Giỏ hàng

Việt Nam đã triển khai thành công 6.550 ca ghép tạng

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 23 bệnh viện được công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép 1 trong 6 bộ phận cơ thể người. Từ năm 1992 đến ngày 31/3/2022, Việt Nam đã triển khai thành công 6.550 ca ghép tạng.

Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép tim từ tạng hiến.

Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép tim từ tạng hiến.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người được ghi nhận là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ XX.

Với kỹ thuật này đã giúp cải thiện và kéo dài cuộc sống cho hàng triệu người bệnh trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, thành công kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người được đánh dấu bằng ca ghép thận thành công đầu tiên tại Học viện Quân y vào năm 1992. Kỹ thuật ghép tạng là đỉnh cao của y học, có thể cứu sống nhiều người bệnh tưởng chừng "vô phương cứu chữa".

Điều này cũng chứng minh rằng, y học Việt Nam có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Hiện tại trên cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép 1 trong 6 bộ phận cơ thể người gồm: Kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não; Kỹ thuật lấy, ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não; Kỹ thuật lấy, ghép phổi từ người hiến sống và từ người hiến chết não;

Kỹ thuật lấy, ghép tim từ người hiến chết não; Kỹ thuật lấy, ghép tụy từ người hiến chết não và kỹ thuật lấy, ghép tụy - thận từ người cho chết não; Kỹ thuật lấy, ghép chi thể từ chi thể không còn khả năng bảo tồn, từ người hiến sống và từ người hiến chết não.

Theo số liệu của Hội ghép tạng Việt Nam, từ năm 1992 đến 31/3/2022 Việt Nam ghép được 6.550 người. Trong đó có 6.094 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim.

Cả nước có 9 người được ghép phổi, một người được ghép tụy-thận, một người được ghép tim-phổi và 2 ca ghép ruột.

Số ca được ghép từ người hiến chết não quá khiêm tốn so với nhu cầu của người bệnh suy tạng cần được ghép.

Bộ Y tế đã cấp phép hoạt động cho 10 ngân hàng mô, trong đó có một số ngân hàng mô chuyên biệt (tế bào gốc) và đã thực hiện được hàng nghìn ca ghép mô (giác mạc, da, tủy...).

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thi hành, quy định về ngân hàng mô trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp.

Cuối tháng 3/2022, Cục Quản lý Khám, chữa bênh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo cập nhật và xây dựng các Hướng dẫn chuyên môn về ghép tạng. Hiện Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng và Hội đồng nghiệm thu Hướng dẫn chuyên môn về lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo Quyết định số 1427/QĐ-BYT.

Ban soạn thảo có nhiệm vụ xây dựng Hướng dẫn chuyên môn về lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó có xây dựng ban hành đầy đủ Danh mục kỹ thuật và Quy trình chuyên môn kỹ thuật trong chuyên ngành lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hiến sống và người hiến chết não để trên cơ sở đó xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, giá dịch vụ ghép mô, bộ phận cơ thể người hiến sống và người hiến chết não.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo và Hội đồng cũng như xây dựng, góp ý Luật Hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Trong quá trình triển khai thực tiễn vẫn còn tồn tại một số nội dung cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để phù hợp với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Để tăng số lượng người bệnh được ghép từ người hiến chết não, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kêu gọi mọi người dân có tấm lòng nhân hậu, một nghĩa cử cao đẹp cùng chung tay hãy đi đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người ngay từ lúc còn sống và gia đình không may có người chết não vận động mọi người thấu hiểu để hiến mô, bộ phận cơ thể người ngay hôm nay với thông điệp “Hiến đi là còn mãi…”.

Nguồn Nhân Dân

Facebook Youtube Top