
"Thước đo" đánh giá hoạt động của TP Thủ Đức
Ổn định bộ máy tổ chức là việc được Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nhiều lần nhấn mạnh khi nói về thành quả năm đầu tiên thành lập.
Một năm trước, TP Thủ Đức chính thức ra đời đúng một tháng trước Tết Tân Sửu 2021 và sớm hơn 16 ngày so với kế hoạch ban đầu (ngày 22/1). Toàn bộ máy chạy đua với thời gian để kiện toàn, kịp thời tiến hành cuộc bầu cử vào 23/5/2021. Khi đó, thành phố đi vào hoạt động trong bối cảnh con dấu mới còn chưa kịp hoàn thiện, chưa có cơ chế phân cấp và toàn bộ nhân sự được quy hoạch lại thành một bộ máy mới toanh.
Khi sáp nhập, khó nhất là công tác nhân sự.
Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng
“Khi sáp nhập, khó nhất là công tác nhân sự. Ngay cả quan điểm xử lý, cách làm việc của 3 đơn vị (quận 2, 9, Thủ Đức cũ - PV) cũng có cự ly khác nhau. Quan trọng là phải làm sao để vận hành thống nhất”, ông Hoàng Tùng kể lại giai đoạn đầu thành lập.
Từ hợp nhất nguyên trạng bộ máy hành chính của 3 quận cũ (2, 9, Thủ Đức) với 36 phường và 631 cán bộ, công chức, đến nay, TP Thủ Đức rút gọn bộ máy còn 34 phường và 604 cán bộ, công chức, người hoạt động bán chuyên trách (30/11/2021).
Chỉ riêng năm 2021, TP Thủ Đức ban hành 1.592 văn bản liên quan đến tuyển dụng, điều động, thôi việc, điều chuyển cán bộ, công chức viên chức - trung bình mỗi ngày ban hành ít nhất 6 văn bản liên quan đến công tác nhân sự. Cùng với đó là 280 quyết định về thành lập mới, kiện toàn nhân sự các tổ chức tư vấn (hội đồng, ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra liên ngành...).
TP Thủ Đức là địa phương tập trung nhiều nhất bệnh viện dã chiến cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM trong các tháng cao điểm dịch. Ảnh: Duy Hiệu.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, nhìn nhận 2021 là năm khó khăn với TP Thủ Đức khi ra đời ngay thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tác hại nghiêm trọng. Ngay sau khi thành lập là bầu cử nên phải đến tháng 6, tổ chức bộ máy vừa định hình thì toàn TP.HCM rơi vào đợt dịch thứ 4 khiến Thủ Đức khó triển khai các kế hoạch như dự kiến.
Ông cho rằng chỉ riêng việc ổn định nhân sự để bộ máy này vận hành trơn tru cũng là một thành quả đáng ghi nhận của TP Thủ Đức năm đầu thành lập.
Trong bối cảnh đầy biến động, tổ chức bộ máy còn mới, TP Thủ Đức vẫn nổi lên là một trong những nơi triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong kiểm soát dịch của TP Thủ Đức cũng được ghi nhận. Như mới đây, TP Thủ Đức nhận giải thưởng hạng Nhì cuộc thi Sáng tạo TP.HCM lần thứ 2 năm 2021 với dự án "Ứng dụng GIS quản lý dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến trên địa bàn TP Thủ Đức".
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần nhìn nhận ở khía cạnh này để đưa ra những “thước đo” hợp lý, đánh giá hiệu quả hoạt động của TP Thủ Đức năm qua.
Không thể thấy kết quả ngày một ngày hai
“Thật sự là không có gì khác”, đó là nhận định của bà Nhân Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì Giấy nhôm Tokyo (doanh nghiệp có trụ sở trong Khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức), khi được hỏi về những thay đổi sau một năm Thủ Đức lên thành phố.
Ngoài việc phải sửa tên địa chính trên các ấn phẩm, giao dịch hoặc giấy tờ, chủ doanh nghiệp này cho biết năm qua TP Thủ Đức không có thêm chính sách mới để giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư hay tiếp cận thêm nguồn vốn. Hạ tầng tại đây cũng chưa có đổi thay. Dù vậy, bà Quân không phiền lòng với điều này mà cho rằng đây là kết quả tất yếu khi năm qua, cả TP.HCM phải tập trung ứng phó với dịch.
Nữ doanh nhân này đặc biệt đánh giá cao sự lắng nghe của chính quyền TP Thủ Đức với doanh nghiệp trong đợt dịch vừa qua - thời điểm các đơn vị phải thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".
“Doanh nghiệp có vấn đề khó khăn thì kêu đến đích thân lãnh đạo luôn. Lãnh đạo cũng lắng nghe và xử lý vấn đề cho doanh nghiệp”, bà Quân cảm kích.
Một điểm sáng khác được nữ doanh nhân này đánh giá cao là ứng dụng “TP Thủ Đức trực tuyến”, trong đó công khai các dịch vụ công và đầu mối để doanh nghiệp, người dân “hữu sự biết gõ cửa ai”.
Ứng dụng TP Thủ Đức trực tuyến (trái) và TP Thủ Đức công chức.
Với sứ mệnh phát triển dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ, TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp quận, huyện duy nhất trên cả nước có Phòng Khoa học Công nghệ từ tháng 7/2021.
Trong 6 tháng, kết quả nổi bật nhất của đơn vị này là hình thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) giai đoạn 1; bên cạnh đó là xây dựng đề cương chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2021-2030, đề án xây dựng TP Thủ Đức thành đô thị thông minh và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2026.
“6 tháng không có nghĩa là phải lăn vào phát triển một dự án hay một đề tài nào đấy, mà 6 tháng này phòng tập trung vào xây dựng đề án, chương trình, chiến lược để triển khai từ năm 2022 trở đi”, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng nói về kết quả hoạt động năm vừa qua.
Ông cho biết TP Thủ Đức đã và đang tiến hành số hóa từ trong ra - tức là từ trong chính nội bộ chính quyền, sau đó là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân.
Hiện, cán bộ, công chức nơi đây “giao tiếp” hoàn toàn qua phần mềm “TP Thủ Đức công chức”. Lãnh đạo thành phố giao và kiểm soát tiến độ công việc thông qua ứng dụng này và các tài liệu giấy hầu như không còn được sử dụng mà đưa lên trực tuyến.
Phát triển TP Thủ Đức không thể thấy kết quả trong "ngày một ngày hai"
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Nhìn lại những kết quả một năm qua, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng việc phát triển TP Thủ Đức thành đô thị thông minh, bền vững nằm trong tầm nhìn, chiến lược dài hạn của TP.HCM nên không thể nóng vội. Đây là quá trình dài hơi, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, khó thấy ngay kết quả ngày một ngày hai.
Điều quan trọng hiện nay là TP Thủ Đức vẫn chưa có cơ chế riêng mà vẫn chỉ có hành lang pháp lý tương đương cấp quận.
"Với tất cả kỳ vọng mà Trung ương và TP.HCM về một đô thị sáng tạo tương tác cao trên nền tảng kinh tế tri thức thì ưu tiên trước hết là cần sớm có một cơ chế đặc thù phù hợp nhằm hiện thực hóa ước vọng về một thành phố kiểu mẫu trong tương lai", chuyên gia nhận định.
TP.HCM sớm có nghị quyết về phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức
TP.HCM đang cùng TP Thủ Đức xây dựng, hoàn thiện một số đề án quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, gồm: Đề án về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức; đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức; đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM (trọng tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Dự kiến trong tháng 1, Thành ủy TP.HCM có nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội cho TP Thủ Đức, trong đó có nội dung về phân cấp, ủy quyền cho "thành phố trong thành phố".
Song song với đó, nhiệm kỳ 2021-2025, TP Thủ Đức triển khai các đề án như: Xây dựng chính quyền đô thị TP Thủ Đức; phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND và chủ tịch UBND 34 phường; sắp xếp khu phố, tổ dân phố tại TP Thủ Đức...