Giỏ hàng

Vai trò của báo chí, truyền thông với vấn đề Giám sát xã hội và Phản biện xã hội

Ở nước ta, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội là một khái niệm còn tương đối mới mẻ đối với rất nhiều người. Tuy vậy, đây lại là vấn đề hết sức quan trọng trong việc phát huy dân chủ của người dân, đồng thời là một trong những động lực quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Xét về bản chất, thì hoạt động thực tiễn và chất lượng của Giám sát xã hội và Phản biện xã hội nói lên tính chất tiến bộ, trình độ dân chủ, văn minh của cả một cộng đồng xã hội. Để đưa Giám sát xã hội và Phản biện xã hội đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao, ngoài vai trò của Mật trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò đóng góp của báo chí, truyền thông cũng hết sức quan trọng.
 

Giám sát xã hội và Phản biện xã hội là gì?

Trong mỗi xã hội luôn tồn tại những giai cấp, tầng lớp và nhóm lợi ích khác nhau với những nhận thức, mục tiêu và hành động khác nhau. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn về quyền lợi, có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng xã hội, thậm chí là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào hay quyết định nào cũng đáp ứng được với tất cả mọi người, nếu lợi ích của từng cá nhân đó không đồng nhất với nhau. Vì vậy, để đạt tới sự đồng thuận của tất cả mọi cá nhân trong xã hội cần phải có sự thảo luận, tranh luận, phản biện. Trên cơ sở đó, việc Giám sát xã hội và Phản biện xã hội sẽ góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội, tạo động lực cho sự phát triển của bản thân xã hội đó. Đó chính là một hoạt động cần thiết, cũng là một trong những phương thức đặc trưng trong việc trong thực hành dân chủ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: “Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới… Mọi đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh tới lợi ích của đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Theo đó, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội được coi là một hình thức dân chủ trực tiếp của người dân trong xã hội. Nó là tác nhân quan trọng trong việc tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao tính chủ động và vai trò làm chủ của nhân dân, giúp các quyết định của lãnh đạo, quản lý thể hiện sự minh bạch trong việc đưa ra các quyết sách, quyết định, giúp tránh được bệnh chủ quan, gia trưởng, độc đoán. Dân chủ là khi quyết định những công việc chung của cộng đồng, tiếng nói của mỗi cá nhân được lắng nghe, được tiếp nhận. Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước dân chủ “của dân, do dân và vì dân” nên việc tìm sự đồng thuận trong tiếng nói chung của người dân trong việc đưa ra các quyết định là một tiêu chí cần xây dựng và củng cố thường xuyên.

Xét về bản chất, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội là sự phản tư của các lực lượng xã hội đối với những kiến tạo chính sách, thể chế… trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng, từ đó giúp các cơ quan hữu quan điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Như vậy, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội chính là sự tương tác, giao thoa về quan điểm, tư tưởng giữa các lực lượng (chính trị, kinh tế, xã hội…) trong một cộng đồng. Đây là một đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Giám sát xã hội và Phản biện xã hội là hai khái niệm chức năng gắn bó mật thiết với nhau, vì chỉ khi giám sát một cách nghiêm túc mới có thông tin đầy đủ và thấu đáo làm tiền đề cho phản biện.

Giám sát xã hội là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Còn Phản biện xã hội, theo TS. Huỳnh Bá Thâm và CN Nguyễn Tôn Thị Tường Vân trong tác phẩm Phản biện xã hội và Phát huy dân chủ pháp quyền (NXB Chính trị Quốc gia 2009): “Phản biện xã hội là sự phản biện nói chung của nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, pháp luật… liên quan đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan ban hành nhằm mục tiêu phát triển chung của Đất nước hay một lĩnh vực, vấn đề xã hội nào đó”.

Thuật ngữ “Phản biện xã hội” được sử dụng chính thức trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, Phản biện xã hội là: “Phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan”.

Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng cũng khẳng định: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò Giám sát xã hội và Phản biện xã hội. Các cấp ủy đảng và cấp chính quyền có chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật”.

Như vậy, chúng ta cần phải nhận thức rằng, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội là quyền lợi của tất cả mọi người dân chứ không phải là vấn đề riêng của Mặt trận Tổ quốc hay báo chí, truyền thông, vì đó chính là nền tảng quan trọng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo cơ sở để xây dựng thành công nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa.

Ở nước ta, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên không khí dân chủ, tạo nên những điều chỉnh trong hoạt động lãnh đạo, quản lý theo chiều hướng hợp lòng dân hơn. Để Phản biện xã hội được kịp thời, chính xác và mang lại hiệu quả, công tác Giám sát xã hội phải luôn được chú trọng và củng cố. Hoạt động Giám sát xã hội và Phản biện xã hội do các lực lượng trong xã hội tiến hành, hoạt động này không mang tính Nhà nước và cũng không thể đứng trên Nhà nước. Giá trị của Giám sát xã hội và Phản biện xã hội là nhằm phát huy dân chủ, là để Nhà nước lắng nghe tiếng nói của nhân dân về hoạt động mình, đồng thời còn là một phương thức để Nhà nước gần dân và hiểu rõ được tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn.

Vai trò của báo chí, truyền thông đối với việc Giám sát xã hội và Phản biện xã hội

Báo chí có vai trò đăc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của mọi quốc gia, dân tộc. 97 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Báo Thanh niên với số báo đầu tiên được phát hành ngày 21/6/1925 đã trở thành mốc son lịch sử của cách mạng báo chí nước nhà. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Thực tiễn báo chí nước ta trong 97 năm qua đã thể hiện một cách sinh động, hùng hồn câu nói bất hủ của Bác.

Nhìn lại 97 năm qua, những chiến sỹ nhà báo cách mạng đã dũng cảm trên trận tuyến chống quân thù, sáng tạo nên những tác phẩm báo chí như hồi trống xung trận, có sức lôi cuốn, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân siết chặt đội ngũ, dưới cờ vinh quang của Đảng, đưa nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; có những tác phẩm báo chí có sức tiến công mạnh mẽ, làm kẻ thù khiếp đảm; có những tác phẩm báo chí được toàn dân truyền tay nhau đọc, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí chiến đấu, khích lệ bao người xả thân vì nghĩa lớn, tạo nên sức mạnh vô song đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo chí cách mạng luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, là công cụ sắc bén bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiế, trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển, đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển cường thịnh, có uy tín, vị thế lớn trên trường quốc tế.

Ngoài vai trò là truyền tải, cung cấp thông tin nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hộị và là công cụ tuyên truyền, cầu nối quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp với nhà quản lý, hoạch định chính sách giúp Nhà nước điều chỉnh những chủ trương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn. Báo chí còn đóng vai trò rất lớn trong việc bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, phân tích trúng vấn đề trọng điểm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, vai trò, chức năng giám sát và phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí, truyền thông cũng được nâng lên. Chức năng này đã được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để Giám sát xã hội và Phản biện xã hội đi sâu vào đời sống xã hội một cách khoa học, sâu rộng và có định hướng đúng đắn, vai trò báo chí, truyền thông là rất quan trọng. Báo chí cách mạng Việt Nam đã chủ động tham gia Giám sát và Phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngày nay, trong phòng, chống tham nhũng, báo chí đóng vai trò là một chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng. Sức lan tỏa của báo chí rất nhanh và lớn, nhất là trong xu thế báo chí kết nối mạng internet toàn cầu.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của báo chí, truyền thông đã và đang thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động Giám sát xã hội và Phản biện xã hội. Thông qua báo chí, truyền thông người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội, qua đó, thể hiện vai trò Giám sát xã hội và Phản biện xã hội của mình.

Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, phân tích đúng trọng điểm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận rõ ràng, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt chức năng phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và niềm tin của công chúng đối với cơ quan truyền thông cũng được nâng lên.

Tại Đại hội Đảng XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu nền báo chí Việt Nam đảm nhận thêm vai trò, nhiệm vụ Giám sát xã hội và Phản biện xã hội. Trong Nghị quyết Đại hội, về phát triển hệ thống thông tin đại chúng, nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng vai trò của báo chí trong sự phát triển của xã hội nói chung và vấn đề Giám sát xã hội và Phản biện xã hội nói riêng. Đồng chí cho rằng: “Báo chí cách mạng là công cụ cực kỳ quan trọng để làm nhiệm vụ đó; báo chí cách mạng còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên… Các nhà báo luôn bám sát thực tiễn sinh động, xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Để Giám sát xã hội và Phản biện xã hội có hiệu quả trên cơ sở lập luận, đánh giá, phân tích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người dân và các thiết chế đại diện của nhân dân phải đứng trên tinh thần xây dựng và trên cơ sở lý luận khoa học. Có nghĩa là, chúng ta cũng cần phải xem Giám sát xã hội và Phản biện xã hội với tư cách là một luận điểm khoa học chứ không phải cảm nhận chính trị tự phát theo kinh nghiệm. Bởi chỉ nhìn nhận vấn đề Giám sát xã hội và Phản biện xã hội dưới góc độ lý luận khoa học, thì chúng ta mới có thể phát huy hết vai trò của nó, đồng thời tránh được tình trạng phản đối, chống đối một cách tự phát, chệch hướng, đặc biệt là các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để gây nên sự bất ổn tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước. Giám sát xã hội và Phản biện xã hội phải dựa trên cơ sở động cơ trong sáng, trí tuệ và trách nhiệm công dân cao.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, Giám sát xã hội và Phản biện xã hội cần được nhìn nhận, đánh giá và tiến hành trên cơ sở khách quan, biện chứng, không nên áp đặt ý chí chủ quan để phán xét sự việc và phải dựa trên nền tảng lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ chí Minh. Với “thiên chức” của mình, báo chí truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc Giám sát xã hội và Phản biện xã hội./.

Anh Ba Râu

Facebook Youtube Top